Tác động của giá năng lượng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng tới doanh nghiệp Singapore

1061065

Tác giả bài viết trên báo The Straits Times cho rằng các công ty Singapore đang cảm thấy bị siết chặt từ mọi phía, khi giá dầu tăng vọt dẫn đến chi phí vận tải cao hơn.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa gia tăng và sự chậm trễ trong vận chuyển do gián đoạn chuỗi cung ứng cũng đang làm tăng áp lực đối với họ.
Giá dầu đã và đang tăng đều đặn khi kinh tế các nước phục hồi từ đại dịch COVID-19 và tiếp tục tăng mạnh do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Giá dầu thô Brent dao động quanh mức 80-90 USD/thùng trong những tháng gần đây, cao hơn 30% so với mức trước đại dịch.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực vận chuyển, với chi phí vận tải biển đối với một container 12,2m hiện vào khoảng 4.000 USD, so với mức 1.500 USD hồi năm 2019. Ông Nick Soon, Giám đốc điều hành công ty giao nhận hàng hóa Air Market Logistics, cho biết: “Giá cước vận tải biển đã tăng cao tới mức khiến dòng tiền của chúng tôi bị giảm”. Ông Soon lưu ý lãi suất tăng cũng gây thêm thách thức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Singapore.
Phí vận tải cũng đang tăng lên. Lấy ví dụ dầu diesel – loại thường được sử dụng ở các phương tiện lớn như xe tải. Giá hiện tại khoảng 2,7 SGD/lít, tăng khoảng 30% so với cách đây một năm.
Ông Alvin Ea, Giám đốc điều hành Haulio – một nền tảng kỹ thuật số giúp kết nối khoảng 800 công ty vận tải đường bộ với khách hàng, cho biết dầu diesel thường chiếm khoảng 30-35% chi phí vận tải đường bộ, nhưng hiện con số này đã tăng lên khoảng 40%. Một số công ty vận tải đường bộ đã chọn cách chuyển những khoản chi phí gia tăng này sang khách hàng.
Ông Ea cho biết công ty Haulio đã mất 3-4% tỷ suất lợi nhuận. Các doanh nghiệp khác, như công ty Peace Kitchen của Singapore vận hành nhà hàng Peace Japanese Cuisine đã chứng kiến hóa đơn tiền điện tăng vọt, từng ở mức khoảng 700-800 SGD/tháng hồi năm ngoái giờ đã tăng lên khoảng 1.300 SGD/tháng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với áp lực chi phí khác như nhân lực, tiền thuê và nguyên liệu đầu vào.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng chứng kiến sự đứt gãy chưa từng có trong hai năm rưỡi qua, do các đợt phong tỏa vì đại dịch COVID-19 và các thị trường lao động bị thắt chặt.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã làm tăng chi phí vận chuyển và dẫn đến sự chậm trễ trong hoạt động vận chuyển toàn cầu – cả hai đều là điểm gây thiệt hại cho công ty H.L.Yong – một công ty nhập khẩu trang thiết bị và nguyên liệu thực phẩm cho các nhà bán lẻ Singapore. Theo Giám đốc công ty, ông Victor Ha, sự gián đoạn chuỗi cung ứng không phải là mới nhưng đại dịch đã làm cho vấn đề trở nên dai dẳng hơn.  
Ông H.L.Yong cho biết những chậm trễ trước đại dịch do các sự kiện như đình công hay tắc nghẽn cảng thường sẽ chỉ giới hạn trong hai đến ba tuần. Tuy nhiên, giờ đây sự chậm trễ kéo dài hàng tháng, có thể là do vấn đề sản xuất vì các nhà cung cấp không thể có được một số nguyên liệu thô nhất định hay sản lượng cây trồng thấp.
Điều này khiến một số mặt hàng bị hết hàng hoặc bị trì hoãn, làm giảm doanh thu khoảng 5-10% và ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng. Mặc dù tình trạng chậm trễ diễn ra phổ biến nhưng chúng có xu hướng nghiêm trọng hơn đối với hàng hóa đến từ Mỹ, quốc gia đang trong tình trạng thiếu nhân viên vận tải để vận chuyển hàng hóa.
Mặc dù tình hình về chuỗi cung ứng đã có cải thiện đôi chút trong tháng vừa qua, nhưng một số doanh nghiệp Singapore đã không tận dụng được bất cứ cơ hội nào và họ đang tìm cách giảm nhẹ tác động của sự chậm trễ. Trước đại dịch, công ty H.L.Yong dự trữ hàng trong khoảng ba tháng, hiện thời gian này là 6 tháng. Công ty này cũng đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế với mục đích tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều quốc gia hơn.
Những sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng là một áp lực chi phí lớn đối với công ty Mlion Corp sản xuất thép để xây dựng công trình ngầm và bến cảng. Chi phí vận tải đã tăng 30-40% đối với công ty này.
Giám đốc điều hành công ty Mlion Corp Eric Leong cho biết do các đợt phong tỏa vì COVID-19 ở Trung Quốc, nên các tàu chở hàng đã không cập cảng như dự kiến. Việc đóng cửa cảng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty vì các tàu trước đây mất 3-4 ngày để cập bến thì nay cần 20-25 ngày, từ đó dẫn đến chi phí vận tải tăng và đây là một trong những tác động chính đến công ty./.
Bnews
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]