Sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ xuất, nhập khẩu: Phù hợp tình hình thực tế

17734
Danh mục dịch vụ xuất, nhập khẩu Việt Nam đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực sửa đổi nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về thông tin thống kê phục vụ cho quá trình đàm phán, hội nhập.

Được xây dựng và ban hành từ năm 2011, danh mục dịch vụ xuất, nhập khẩu Việt Nam (VCITS 2011) đã phát huy tốt vai trò trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch và thống kê; đồng thời, đóng vai trò quan trọng cho việc điều hành chính sách xuất, nhập khẩu dịch vụ, trong hoạch định chính sách, quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Danh mục dịch vụ xuất, nhập khẩu Việt Nam 2011 không những được áp dụng trong quản lý, thống kê mà còn được các bộ, ngành khác sử dụng như: Ngân hàng Nhà nước trong thống kê Cán cân thanh toán quốc tế; Bộ Công Thương, các bộ quản lý chuyên ngành trong đàm phán hội nhập và thực hiện cam kết quốc tế về dịch vụ, sử dụng để đàm phán và trong công tác quản lý ngành, lĩnh vực; cơ quan thống kê các cấp, thống kê cơ sở trong thống kê tài khoản quốc gia, thống kê xuất, nhập khẩu dịch vụ.

Tuy nhiên, trước đòi hỏi từ thực tiễn, danh mục cần được sửa đổi, ban hành mới để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về thông tin thống kê phục vụ cho quá trình đàm phán, hội nhập. Công tác thống kê xuất, nhập khẩu dịch vụ cũng cần phải được nâng cao, đảm bảo tính so sánh và các chuẩn mực quốc tế.

Xuất phát từ yêu cầu đó, Danh mục dịch vụ xuất, nhập khẩu Việt Nam sẽ được sửa đổi, ban hành phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể, dự thảo đề xuất Danh mục dịch vụ xuất, nhập khẩu Việt Nam gồm 12 nhóm dịch vụ sau: Dịch vụ gia công; bảo dưỡng, bảo trì và sửa chữa chưa được chi tiết ở nơi khác; vận tải; du lịch và dịch vụ đi lại khác; xây dựng; bảo hiểm và hưu trí; tài chính; phí sử dụng quyền sở hữu trí tuệ; máy tính, thông tin và viễn thông; dịch vụ kinh doanh khác; dịch vụ cá nhân, văn hóa và giải trí; hàng hóa, dịch vụ Chính phủ chưa phân loại ở nơi khác.

Trên thực tế, 2019 là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu hàng hóa, nhưng chưa có năm nào cả nước xuất siêu dịch vụ. Việt Nam có lợi thế nhưng vẫn phải sử dụng nhiều dịch vụ của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, theo các chuyên gia, dịch vụ (trước hết trong các dịch vụ du lịch, tài chính, bảo hiểm, vận tải, kinh doanh công nghệ cao…) phải được coi là mục tiêu và động lực mới của năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Điều đó không chỉ giúp cân bằng cán cân thanh toán thương mại hàng hóa – dịch vụ chung, mà còn trực tiếp góp phần phát triển sản xuất công, nông nghiệp, cải thiện cơ cấu kinh tế

Danh mục dịch vụ xuất, nhập khẩu sửa đổi sẽ được tiến hành trên cơ sở nghiên cứu danh mục dịch vụ mở rộng trong cán cân thanh toán quốc tế, phiên bản năm 2010 (EBOPS 2010) và đảm bảo tương thích với Tài khoản quốc gia 2008 (SNA 2008), cán cân thanh toán quốc tế, phiên bản 6 (BPM6).

Bảo Ngọc

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]