Xuất khẩu 8,22 tỷ USD hàng hóa nửa đầu tháng 5/2020

21218

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 5/2020 của nước ta chỉ đạt 8,22 tỷ USD, giảm 11,1% so với kỳ trước, nhưng lũy kế đến 15/5, Việt Nam vẫn xuất siêu 1,84 tỷ USD.

Theo số liệu về tình hình xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 5 do Tổng cục Hải quan vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong kỳ đã chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 thấy rõ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 17,4 tỷ USD, giảm 4,7% so với kỳ trước.

Lũy kế đến 15/5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 176,2 tỷ USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Trong đó, ở chiều xuất khẩu, mức thực hiện trong nửa đầu tháng 5 chỉ đạt 8,22 tỷ USD, giảm 11% so với kỳ trước. Lũy kế xuất khẩu tính đến 15/5 đạt 89,02 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ. 

15 ngày đầu tháng có 2 nhóm hàng xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 1,5 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm lên 13,6 tỷ USD.

Xuất khẩu điện thoại và lĩnh kiện đạt hơn 1 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch từ đầu năm lên 16,4 tỷ USD.

Một số nhóm hàng xuất khẩu đáng chú ý khác như dệt may đạt 828 triệu USD, lũy kế từ đầu năm lên 9,468 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 753,5 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đạt hơn 7,5 tỷ USD; giày dép đạt 586,6 triệu USD , lũy kế từ đầu năm đạt 5,94 tỷ USD…

Nửa đầu tháng 5, cả nước nhập khẩu 9,18 tỷ USD hàng hóa, nguyên liệu, máy móc, tăng 1,9% so với kỳ trước, đưa nhập khẩu 4,5 tháng đạt 87,18 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ 2019.

Như vậy, lũy kế đến 15/5, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 176 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hơn 89 tỷ USD, do đó, Việt Nam vẫn có thặng dư thương mại 1,84 tỷ USD.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 được sẽ tác động rõ nét hơn tới hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý II/2020, bởi từ giữa tháng 3/2020 đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản.

Mặc dù vậy, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại cộng với những lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.

Thế Hải
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]