Cách thức an toàn đối phó với lạm phát tại Singapore

38388

Cho rằng tỷ lệ lạm phát tăng cao hiện nay không phải là “tiêu chuẩn” mà là ngoại lệ, một số cố vấn tài chính ủng hộ người dân nên đầu tư để chống lại tỷ lệ lạm phát dài hạn ở mức khoảng 2%.

Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng DBS dựa trên dữ liệu của người gửi tiền, với lạm phát giá tiêu dùng ở Singapore lên tới 6,7% trong tháng Sáu – mức cao nhất trong 13 năm, và với mức tăng thu nhập giảm sút đối với phần lớn người gửi tiết kiệm ở nước này, tác giả bài viết trên báo The Straits Times số ra ngày 5/8 đánh giá các chiến lược nhằm hạn chế sự suy giảm thu nhập thực của người dân đã trở nên quan trọng hơn.

Tuy nhiên, người gửi tiết kiệm phải thận trọng để không phải nhận lấy những rủi ro mà có thể khiến họ thậm chí còn mất mát lớn hơn.

Mặc dù có thể rất hấp dẫn khi cố gắng đối phó với lạm phát thông qua đầu tư, nhưng không dễ để nhận được lợi tức 7% hoặc hơn mà không phải chấp nhận những mức độ rủi ro cao.

Cho rằng tỷ lệ lạm phát tăng cao hiện nay không phải là “tiêu chuẩn” mà là ngoại lệ, một số cố vấn tài chính ủng hộ người dân nên đầu tư để chống lại tỷ lệ lạm phát dài hạn ở mức khoảng 2%, thay vì mức lạm phát như hiện nay.
Đối với các nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm, các cố vấn khuyến nghị những lựa chọn khác, trong đó có cổ phiếu năng lượng, hàng hóa và ủy thác đầu tư bất động sản vốn có xu hướng hoạt động tương đối tốt trong giai đoạn lạm phát. Một số chuyên gia cũng đề xuất đa dạng hóa các tài sản thay thế như cổ phần tư nhân, tài sản và vàng.

Tuy nhiên, tất cả những thứ này đều dễ gặp rủi ro giảm giá trong môi trường đầu tư biến đổi như hiện nay. Ngay cả vàng – công cụ đề phòng rủi ro truyền thống – cũng đã không theo kịp đà tăng của lạm phát.
Hiện đang có sẵn các lựa chọn đầu tư an toàn hơn. Nhiều ngân hàng tại Singapore đang khuyến mãi lãi suất tiền gửi cố định và một số ngân hàng đã tăng lãi suất đối với một số tài khoản tiết kiệm thông thường. Ví dụ, trong tuần này, Ngân hàng DBS đã cung cấp lãi suất lên tới 3,5%/năm đối với tài khoản Multiplier hàng đầu của mình, tăng so với mức 3% trước đó.
Tuy nhiên, bên cạnh thực tế là vẫn ở mức thấp hơn lạm phát, lãi suất tiền gửi ngân hàng cũng có những mặt hạn chế. Trong trường hợp tiền gửi cố định, có thời gian chốt cố định, người gửi sẽ bị phạt nếu rút tiền trước hạn. Và lãi suất cao hơn đối với các tài khoản tiết kiệm thông thường phải tuân theo nhiều điều kiện khác nhau, chẳng hạn như mức lương tín dụng hàng tháng, mức chi tiêu tối thiểu trên thẻ tín dụng và số lượng giao dịch. Bên cạnh đó, mức lãi suất cao nhất chỉ dành cho các khách hàng có số dư tài khoản lớn.
May mắn là có một số lựa chọn an toàn khác với các điều kiện ít tồi tệ hơn. Một là Trái phiếu tiết kiệm Singapore. Trái phiếu này đem lại lợi suất cao hơn lãi suất tiền gửi cố định của các ngân hàng, chi trả cổ tức đều đặn và người mua không bị phạt nếu hoàn lại sớm.

Ngoài ra còn có các lựa chọn tiết kiệm dài hạn theo Quỹ tiết kiệm trung ương (CPF) như tài khoản đặc biệt và hưu trí. Người gửi có thể nạp thêm tiền và nhận được lãi suất 5% đến 6% mà không bị rủi ro.
Người nộp thuế cũng có thể được lợi từ Chương trình hưu trí bổ sung, theo đó các khoản nộp thêm vào được khấu trừ thuế. Bởi vậy, mặc dù vẫn khó có thể “đánh bại” lạm phát mà không thực hiện các khoản đầu tư có rủi ro cao, vẫn có những lựa chọn an toàn dành cho người gửi tiết kiệm ở Singapore để có thể giảm thiểu sự suy giảm thu nhập thực tế của họ./.

BNEWS

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]