NHỮNG CƠ HỘI MỚI VỀ THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ VÀ DU LỊCH TỪ TRIỂN VỌNG NỐI LẠI ĐƯỜNG BAY VIỆT NAM – SINGAPORE

126922

Tính đến hết tháng 9/2021, Singapore tiếp tục dẫn đầu là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Về mặt thương mại, kim ngạch hai chiều của hai nước đạt gần 23 tỷ SGD trong năm 2020. Bất chấp bối cảnh Covid, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn trong 9 tháng đầu năm 2021 vẫn giữ tốc độ tăng trưởng đặc biệt cao, tới 31.5% so với cùng kỳ năm 2020. Thăm dò mới đây của Liên đoàn doanh nghiệp Singapore cho thấy, 76% số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore quan tâm đến việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam. Singapore còn là địa bàn đặt trụ sở của gần 40.000 công ty nước ngoài, trong đó có trên 7.000 công ty đa quốc gia. Nhiều hoạt động đầu tư, thương mại của các nước vào Việt Nam được thực hiện qua văn phòng chi nhánh đặt tại Singapore. Vì vậy, từ góc độ hợp tác kinh tế, thương mại, việc sớm mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam và Singapore có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tiếp tục thu hút luồng đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.

Kể từ khi đường bay thương mại giữa hai nước bị gián đoạn hồi tháng 3/2020, tại các cuộc Hội thảo, hội nghị trực tuyến của Thương vụ, hàng trăm lượt doanh nghiệp Singapore và quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm lớn đối với việc mở lại đường bay thương mại vào Việt Nam và mong muốn Việt Nam sớm có chính sách cách ly rõ ràng, thuận lợi dành cho những người đã tiêm vaccine. Tại các buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp sở tại, Cơ quan Thương vụ cũng liên tục nhận được các yêu cầu thông tin, đề nghị hỗ trợ và ý kiến khuyến nghị về việc sớm khôi phục lại đường bay giữa hai nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước làm ăn, kinh doanh, hợp tác đầu tư. Thậm chí, đã có kiến nghị gửi tới Thương vụ đề nghị mở các chuyến bay charter dành riêng cho doanh nghiệp, doanh nhân Singapore, chấp nhận trả phí cách ly và đi lại theo lộ trình, nhưng giảm thời gian cách ly xuống 48 tiếng.

Từ kinh nghiệm Singapore áp dụng mở cửa hàng không cho 10 quốc gia miễn cách ly với những người có hộ chiếu vaccine (sẽ là 11 quốc gia, nếu tính cả Hàn Quốc từ tháng 11) cho thấy, chỉ có 4/5000 khách nhập cảnh nhiễm Covid và đều được phát hiện khi nhập cảnh, cách ly ngay lập tức. Vì vậy, tỷ lệ rủi ro khi mở cửa hàng không cho những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao như Singapore là rất thấp.

Bên cạnh đó, cần phải lưu ý tiềm năng thu hút khách du lịch từ Singapore trong những tháng cuối năm. Tháng 11-12 là  mùa cao điểm du lịch của Singapore do trùng với kỳ nghỉ lớn nhất của các trường công lập và cũng trùng với kỳ nghỉ Giáng sinh, năm mới. Liên tục trong các tháng 10/2020, 1/2021, 4/2021,  Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã hỗ trợ 3 tỉnh miền Trung (Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam) để tổ chức các Hội nghị trực tuyến xúc tiến du lịch và thông tin về khả năng mở cửa đường bay cho khách du lịch charter từ Singapore. Hãng hàng không Jetstar của Singapore đặc biệt quan tâm đến cơ hội này và đã rất tích cực vận động Đà Nẵng ủng hộ mở cửa đường bay cho khách du lịch đã tiêm vaccine từ Singapore.

Việc mở lại các đường bay thương mại vì vậy không chỉ cần thiết đối với sự hồi phục của ngành hàng không Việt Nam mà còn cho vị thế của Việt Nam và toàn bộ nền kinh tế. Từ góc độ của cơ quan làm công tác xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư công nghiệp ở nước ngoài, triển vọng chu chuyển hàng không thuận lợi giữa hai nước kể từ cuối năm 2021 chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để thu hút nhiều hơn đầu tư và ngoại tệ, đóng góp vào sự hồi phục của nền kinh tế.

TS. Trần Thu Quỳnh

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]