HƠN 6,6 tỷ USD HÀNG HÓA XUẤT KHẨU ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐÃI THEO EVFTA

29769

Theo thống kê mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực (ngày 1/8/2020-PV) đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử,…

Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các FTA như EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, mặc dù cơ hội của Việt Nam trong thực thi EVFTA là rất lớn nhưng để tận dụng hiệu quả các cam kết trong EVFTA, doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức.

Đó là các cam kết về quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, các hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại, các vấn đề về pháp lý, thể chế, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như: Quy mô và nguồn lực nhỏ, nhiều hàng hóa chưa đạt chất lượng, mẫu mã kém đa dạng, giá cả còn cao, thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất phân phối trong nước…

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đầy đủ, rõ ràng và tường tận về Hiệp định EVFTA, bao gồm toàn bộ những cam kết về thuế quan, mở cửa thị trường đối với hàng hóa, quy tắc xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phi thuế quan…

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá: Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được các lợi ích của Hiệp định EVFTA trước hết chính là từ việc hiểu rõ hiệp định có thể mang lại những thuận lợi gì trong lĩnh vực của mình, trong những mặt hàng của mình.

Qua đó, doanh nghiệp có thể thay đổi được quy trình sản xuất, thay đổi được nguồn cung nguyên liệu, đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và có thể được hưởng mức thuế thấp mà hiệp định mang lại./.

Nguồn: Tapchicongthuong

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]