Câu hỏi thường gặp về CPTPP

28024

Nhắc đến các FTA, trong đó có TPP 11, thì người ta vẫn nhìn thấy cả cơ hội và thách thức. Phần nào nhiều hơn và cụ thể là như thế nào?

Cơ hội và thách thức là 2 cụm từ được dùng để nói về khả năng xảy ra của 1 hoặc nhiều sự kiện. Chúng có xảy ra trên thực tế hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan, trong đó yếu tố chủ quan đóng vai trò quan trọng. Nói một cách đơn giản, cơ hội hay thách thức, cái nào nhiều hơn sẽ phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính chúng ta.

Xét về năng lực thì mỗi thời mỗi khác, mỗi ngành mỗi khác nên trước khi một FTA được đưa vào thực thi, bao gồm cả TPP11, rất khó để nói cơ hội sẽ nhiều hơn hay thách thức sẽ nhiều hơn. Tất cả chỉ là dự đoán chủ quan. Tuy nhiên, nếu nhìn lại chặng đường hơn 20 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế thì dường như nước ta đang nắm bắt được nhiều cơ hội hơn. Đơn cử, khi lần đầu hội nhập với ASEAN vào năm 1995, xuất khẩu của ta mới hơn 5 tỷ USD. Cuối năm 2006, khi kết thúc đàm phán gia nhập WTO, xuất khẩu đã là 40 tỷ USD, tăng hơn 7 lần so với năm 1995. Đến 2018, xuất khẩu đã lên tới 245 tỷ USD, gấp 45 lần năm 1995 và hơn 6 lần năm 2006. Từ một nước nhập siêu kinh niên, ta đã chuyển sang xuất siêu từ năm 2012 và tới năm 2018 đã đạt giá trị xuất siêu trên 7 tỷ USD. Dẫu đây đó vẫn còn ý kiến chưa hài lòng, thí dụ như giá trị gia tăng chưa được như mong đợi, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI hay một số mặt hàng còn quá phụ thuộc vào một vài thị trường… nhưng phải thừa nhận rằng năng lực xuất khẩu đã có sự phát triển vượt bậc sau hơn 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế, với các FTA là một phần quan trọng của “cuộc chơi”.

TPP11 sẽ mang lại một số cơ hội bởi đây là lần đầu tiên ta có quan hệ FTA với Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, như mọi FTA khác, TPP11 không phải là mỏ vàng lộ thiên. Đường đã thông nhưng xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe và lượng xăng nhiều ít. Thị trường đã mở nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được. Thách thức cũng vậy. Với kinh nghiệm của hơn 20 năm hội nhập và cạnh tranh, xuất khẩu lại luôn tăng nhanh hơn nhập khẩu, thật sự không có lý do để bi quan với TPP11, nhất là khi Ca-na-đa, Mê-hi-cô và Pê-ru đều là những thị trường mà ta đang xuất siêu.


Tương quan giữa TPP bây giờ và TPP12 trước đây ra sao, vì rõ ràng nhìn định lượng thì với CPTPP sẽ có hiệu lực sắp tới, GDP Việt Nam tăng khoảng 1,3%, xuất khẩu tăng 4%, trong khi với TPP cũ thì 2 con số tương ứng sẽ là 6,7% và khoảng 15% đến năm 2030?

Xét về đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu và GDP thì TPP11 không thể bằng TPP12 bởi TPP11 không có Hoa Kỳ, một thị trường có quy mô nhập khẩu lên tới gần 2500 tỷ USD/năm. TPP11 chỉ chiếm 13-14% thương mại cũng như GDP toàn cầu so với 30-40% của TPP12 nên động lực để các chuỗi cung ứng dịch chuyển về TPP11 cũng nhỏ đi. Lượng FDI đổ vào TPP11 sẽ không thể lớn như trường hợp của TPP12 bởi thiếu đi 1 trung tâm tiêu thụ lớn là Hoa Kỳ. Năng lực sản xuất mới được tạo ra ít hơn thì đóng góp cho GDP cũng sẽ ít hơn.


Những ngành được lợi người ta vẫn nói nhiều đến dệt may, da giày. Ngoài ra còn ngành nào khác được hưởng lợi nữa không?

Trong 10 nước đối tác của TPP11 thì ta đã có FTA với 7 nước. TPP11 chỉ tạo ra 3 thị trường mới là Canada, Mexico và Peru. Đây không phải là những thị trường quá lớn nên khả năng đem lại đột phá cho xuất khẩu là tương đối nhỏ.

