Thương vụ Singapore linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh

46782

Ngày 3/4/2020, trước tình hình dịch Covid có dấu hiệu khó kiểm soát, Chính phủ Singapore đã quyết định áp dụng biện pháp “ngắt mạch”, triệt để giãn cách xã hội. Hầu hết các cơ quan, trường học, doanh nghiệp ở Singapore đều ngừng hoạt động, sản xuất, kinh doanh; trừ một số  lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế và đời sống hàng ngày như siêu thị, cửa hàng thuốc, ngân hàng, dịch vụ logistics hàng hoá… Người dân Singapore được khuyến cáo hạn chế ra đường; mọi hình thức hội họp đều bị hoãn huỷ. Trong bối cảnh này, nhiều kế hoạch tiếp xúc doanh nghiệp, Hiệp hội; tổ chức đoàn mua hàng về nước; tổ chức Hội nghị kết nối đều không thể thực hiện được. Để linh hoạt ứng phó đối với chính sách của sở tại, đảm bảo chủ động tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Singapore đã có nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu và kết nối đầu tư, kinh doanh.

Nhờ nắm bắt tình hình địa bàn, Thương vụ đã tranh thủ vận động và tìm kiếm được thông tin liên quan đến các đơn hàng mua sắm chính phủ của Singapore nhằm phục vụ các sản phẩm thiết yếu cho người dân Singapore trong bối cảnh dịch bệnh; nhờ đó, Thương vụ đã kịp thời thông tin về nước và hỗ trợ kết nối được nhiều hợp đồng xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam sang thị trường. Bên cạnh đó, để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, Thương vụ đã làm việc với đại diện hãng Hàng không quốc gia Việt Nam tại Singapore để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển hàng mẫu miễn phí và vận chuyển hàng hoá với mức giá ưu đãi sang địa bàn. Trong bối cảnh dịch bệnh, sự phối hợp giữa Thương vụ và hãng Hàng không quốc gia cũng là một hướng đi để vừa giúp tăng thời gian khai thác chuyến bay hàng hóa; vừa giúp các doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo cung hàng kịp thời, nhanh chóng khi thị trường có nhu cầu.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đặc biệt đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, đảm bảo thường xuyên và nhanh chóng cập nhật số liệu ngành hàng, các thay đổi chính sách và cơ hội thị trường về nước qua các kênh khác nhau như: báo cáo tham mưu chính sách gửi về Vụ, thông tin báo chí gửi các cơ quan báo chí trong nước, bản tin đăng mạng lên cổng thông tin điện tử của Thương vụ và của Bộ Công Thương. Đẩy mạnh kết nối điện tử thông qua cổng thông tin của Thương vụ đặc biệt được chú ý, nhờ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng nắm bắt ngay lập tức các cơ hội giao thương, tương tác tức thời với cán bộ Thương vụ để hỗ trợ kết nối, bất kể tình trạng dịch bệnh, khó khăn về địa lý và múi giờ, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nay, Thương vụ đã triển khai trang thông tin kết nối song ngữ Anh-Việt, giúp các doanh nghiệp Singapore chủ động tự tìm được nhà cung cấp tiềm năng các sản phẩm, dịch vụ theo từng nhóm ngành hàng trong mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại. Đây là một kênh hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, nguyên liệu sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành trong bối cảnh dịch bệnh, được sự quan tâm hưởng ứng của cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn doanh nghiệp sở tại.

Hiện nay, Thương vụ đang tích cực phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng của Singapore để triển khai chuỗi Hội nghị kết nối trực tuyến, trong các lĩnh vực khác nhau như: Thực phẩm chế biến, nông thủy sản; sản phẩm xây dựng và nội thất; dệt may và nguyên phụ liệu, công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng (gốm sứ, thủy tinh, đồ bếp, nhựa gia dụng)… Hội nghị kết nối trực tuyến được tổ chức qua ứng dụng Zoom, theo đó, Thương vụ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tiến hành hoạt động B2B thông qua các Live Chat Room và đảm bảo phiên dịch cho hai bên doanh nghiệp. Để đảm bảo thành công của các Hội nghị kết nối trực tuyến này, Thương vụ đang nhanh chóng triển khai các “gian hàng ảo” của các doanh nghiệp trên Trang Thông tin của Thương vụ, nhờ đường link kết nối đến website của doanh nghiệp nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Singapore có thể chủ động tìm hiểu thông tin, xác định đối tác trước khi tham gia kết nối. Đẩy mạnh Hội nghị kết nối trực tuyến được các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao vì đã tạo ra một kênh quảng bá mới, miễn phí cho doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp Singapore cũng tỏ ra rất thích thúc với hình thức này vì cho rằng Thương vụ đã tạo ra một kênh kết nối an toàn cho cả hai bên doanh nghiệp, với sự hỗ trợ thông tin và follow up của cơ quan nhà nước (kiểm tra xác minh doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển mẫu hàng, dùng thử sản phẩm tại showroom của Thương vụ); giúp các doanh nghiệp có thể yên tâm giao dịch, giảm chi phí cho doanh nghiệp hai bên.

