- Tổng quan cán cân xuất nhập khẩu của Singapore trong tháng 6/2020 và 6 tháng đầu năm 2020:
Trong tháng 6 năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với thế giới đạt 75 tỷ đô la Singapore, giảm 6.62% so với tháng 6/2019, trong đó xuất khẩu giảm 3.59%, đạt 39.9 tỷ SGD và nhập khẩu giảm 9.85%, đạt 35.1 tỷ SGD. Hàng hoá có xuất xứ từ Singapore xuất khẩu đạt 17.2 tỷ SGD, giảm 13.22% và hàng hoá có xuất xứ từ nước thứ 3 tái xuất qua Singapore đạt 22.6 tỷ SGD, giảm 5.3%. Nếu tính cả 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của Singapore với thế giới đạt 464 tỷ SGD, giảm 7.46%, trong đó xuất khẩu đạt 240 tỷ SGD, giảm 7.72%, nhập khẩu đạt 223 tỷ SGD, giảm 7.19 %. Hàng hoá xuất xứ từ Singapore xuất khẩu đạt 109 tỷ SGD, giảm 13.93% và hàng hoá có xuất xứ từ nước thứ 3 qua Singapore xuất khẩu đạt 131 tỷ SGD, giảm1.85%.
Xét theo nhóm 15 đối tác thương mại hàng đầu của Singapore: trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thuơng mại hai chiều của 8/15 đối tác thương mại hàng đầu của Singapore giảm tương đối mạnh, Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất) giảm 6.36% và Malaysia (đối tác thương mại lớn thứ 3) giảm 10.29%. Các đối tác có mức giảm sâu như Ấn Độ (giảm 24.6%), Philippines (giảm 12.02%), Indonesia (giảm 11.23%), Đức (giảm 8.81%)… 7/15 đối tác còn lại có kim ngạch thương mại hai chiều tăng, mức tăng mạnh nhất là Thái Lan (tăng 14.95%), Đài Loan (11.86%), Hàn Quốc(11.25 %), Anh (11.03%), và Hà Lan (10.08%)…. Mặc dù giá trị kim ngạch 2 chiều giảm 1.57% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xét về tổng giá trị kim ngạch hai chiều trong tương quan với các nước khác, Việt Nam vẫn vươn lên đứng thứ 10/15 đối tác thương mại hàng đầu của Singapore.
Về từng nhóm ngành hàng cụ thể:
Xuất khẩu: Trong tháng 6/2020, 16/20 nhóm ngành hàng xuất khẩu chính của Singapore ra thế giới đều bị suy giảm tương đối mạnh so với cùng kỳ 2019. Hầu hết các nhóm ngành hàng chiếm tỷ lớn trong cán cân xuất khẩu đều suy giảm mạnh như xăng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ, giảm 35%; nhựa và các sản phẩm từ nhựa 19.01%; hóa chất hữu cơ giảm 0.47%. Nhóm ngành hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng trung bình cũng giảm mạnh như: các sản phẩm hoá chất giảm 9.29%, sắt và thép giảm 4.57%; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 10.25% phương tiện bay và thiết bị liên quan, giảm 16.96%; xe cộ và các thiết bị vận tải giảm 14.52%;… Chỉ có 5/20 nhóm ngành hàng xuất khẩu giữ được đà tăng trưởng, trong đó máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng, tăng 7.22%; dược phẩm 24.57%; thức ăn và các sản phẩm chế biến, tăng 8.5%; ngọc trai và đá quý tăng 16.25%; cao su và các sản phẩm từ cao su 2.17%. Tuy nhiên, sự gia tăng xuất khẩu của nhóm hàng này từ Singapore thực chất là do sự gia tăng của các mặt hàng tạm nhập vào Singapore để tái xuất. Chiều hướng suy giảm mạnh trong xuất khẩu của tháng 6/2020 cho thấy các hiệu ứng tiêu cực từ Covid-19 đã bộc lộ ngày càng rõ nét tại Singapore so với các tháng đầu năm 2020.
