- Tổng quan về tác động và ứng phó của Singapore với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay
Singapore là một trong những quốc gia có cường độ phát thải carbon hàng đầu trên toàn cầu và chịu tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) trong khu vực châu Á, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng. Theo Thủ tướng Singapore – Lý Hiển Long, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình tại Singapore dự kiến tăng thêm 4,6oC. Nhiều dự báo cho thấy mực nước biển sẽ tăng 1m, trong khi đó, 30% quốc đảo này nằm ở vị trí chỉ cao hơn mực nước biển trung bình chưa tới 5m. Ngoài ra, quốc gia này có vị trí gần xích đạo nên những tác động từ tình trạng nước biển dâng sẽ nghiêm trọng hơn so với toàn cầu. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt còn có thể đe dọa nguồn cung cấp nước, thực phẩm và năng lượng của Singapore. Mặc dù tỷ trọng của Singapore trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu chỉ chiếm 0,4% nhưng với tư cách là một trung tâm sản xuất tiên tiến, Singapore đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của khu vực và thế giới, chiếm 2,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thế giới
Singapore đã có những hành động sớm mạnh mẽ, đầy tham vọng để ứng phó trước tác động của BĐKH như Kế hoạch Xanh Singapore 2030; chính sách chuyển từ dầu nhiên liệu sang khí đốt tự nhiên; không có trợ giá điện để đảm bảo các hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng năng lượng một cách thận trọng. Singapore cũng là quốc gia đầu tiên áp dụng hệ thống hạn ngạch phương tiện để hạn chế mức tăng trưởng phương tiện và là quốc gia duy nhất đặt ra tốc độ tăng trưởng bằng 0 đối với ô tô và xe máy…
Singapore gặp bất lợi về năng lượng thay thế. Với diện tích đất nhỏ và mật độ dân số cao, các công nghệ phân hạch hạt nhân hiện tại không phù hợp để triển khai ở Singapore; phạm vi triển khai điện mặt trời cũng bị hạn chế. Chính phủ Singapore tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải thông qua các khoản tài trợ và các công cụ chính sách khác để vượt qua các rào cản về khoản đầu tư vốn ban đầu cao và các rào cản phi thị trường khác.
Để đạt được sự thành công của các biện pháp khử cacbon theo như lộ trình đã cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP), Singapore phụ thuộc vào sự hợp tác quốc tế hiệu quả như về công nghệ năng lượng sạch, lưới điện khu vực, thương mại năng lượng sạch…
2. Chính sách về xuất nhập khẩu của Singapore liên quan đến cam kết ứng phó với BĐKH
Là một trong những nền kinh tế toàn cầu hóa nhất và là một quốc gia thương mại không có tài nguyên thiên nhiên, Singapore phụ thuộc rất nhiều vào hàng hóa nhập khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là về thực phẩm và năng lượng. Hiện tại, chính phủ Singapore chưa có chính sách liên quan đến các yêu cầu, quy định về BĐKH đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vào nước này. Singapore đang khẩn trương đa dạng hóa nguồn cung từ bên ngoài, ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng của nước này.
Về lương thực, số liệu thống kê cho thấy kim ngạch nhập khẩu gạo từ Thái Lan – một trong những nhà cung cấp gạo chính cho Singapore sụt giảm mạnh, từ 11,2 triệu tấn năm 2018, xuống còn 7,7 triệu tấn năm 2019 và chỉ còn 5,7 triệu tấn năm 2020. Singapore có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung gạo vào nước này nhằm đảm bảo nhu cầu trong nước và bình ổn giá gạo. Việt Nam, Úc, Ấn Độ, Pakistan, Nhật, Campuchia… là những nhà cung cấp tiềm năng về gạo cho Singapore. Ngoài ra, các loại lương thực thực phẩm khác là thế mạnh của Việt Nam có thể xuất khẩu sang Singapore như mặt hàng thực phẩm chế biến, rau củ quả, cà phê, gia vị…
Về năng lượng, Singapore đang triển khai những dự án đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo ra nước ngoài. Nhu cầu về năng lượng của quốc gia này trở nên ngày càng cấp thiết nhằm đáp ứng lượng tiêu thụ năng lượng khổng lồ của nền kinh tế phát triển này.
Về vật liệu xây dựng, nhu cầu về mặt hàng vật liệu xây dựng trong thời gian tới cũng tăng trưởng mạnh mẽ tại Singapore nhằm phục vụ các dự án nhà ở, đảm bảo nhu cầu ngày càng tang cao cho người dân nước này và các dự án xây dựng lớn khác như dự án xây dựng nhà ga tàu điện ngầm tuyến Bắc-Nam; xây dựng các trung tâm thương mại; khu vui chơi giải trí v.v…
Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong ASEAN và đối tác thương mại thứ 15 của Việt Nam trên thế giới. Singapore có những lợi thế về logistic và cơ cấu hàng hóa đa dạng, môi trường pháp lý khá thông thoáng, cởi mở để tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động thương mại, và là đích đến đầy tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam. Trong bối cảnh Singapore đang thực hiện những hành động mạnh mẽ nhằm ứng phó trước những tác động của BĐKH, đa dạng hóa nguồn cung từ bên ngoài, Việt Nam có thể thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung các mặt hàng lương thực, vật liệu xây dựng, năng lượng… sang nước này./.