Từ trước tới nay, khi mở ra một thị trường mới, dệt may và da giày luôn là 2 ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, với sự phát triển của năng lực tự thân trong những năm qua, dự kiến sẽ có thêm nhiều ngành được hưởng lợi từ mạng lưới FTA mà ta đã tạo ra, trong đó nổi bật là các ngành như chế biến gỗ, dụng cụ cơ khí, sản phẩm điện tử và điện gia dụng.

Với việc có quan hệ FTA với nhiều thị trường quan trọng như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và sắp tới đây là EU, Việt Nam sẽ ở vào một vị trí rất đặc biệt. Các chuỗi cung ứng sẽ cân nhắc nghiêm túc việc dịch chuyển 1 phần của chuỗi sang Việt Nam và nếu điều đó xảy ra, ta sẽ chứng kiến sự ra đời của một loạt mặt hàng xuất khẩu mới. Mọi sự sẽ không đơn giản bởi còn phụ thuộc vào khả năng thu hút cũng như hấp thụ FDI của ta nhưng với mạng lưới FTA mà ta đã tạo ra, cơ hội là có.


Lộ trình thuế quan trong TPP11 được cho là một trong những điểm được trông chờ nhất. Chẳng hạn như nay sau khi CPTPP có hiệu lực thì 66% mặt hàng thuế sẽ được đưa về 0%, 86,5% về 0% sau 3 năm. Người Việt kỳ vọng được mua những mặt hàng như ô tô giá rẻ, liệu kỳ vọng này có thành hiện thực không?

Trong TPP11 Việt Nam chỉ có 3 đối tác mới là Canada, Mexico và Peru. Họ không xuất khẩu nhiều vào Việt Nam, lộ trình giảm thuế của Việt Nam trong TPP11 cũng ở mức vừa phải nên mức độ giảm giá hàng hóa nhờ TPP11 sẽ rất khó nhận biết. Nhật Bản, Úc, Niu Di-lân, Chi-lê .. đều đã có FTA với Việt Nam nên TPP11 sẽ không đem lại giá trị gia tăng lớn cho họ. Nói đơn giản, giá hàng hóa nhập khẩu từ những nước này cũng sẽ không giảm nhiều nhờ TPP11.

Với riêng ô tô, ngoài thuế nhập khẩu còn có thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí. Nếu giảm thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí thì giá ô tô cũng sẽ không giảm như mong đợi. Đây là bài toán cân đối giữa cơ sở hạ tầng và số lượng phương tiện rồi, không còn là bài toán bảo hộ nữa. Bên cạnh đó, cơ cấu chủ thể tham gia sản xuất và nhập khẩu ô tô cũng sẽ có tác động lớn tới giá ô tô. Nói thế để thấy thuế nhập khẩu đã, đang và sẽ không bao giờ là yếu tố duy nhất xác định giá ô tô.


TPP11 có hiệu lực trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra, có người nói rằng với việc tự do hóa thương mại thì không cẩn trọng Việt Nam thành bên trung gian “bị lợi dụng”, ý kiến này liệu có bi quan quá và chúng ta nên nhìn nhận như thế nào?

Khi Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột thương mại thì nguy cơ lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp của nhau là có. Nguy cơ này xuất hiện không phụ thuộc vào việc ta có tham gia TPP11 hay không.

Nguy cơ này đã được nhận diện và Bộ Công Thương đã liên tục có cảnh báo về nguy cơ này. Một số biện pháp cũng đã được áp dụng để củng cố, kiện toàn công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Việt Nam là đất nước mở cửa, luôn chào đón đầu tư nước ngoài nhưng nếu nhà đầu tư nào có ý định lợi dụng Việt Nam để gian lận xuất xứ thì nên suy nghĩ lại bởi sẽ bị xử lý rất nghiêm nếu bị phát hiện.


Chương SHTT của Hiệp định CPTPP bao gồm những nghĩa vụ khó đối với khả năng thực thi của Việt Nam, hệ thống pháp luật trong nước cũng phải có những sửa đổi nhất định để phù hợp với các nghĩa vụ này. Vậy Việt Nam được lợi gì khi phải tuân thủ và thực thi các nghĩa vụ đó?

Lợi ích mà chế độ bảo hộ sở hữu trí tuệ trong Hiệp định CPTPP mang lại cho Việt Nam là lợi ích về chiến lược và dài hạn. Các nghĩa vụ về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong Hiệp định CPTPP giúp các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ: quyền được bảo hộ dễ dàng hơn; thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp minh bạch, công bằng và hợp lý hơn; việc chống xâm phạm quyền nghiêm minh hơn… Đây là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào việc tạo ra quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có hoạt động sáng tạo nhằm đổi mới công nghệ và tạo môi trường tốt cho việc thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam trong ngắn hạn và tạo điều kiện từng bước nâng cao năng lực công nghệ nội sinh của ta trong dài hạn. Bên cạnh đó, tham gia Hiệp định CPTPP thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước ta trong việc hướng tới các chuẩn mực tiên tiến về bảo hộ sở hữu trí tuệ của khu vực và thế giới nhằm thực hiện mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút sự đầu tư ổn định lâu dài của các doanh nghiệp trong khu vực CPTPP nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung.


