Tp. Hồ Chí Minh đang thu hút đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, xử lý môi trường, chống ngập, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

75234

Đây cũng là cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Singapore kết nối và hợp tác đầu tư lâu dài.

Nội dung này được thông tin tại Chương trình kết nối đầu tư và thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Singapore do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 23/8.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, Singapore là quốc gia có diện tích nhỏ bé nhưng nền kinh tế của Singapore lại có tốc độ tăng trưởng và phát triển bậc nhất châu Á, được mệnh danh là 1 trong 4 “con rồng châu Á”.

Việt Nam và Singapore có quan hệ song phương phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, nhất là từ sau khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013. Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 và là nước đầu tư lớn thứ 2 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD.
Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, Singapore là quốc gia có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư, kinh doanh tại Thành phố, với hơn 1.557 dự án được triển khai, tổng mức đầu tư gần 13,6 tỷ USD.
Để có được thành quả trên do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là sự tin tưởng và tương trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và Singapore cũng như những cam kết mạnh mẽ của hai bên trong việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore và hợp tác chặt chẽ hướng tới cùng phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Ngoài ra Việt Nam với lợi thế chính trị ổn định, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và minh bạch, dân số đông, kinh tế tăng trưởng tốt, lao động có tay nghề, cần cù… Tất cả các yếu tố trên giúp cho Việt Nam giữ vững lợi thế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Singapore.
Thông tin về môi trường đầu tư của Tp.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quốc Vinh – Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư -ITPC cho biết, Tp. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, có vị trí chiến lược thuận lợi, với diện tích hơn 2.000 km 2, dân số hơn 10 triệu người, sở hữu nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư quốc tế nhất so với cả nước.
Với vị thế trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tp. Hồ Chí Minh có đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không hiện đại. Đồng thời, cùng với các địa phương lân cận đã và đang khẩn trương triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông, là đòn bẩy để Thành phố kết nối tốt hơn trục hành lang trong khu vực và quốc tế.
Tp. Hồ Chí Minh luôn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực từ hạ tầng phát triển công nghiệp đến hạ tầng phát triển thương mại. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82%. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng quý II/2022 tăng hơn 3 lần so với quý I/2022, cho thấy kinh tế thành phố phục hồi sớm hơn kỳ vọng. Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của Tp. Hồ Chí Minh trong 7 tháng qua đạt hơn 64 tỷ USD, đứng đầu cả nước.

Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, Tp. Hồ Chí Minh đang tiếp tục mời gọi đầu tư 197 dự án thuộc 10 lĩnh vực cụ thể như hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, xử lý môi trường, chống ngập, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch.
Ngoài ra, Thành phố ưu tiên thu hút các nhà đầu tư từ các Tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; các nhà đầu tư về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng; ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ thông tin; ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Một trong những thuận lợi lớn nhất của Tp. Hồ Chí Minh là nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao với hơn 4,6 triệu lao động trẻ và đầy nhiệt huyết. Đây là nguồn nhân lực đủ lớn để hỗ trợ thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ của Việt Nam cũng như đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Amy Wee, Giám đốc Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam nhận định, cơ hội đầu tư vào Việt Nam vẫn còn nhiều nhờ các chính sách thu hút đầu tư và cải cách thể chế, mở cửa cho thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có những thách thức trong quá trình kinh doanh như năng suất lao động, chi phí nhân công ngày càng tăng; các khoảng trống về cơ sở hạ tầng, chi phí thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp và hình thức thanh toán phổ biến trong xã hội vẫn là tiền mặt. Ngoài ra, khung pháp lý đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện của Việt Nam cũng là vấn đề mà các nhà đầu tư cần lưu ý và tham khảo.
Các doanh nghiệp Singapore chia sẻ, Việt Nam nói chung, đặc biệt Tp. Hồ Chí Minh là điểm đến đầu tư đang được đánh giá cao, là điểm đến của nhiều tập đoàn, dự án đầu tư lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore cũng mong muốn được kết nối đầu tư trong các lĩnh vực mà Singapore có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ thông tin, ngân hàng và tài chính, dịch vụ bán lẻ, nông nghiệp, dầu khí, xây dựng, chăm sóc sức khoẻ, vận tải và cung ứng…/.

TTX

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]