Thực thi EVFTA không thể thiếu kiến thức về phòng vệ thương mại

20039
EVFTA tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn cho các DN, nên nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại càng trở nên cần thiết.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đang được Quốc hội xem xét phê chuẩn, đánh dấu một bước tiến lớn của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. EVFTA với kỳ vọng không chỉ giảm thuế mà cả phát triển đầu tư, dịch vụ và khoa học công nghệ… Mức độ cắt giảm thuế quan đã bao trùm đến 80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và là một động lực kinh tế quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.

Phòng vệ thương mại sẽ là công cụ hữu hiệu

Dù có nhiều lợi thế trong EVFTA, song trong xu thế bảo hộ và xung đột thương mại đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn, tác động nhiều mặt tới nền kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam, phòng vệ thương mại (PVTM) sẽ là công cụ quan trọng để “bảo vệ” các ngành sản xuất cũng như các DN trong nước, đặc biệt khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết quốc tế.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 3/2020, đã có gần 160 vụ việc PVTM do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU…. và EVFTA sắp chuẩn bị thực thi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về các xung đột thương mại.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, các biện pháp PVTM (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) được WTO và các Hiệp định FTA cho phép sử dụng, để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế (hàng nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp). Đồng thời ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước.

Đặc biệt, với các FTA có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA, áp lực cạnh tranh đối với các DN trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, do vậy nhu cầu sử dụng các công cụ PVTM càng trở nên cần thiết.

Cho đến nay, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 9 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc lẩn tránh biện pháp tự vệ. Số lượng vụ việc trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Sự gia tăng các vụ việc không chỉ thể hiện mức độ cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước mà còn cho thấy năng lực của DN trong việc chủ động lựa chọn sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng.

“Khi EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa hai nước sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về mức 0%. Từ đó, có thể dự đoán rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng nhanh, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc PVTM giữa hai bên”, ông Dũng lưu ý.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại rất lớn, nên không loại trừ nguy cơ một số DN tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp PVTM mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. “Trong bối cảnh đó, các hoạt động PVTM cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này”, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại nhấn mạnh.

Trang bị kiến thức PVTM thường xuyên, liên tục

Để giúp các DN Việt Nam có thể tự tin, trụ vững trước những nguy cơ, thách thức về xung đột thương mại khi EVFTA được thực thi, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Các DN cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU. 

Và để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tháo gỡ khó khăn đối với các rào cản xuất khẩu và nâng cao năng lực cho cộng đồng DN và các Hiệp hội trong lĩnh vực PVTM, ngày 19/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT, triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.

thuc thi evfta khong chu quan voi nhung xung dot thuong mai hinh 2
Đào tạo kiến thức về PVTM cho các DN trong nước là công việc phải được làm thường xuyên, liên tục. Ảnh minh họa: Moit

Quyết định này sẽ tập trung đào tạo về kiến thức từ tổng quát đến chuyên sâu trong lĩnh vực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các hiệp hội và cộng đồng DN; Cung cấp thông tin về các biện pháp PVTM hiện nay cho các Hiệp hội, ngành sản xuất trong nước; Hoàn thiện thể chế về PVTM theo hướng hiệu quả, tinh giản và phù hợp với các diễn biến mới, đồng thời tăng cường công tác thực thi các quy định về PVTM.

“Các hoạt động triển khai sẽ được Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ngay trong năm 2020 và sẽ tiếp tục thực hiện trong các năm tới, nhằm đảm bảo các ngành sản xuất, các DN Việt Nam, đặc biệt là các DNVVN nắm vững các công cụ về PVTM, từ đó có thể bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và nâng cao hiệu quả của tiến trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế”, Bộ Công Thương chỉ rõ./.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]