Nhập khẩu: Trong tháng 6/2020, cùng với đà giảm mạnh trong xuất khẩu, nhập khẩu của Singapore cũng bị sụt giảm khá lớn. 10/20 nhóm ngành hàng nhập khẩu chính của Singapore giảm mạnh so với cùng kỳ 2019, trong đó có nhiều nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân nhập khẩu như xăng dầu và sản phẩm xăng dầu, giảm 32.37%; nhựa và các sản phẩm từ nhựa giảm 13.87% và lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng, giảm 7.13%. Một số ngành hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng trung bình song có mức giảm lớn như phương tiện bay và thiết bị liên quan, giảm 46.56%; xe cộ và thiết bị vận tải, giảm 34.14%; bưu phẩm, giảm 32.32%; da và các sản phẩm từ da giảm 28.28%; đồ uống và rượu giảm 14.96%… Một số nhóm ngành hàng nhập khẩu có mức tăng đột biến như dược phẩm tăng 23.36%; các sản phẩm dệt may đã hoàn thiện684.34%; mỡ dầu động vật, tăng 75.87%; ngọc trai, đá quý và các sản phẩm hoàn kim, tăng 25.02%…
- Phân tích cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam – Singapore:
- Phân tích cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam – Singapore:
Trước tình hình kinh tế Singapore vừa suy thoái cả về kinh tế lẫn thương mại, kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và Singapore cũng có diễn biến tương đối bất định. Theo số liệu theo dõi tại địa bàn thu mua được đến nay từ nguồn của Cục doanh nghiệp-Bộ Công Thương Singapore (hết tháng 6/2020), kim ngạch 2 chiều giữa 2 nước có sự sụt giảm nhẹ -1.57% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay tổng giá trị kim ngạch hai chiều đạt hơn 11 tỷ SGD. Điều khả quan nhất là sau sự sụt giảm nhẹ trong tháng 1/2020 do tác động của Tết nguyên đán (Giảm -10% so với cùng kỳ năm 2019), xuất khẩu của Việt Nam có sự gia tăng đột biến sang địa bàn, đều đặn với mức hai chữ số, lần lượt là 26%, 23%, 33%, 30.22% và 22.2% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu hàng của Việt Nam sang địa bàn tính đến nay đã đạt gần 2.998 tỷ SGD, so với cùng kỳ năm trước chỉ là 2.454 tỷ SGD. Nói cách khác, tính đến hết tháng 6/2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 60.2% tổng giá trị xuất khẩu đạt được của cả năm 2019. Trong khi xuất khẩu sang địa bàn tăng mạnh, nhập khẩu từ Singapore có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Tính đến nay, tổng giá trị nhập khẩu từ Singapore chỉ đạt 8.02 tỷ SGD, trong khi đó cùng kỳ năm ngoai đạt 8.74 tỷ SGD (tức là giảm khoảng -8.24%). Tính cả 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Singapore, đạt 11.02 tỷ SGD, đứng thứ 10/15 đối tác thương mại hàng đầu của Singapore, (năm 2019 Việt Nam là đối tác thương mại thứ 12/15 của Singapore).
Các nhóm ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Singapore:
Tính từ đầu năm đến nay, hầu hết các nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore vẫn giữ được mức tăng trưởng kim ngạch: máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng, tăng 79.45%; lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và thiết bị, tăng 1.39%; , các sản phẩm thuỷ tinh tăng 34.73%; quần áo dệt kim tăng 11.14%, sản phẩm sắt thep tăng 48.57%, gạo và ngũ cốc tăng 17%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 9.98% ; dầu ăn tăng 14.61% so với cùng kỳ 6 tháng 2019. Cá biệt có mặt hàng dệt may đã hoàn thiện tăng cao đột biến tới 262.47%, do nhu cầu của phía Singapore đối với các sản phẩm khẩu trang từ vải của Việt Nam. Mặt hàng dầu thô liên tục ghi nhận xu hướng giảm từ năm 2019 đến nay, so với cùng kỳ năm trước, giảm tới 58.34%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng ghi nhận mứcsuy giảm như giày dép các loại, giảm 24.04%; thuốc lá và nguyên liệu thay thế, giảm 22.47%; thủy sản giảm 12.44% các sản phẩm từ da và túi du lịch các loại, giảm 20.31%; quần áo may mặc không hàng dệt kim, giảm 16.15%, nhựa và các sản phẩm từ nhựa giảm 10.84%…
Các nhóm ngành hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Singapore:
Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam giảm mạnh, trái ngược với chiều hướng tăng mạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore. Hầu hết các nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân hàng hoá nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam đều giảm mạnh như xăng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ, giảm 48.6%; nhựa và sản phẩm từ nhựa, giảm 27.27%; thuốc lá và nguyên liệu giảm 35.99%; đồ uống và rượu giảm 43.92. %; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 27.5%; dược phẩm giảm 22.06%, cao su và các sản phẩm liên quan giảm 25.13%.