Thời gian qua bài toán năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể, đây chính là tiền đề quan trọng giúp cho hàng hóa của Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của chính sách thúc đẩy hoạt động này chính là Quyết định 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình).
Đó là ý kiến của ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) khi đánh giá về một số kết quả nổi bật của Chương trình sau 10 năm triển khai.
Thưa Tổng cục trưởng, với quan điểm: Nhà nước tạo nền tảng, hỗ trợ còn doanh nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tổng cục TCĐLCL đã đồng hành như thế nào với doanh nghiệp trong các hoạt động triển khai Chương trình?
Với mục tiêu xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật (QCVN), các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng (NSCL); phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa; Tạo bước chuyển biến rõ rệt về NSCL của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký QĐ 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020.
Kết quả sau 10 năm triển khai trong thực tế, Chương trình là một trong các nhân tố đóng góp cụ thể trong việc thúc đẩy nâng cao năng suất lao động nói chung và hỗ trợ DN trong tiến trình chuẩn bị năng lực phục vụ hội nhập.
Chương trình đã tạo dựng được phong trào về NSCL thông qua 07 dự án NSCL ngành và 57 dự án NSCL địa phương; Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với 12.000 TCVN đạt tỉ lệ gần 60% hài hoà tiêu chuẩn quốc tế cùng với 800 QCVN bao trùm hầu hết các lĩnh vực là cơ sở để triển khai các hoạt động quản lý chất lượng phục vụ sản xuất kinh doanh và thương mại; Đội ngũ chuyên gia về NSCL trong cả nước đã bước đầu được hình thành và phát triển ở các Bộ, ngành, địa phương và DN; nâng cao nhận thức, kiến thức về NSCL cho các cấp, các ngành, đặc biệt là các DN.
Việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã giúp cho hàng chục nghìn DN nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Đây là kết quả rất quan trọng vì quan điểm chủ đạo của Chương trình là “Nhà nước tạo nền tảng, hỗ trợ cho việc nâng cao năng suất và chất lượng. DN đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.
Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn, đào tạo đã cung cấp các thông tin hữu ích, giúp các DN nâng cao nhận thức, cách thức tiếp cận với các phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến, nâng cao kỹ năng để triển khai các hoạt động quản lý chất lượng theo hướng hội nhập.
Từng bước xây dựng được đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất chất lượng, nguồn nhân lực bảo đảm cho hoạt động nâng cao NSCL tại các DN, ngành kinh tế và nền kinh tế. Việc triển khai đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn hóa, năng suất chất lượng cho sinh viên các trường Đại học, cao đẳng nghề tại Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.
Tổng cục TCĐLCL, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang chủ trì hỗ trợ hàng chục nghìn DN xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ NSCL tiên tiến, nâng cao như: Lean, TPM, KPIs, MFCA, LSS…; đồng thời thực hiện hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về áp dụng hệ thống tích hợp, kết hợp với công cụ cải tiến cơ bản cho một số địa phương được chia sẻ, nhân rộng. Các hoạt động quản lý chất lượng, cải tiến chất lượng, tiêu chuẩn hoá và ứng dụng các tiêu chuẩn ngày càng được áp dụng hiệu quả và nhân rộng. Các hệ thống quản lý như ISO 9000, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP đã trở thành các hệ thống quen thuộc với các DN.
Số DN được cấp chứng nhận hệ thống quản lý ở nước ta đều tăng năm sau so với năm trước. Nhiều tiêu chuẩn quốc tế mới được ghi nhận đã triển khai áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam. Với việc thúc đẩy áp dụng các Hệ thống quản lý ISO 9001, ISO 14001 đã góp phần cải thiện, gia tăng các chỉ số thuộc nhóm Chỉ số đổi mới sáng tạo GII của Việt Nam.
Có thể thấy, thông qua Chương trình, hệ thống TCVN, QCVN đã có sự phát triển vượt bậc, tạo ra một điểm sáng trong kết quả triển khai Chương trình, xin Tổng cục trưởng chia sẻ thêm về kết quả của hoạt động này?
Với mục tiêu phát triển hệ thống TCVN, QCVN cho các nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường, những năm qua, Bộ KH&CN đã phối hợp cùng với các bộ, ngành xây dựng hàng nghìn TCVN, QCVN, qua đó đã tạo dựng, củng cố thêm cho hệ thống TCVN, QCVN, tạo nền tảng giúp cộng đồng doanh nghiệp khẳng định vị thế, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, vươn ra biển lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Giai đoạn 2011-2015, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành đã tổ chức xây dựng, công bố 4.485 TCVN (trong đó, Bộ KH&CN xây dựng 2.632 TCVN, các Bộ, ngành khác xây dựng 1.853 TCVN); khoảng 2.905 TCVN (65%) hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống TCVN hài hòa với TCQT/TCKV đạt trên 45%. Giai đoạn 2016-2020, ước tính đến hết năm 2020, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành xây dựng, công bố 3.859 TCVN (trong đó, Bộ KH&CN xây dựng 2.360 TCVN; các Bộ ngành khác xây dựng 1.499 TCVN); khoảng 2.073TCVN (88%) hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Tổng số TCVN được xây dựng trong cả Chương trình là 8.341 TCVN, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60% vào năm 2020.
Bộ KH&CN đã chủ động, phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng, soát xét các TCVN về nông nghiệp hữu cơ; cụ thể: soát xét TCVN 11041:2015, xây dựng mới các TCVN về trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, chứng nhận sản phẩm hữu cơ và 04 TCVN về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (tôm hữu cơ, gạo hữu cơ, chè hữu cơ, sữa hữu cơ…) công bố năm 2018-2019. Bộ KH&CN cũng đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xác định lộ trình để ưu tiên tập trung xây dựng một số TCVN trong một số lĩnh vực chủ lực, chiến lược như: Đô thị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý chất thải, an toàn thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo…
Về xây dựng quy QCVN, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức xây dựng các QCVN phục vụ yêu cầu quản lý sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Đến nay 14 Bộ đã xây dựng được 780 QCVN, 58 QCĐP đã được UBND cấp tỉnh ban hành.
Hệ thống QCVN đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường… Các QCVN quản lý SPHH nhóm 2 của các Bộ quản lý chuyên ngành đã có những thay đổi rõ nét theo hướng thông thoáng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, loại bỏ rào cản kỹ thuật không cần thiết.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới như hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là điều tất yếu đối với cộng đồng DN để tồn tại và phát triển trên thương trường. Để làm được điều đó, nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hoá là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của DN.
Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường ngày càng mở rộng, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các DN Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao NSCL sản phẩm thông qua việc thực hiện các giải pháp áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ tiên tiến, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!