Sáng 28/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương, VCCI và VECOM đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá -Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA.
Theo Sách trắng Việt Nam và Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây.
Giữa đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề tới kinh tế – xã hội toàn thế giới cũng như nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam nổi lên là một trong những nước hàng đầu phòng chống dịch hiệu quả và nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 240 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước tính thặng dư hơn 5.46 tỷ USD. Trong khó khăn chồng chất, những con số này đã phản ảnh nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Đáng chú ý, ngay trong đại dịch, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua.
Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá 2020 là hoạt động thiết thực triển khai ngay Kế hoạch và Chương trình trên, đồng thời nhanh chóng tiếp cận một trong các Hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất, mang lại lợi ích cao cho Việt Nam, đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Tham dự Diễn đàn có đại diện gần 500 doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh xuất nhập khẩu, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và nhiều hội, hiệp hội liên quan tới công nghệ thông tin (CNTT) và xuất nhập khẩu (XNK), các tổ chức trong nước và quốc tế, đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đồng thời có hàng chục nghìn khách tham dự trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Theo Báo cáo Kinh tế số 2019 của UNCTAD, kinh tế số chiếm khoảng 4,5% -15,5% GDP toàn cầu. Nhiều công nghệ tiên phong đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh, bao gồm blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in ba chiều, Internet vạn vật, robot và tự động hoá, điện toán đám mây. Ba thành phần trụ cột tạo nên nền kinh tế số là các nền tảng số (digital platform), dữ liệu số (digital data) và thương mại điện tử.
Phiên đầu tiên của Diễn đàn có chủ đề “Chuyển đổi số với thương mại điện tử qua biên giới” thảo luận về sự liên quan chặt chẽ giữa chuyển đổi số tới XNK hàng hoá, lợi ích từ việc tham gia các nền tảng xuất khẩu trực tuyến, hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, vai trò của website của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, có doanh nghiệp thành công và coi các nền tảng hỗ trợ xuất khẩu là kênh quan trọng, trong khi nhiều doanh nghiệp khác chưa thấy hiệu quả. Các diễn giả sẽ trao đổi đâu là những yếu tố quyết định thành công hay thất bại khi xuất khẩu trực tuyến.
Với sự tiến bộ vượt bậc của CNTT, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng nước ngoài. Hơn nữa, nhờ công nghệ dữ liệu lớn, họ có thể dễ dàng phân tích chính xác hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường, chăm sóc khách hàng, tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp… Cơ hội là ngang nhau nhưng thành công là khác biệt giữa các quốc gia và các doanh nghiệp trong từng quốc gia. Câu chuyện thành công khi xuất khẩu trực tuyến (B2B) trên nền tảng Alibaba hay bán lẻ trực tuyến qua biên giới (B2C) trên nền tảng Amazon là bài học chung cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nội dung toạ đàm của Phiên 1 tập trung vào ba chủ đề: Vai trò của chuyển đổi số đối với hoạt động xuất khẩu trực tuyến. Vai trò định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước, sự hỗ trợ của các đơn vị thực thi, những khó khăn khi chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; Tính cấp bách của chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu để nắm bắt ngay cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Ứng dụng CNTT để cung cấp trực tuyến C/O nói chung và C/O mẫu EUR.1 theo Thông tư số 11/2020/TT/BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hoá trong EVFTA.
Phiên hai với chủ đề “Giải pháp chuyển đổi số” đi sâu vào chủ đề làm sao để chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số không chỉ dừng ở các doanh nghiệp XNK mà phải diễn ra đồng thời ở nhiều cơ quan, tổ chức cung cấp các dịch vụ liên quan.
Phiên này nhấn mạnh trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số cần phải chú ý gì tới ba yếu tố cơ bản là nền tảng số, dữ liệu số và website tương thích với thiết bị di động. Đại diện của hai nền tảng số hàng đầu thế giới là Facebook và Google đã cung cấp thông tin về tiềm năng khai thác các nền tảng này cho kinh doanh XNK.
Hoạt động XNK còn liên quan tới nhiều vấn đề khác gắn chặt với ứng dụng CNTT và truyền thông, với thu thập và xử lý dữ liệu sản phẩm. Chẳng hạn như vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hoá xuất khẩu. Nông sản và thuỷ sản chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn nữa, hai nhóm sản phẩm này liên quan tới sinh kế của hàng chục triệu nông dân và ngư dân. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng công nghệ blockchain (hay dữ liệu số ở dạng chuỗi khối) trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Ở phạm vi rộng hơn, Diễn đàn thảo luận chuyển đổi số trên phạm vi rộng lớn bao gồm ứng dụng CNTT và truyền thông trong truy xuất nguồn gốc nông sản và thuỷ sản.
Các diễn giả của Phiên hai thảo luận sâu vào các chủ đề: Giải pháp giúp các doanh nghiệp liên quan tới xuất nhập khẩu chuyển đổi số như thế nào? Các nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới quan tâm ra sao tới lĩnh vực này? Những đơn vị trong nước đã triển khai những giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng hơn trong thương mại điện tử qua biên giới? Một số chính sách và pháp luật nổi bật cũng như tính khả thi liên quan tới chuyển đổi số trong lĩnh vực XNK, bao gồm dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.
Tại Diễn đàn, Bộ Công Thương cũng đã khai trương Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN tại địa chỉ: www.ECVN.com. Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN phiên bản 2020 với nhiều tính năng tiện lợi, nổi bật là tính năng Cộng đồng doanh nghiệp Xuất nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm cơ hội giao thương trên môi trường trực tuyến.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN sẽ tận dụng cơ hội của EVFTA nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương doanh nghiệp khối EU và Việt Nam.
Đặc biệt, chú trọng quảng bá, nâng cao thương hiệu, phát triển các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng như lợi thế của Việt Nam sang EU, bao gồm: dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, gạo, đường, gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm rau quả tươi và chế biến; điện thoại, máy móc, máy vi tính…
Minh Anh