Một đột phá nữa trong công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp là việc Thương vụ đã kết nối thành công 6 doanh nghiệp Việt Nam và sở tại cùng chung tay để tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại qua hình thức cooking shows và livestream với sự tham gia của Youtuber nổi tiếng người Singapore Jianhao TAN. Đây là hình thức xúc tiến thương mại sáng tạo, thể hiện hiệu quả tốt trong bối cảnh dịch bệnh, giúp người dân Singapore trong khi thực hiện giãn cách xã hội có thêm sự nhận diện về một số thương hiệu thực phẩm chế biến của Việt Nam; có thêm thông tin về ẩm thực Việt Nam, từ đó quan tâm sử dụng các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam để chể biến món ăn Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia sự kiện còn ủng hộ các sản phẩm của Việt Nam (bánh tráng, cà phê, nước mắm, gia vị…) để nhà hàng Việt Nam Red Sparrow chế biến các suất ăn miễn phí, ủng hộ các y bác sĩ trên tuyến đầu phòng dịch của Singapore. Việc làm có ý nghĩa này đã được dư luận sở tại đánh giá rất cao, góp phần tạo hiệu ứng tốt cho các thương hiệu của Việt Nam tại địa bàn.

 

Một vài lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh

 

 

Singapore là thị trường có độ mở lớn với kim ngạch thương mại lớn (750 tỷ đô la- gấp đôi giá trị tổng sản phẩm quốc nội). Với cơ cấu nền kinh tế chủ yếu hướng vào dịch vụ (chiếm tỷ trọng 75% nền kinh tế), Singapore không có nền nông nghiệp; công nghiệp chủ yếu hướng vào ngành điện tử, cơ khí chính xác và các mắt xíchtrong chuỗi sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng cao như giải pháp công nghệ, thiết kế sáng tạo. Vì vậy, tiêu dùng ở Singapore chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, từ quần áo, đồ dùng gia đình cho đến thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy sản… Dù là nước nhỏ với dân số chưa đến 6 triệu người, Singapore là nước có đối tác nhập khẩu đa dạng bậc nhất thế giới với 220 đối tác, và riêng trong lĩnh vực thực phẩm, rau củ quả, Singapore có quan hệ nhập khẩu với 170 nước. Sự đa dạng đối tác này là để đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo nguồn cung trước bất cứ sự đứt gẫy nào. Trước bối cảnh dịch Covid-19, Singapore ngày càng thận trọng trong chính sách thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Hiện nay, Singapore đang khống chế tỷ lệ xuất khẩu vào một thị trường đơn lẻ không quá 15% tổng giá trị xuất khẩu của nước này. Dự kiến, tỷ lệ này sẽ được xem xét giảm đối với cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu, để tránh các đứt gẫy cung cầu trong tương lai ở các thị trường truyền thống của Singapore như Malaysia, Trung Quốc, Hoa Kỳ…

 

Với đặc điểm thị trường như vậy, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội rất lớn để thâm nhập thị trường Singapore và thông qua thị trường có đòi hỏi cao này để đi ra thế giới. Tuy nhiên, điểm yếu hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đối với thực phẩm chế biến, đồ uống… các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến bao bì, chỉ dẫn bằng tiếng Anh, và các chứng chỉ như HACCP, Halal… Đối với thị trường Singapore, các doanh nghiệp cũng nên lưu ý đến vấn đề thời hạn sản phẩm. Để đưa vào hệ thống bán lẻ, thời hạn của các sản phẩm chế biến phải đủ dài, tốt nhất trên 12 tháng để đảm bảo đủ vòng quay kinh doanh. Các sản phẩm có thời hạn ngắn, chưa kịp tiếp cận khách hàng, thương mại hóa đã phải giảm giá thanh lý (mọi sản phẩm còn hạn dưới 6 tháng) sẽ khiến các nhà nhập khẩu ngần ngại. Một khó khăn khác cho các doanh nghiệp Việt Nam trong khả năng cạnh tranh là vấn đề giá và khả năng đảm bảo nguồn cung. Các nhà nhập khẩu Singapore có mạng lưới đối tác phong phú từ 220 đối tác trên thế giới, vì vậy, họ luôn lưu ý để tìm kiếm những sản phẩm tốt nhất có giá thành hạ nhất cho người tiêu dùng Singapore. Đây được coi là một nhiệm vụ cao cả của các thương nhân: tham gia đảm bảo duy trì chi tiêu cho ăn–mặc- ở-đi lại ổn định ở mức thấp, nâng cao khả năng tiết kiệm, đầu tư và chất lượng tái sản xuất sức lao động xã hội (chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, giải trí, sáng tạo…). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần giữ chữ tín trong kinh doanh, đảm bảo nguồn cung với mức giá ổn định cho các nhà nhập khẩu Singapore; tránh tình trạng “lợi dụng” dịch bệnh để đẩy giá bán lên cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý đến việc kết nối theo chuỗi với các nhà cung ứng dịch vụ vận tải, kho bãi, nhà vận tải gom hàng…, có sẵn thông tin và mạng lưới để xuất hàng nhanh chóng. Các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt phải quan tâm đến việc xây dựng trang web và năng lực trao đổi thông tin qua các ứng dụng công nghệ số.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]