Vấn đề rác thải công nghệ đang là một trong các vấn đề được quan tâm tại một số diễn đàn trên thế giới. Tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ cho phép nhập khẩu mặt hàng tân trang, vậy Chính phủ có tính đến các chính sách cũng như giải pháp để quản lý mặt hàng này hay không?

Hiệp định CPTPP là một hiệp định “thế hệ mới” với các tiêu chuẩn cao và mức cam kết sâu và rộng. Cam kết về hàng tân trang là một trong các nội dung mới mà Việt Nam chưa từng cam kết trong các FTA đã ký kết. Tuy nhiên, khi đàm phán và thống nhất nội dung này, Việt Nam cũng đã bảo lưu được một khoảng không chính sách nhất định để Chính phủ có thể quản lý và kiểm soát mặt hàng này một cách chủ động và hiệu quả khi Hiệp định có hiệu lực.

Trước hết, hàng hóa phải là hàng hóa thu được toàn bộ hoặc một phần từ các nguyên vật liệu được thu hồi, có tuổi thọ và chức năng giống hệt hoặc tương tự hàng mới và có chứng nhận bảo hành như hàng mới mới được coi là hàng tân trang và được phép nhập khẩu vào thị trường CPTPP theo mức thuế suất như đối với hàng mới.

Hơn nữa đối với Việt Nam, ta cam kết sẽ chỉ cho phép nhập khẩu loại hàng hóa này sau 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Ngoài ra, Việt Nam cũng bảo lưu một danh mục loại trừ các mặt hàng được cho là hàng tân trang bao gồm xe máy, xe đạp và một số máy móc điện-điện tử gia dụng như quạt điện, máy điều hòa không khí, máy sấy, máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi, v.v… Các mặt hàng này không được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo cam kết về hàng tân trang.


Với hiệp định CPTPP, cơ hội xuất khẩu đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam như thế nào?

Thủy sản là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với hiệp định CPTPP, Việt Nam đạt được mức tiếp cận thị trường khá tốt cho hàng thủy sản khi xuất khẩu sang khu vực CPTPP.

Về cơ bản, mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp, cá viên) có xuất xứ Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm.

Một số thị trường khó tính như Nhật Bản, ta không đạt được thỏa thuận xóa bỏ thuế quan cho nhiều mặt hàng thủy sản trong các khuôn khổ song phương (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Nhật Bản) hay khu vực (Hiệp định thương mại tự do Asean-Nhật Bản) trước đây thì nay với Hiệp định CPTPP, thủy sản (cá ngừ, surimi, tôm, cua, một số loại mực…) của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Đây chính là cơ hội để thủy sản của Việt Nam thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới cũng như mỏ rộng xuất khẩu ở các thị trường truyền thống.


Hiệp định CPTPP mang lại cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng đặt ra sức ép về cạnh tranh ở khu vực và thế giới. Vậy, doanh nghiệp ta cần chuẩn bị những gì cho sân chơi mới này?

Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét một số giải pháp sau:

Một là các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Các nội dung chính của Hiệp định hiện đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương. Đây là kênh thông tin tham khảo hữu ích cho doanh nghiệp khi tìm hiểu khu vực CPTPP.

Hai là doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.


Chính phủ đã có những bước chuẩn bị gì để đón đầu cơ hội, tận dụng lợi ích từ CPTPP mang lại?

Sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của Hiệp định TPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.

Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại v.v. mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước v.v. Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Nhận thức rõ tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của Hiệp định này nên ngay từ khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp với các nước TPP tìm hướng đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong thời gian sớm nhất trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam. Sau khi các nước đã thống nhất được toàn bộ các nội dung đàm phán và hoàn tất quá trình rà soát pháp lý, Bộ Công Thương đã kịp thời công bố toàn văn Hiệp định (lời văn Tiếng Anh và bản dịch Tiếng Việt) lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để tạo điều kiện cho công chúng và cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nội dung của Hiệp định này.

Để bảo đảm Hiệp định CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Chính phủ sẽ sớm ban hành Kế hoạch hành động để thực thi Hiệp định CPTPP, trong đó sẽ chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới công chúng. Thêm vào đó, Chính phủ cũng tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định TPP. Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các Bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.

Với những giải pháp này cùng với sự chủ động của doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để làm ăn quy mô và dài hạn trong tương lai, Chính phủ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại để tiếp tục phát triển vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]