Bài học cho Singapore từ lệnh cấm xuất khẩu thịt gà của Malaysia

62816

Tác giả bài viết trên báo The Business Times ngày 16/8 cho rằng việc Malaysia có thể cho phép xuất khẩu thịt gà sau ngày 31/8 chắc chắn là tin tức đáng hoan nghênh, đặc biệt là ở Singapore.

Giá thực phẩm đã gia tăng ngay cả trước khi Malaysia cấm xuất khẩu gia cầm sau ngày 1/6/2022, được thúc đẩy bởi những áp lực từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine. Lạm phát thực phẩm ở Singapore đã tăng 5,4% trong tháng Sáu, mức cao nhất kể từ năm 2009, trong khi lạm phát cơ bản đạt mức cao nhất trong 14 năm với 4,4%.
Ngay cả khi khó khăn qua đi, câu chuyện này cũng vẫn là một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng Singapore, quốc gia nhập khẩu hơn 90% nhu cầu thực phẩm, cực kỳ dễ bị tổn thương trước những gián đoạn về nguồn cung thực phẩm từ bên ngoài.
Singapore phải tiếp tục tìm cách cải thiện chuỗi cung ứng thực phẩm bên ngoài thông qua đa dạng hóa nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy và nâng cấp các thỏa thuận thương mại nhằm tăng cường thương mại. Thương mại là câu trả lời cho vấn đề an ninh lương thực của nước này.
Sức ép bên ngoài, hạn chế bên trong
Không phải chỉ một mình Malaysia đưa ra lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm. Làn sóng chủ nghĩa dân tộc thực phẩm gia tăng đã làm suy yếu các chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu khi các quốc gia cấm xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung và giữ ổn định giá cả trong nước.
Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế cho biết 17% sản phẩm lương thực và phân bón được trao đổi trên toàn thế giới đã chịu ảnh hưởng bởi các lệnh cấm xuất khẩu trong tháng 6/2022. Những lệnh cấm này bao gồm lệnh hạn chế xuất khẩu đối với đường và lúa mỳ ở Ấn Độ và cấm xuất khẩu dầu cọ ở Indonesia.
Mặc dù nhiều trong số những lệnh cấm này đã được áp đặt sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhưng cũng còn có những nhân tố khác. Những hiện tượng thời tiết cực đoan, chi phí logistics tăng cao, sự tắc nghẽn về vận tải và tình trạng thiếu hụt lao động là những điểm gây áp lực đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Điều này đặt ra câu hỏi về việc thế giới sản xuất được bao nhiêu lương thực và thế giới có thể vận chuyển được bao nhiêu?
Chính phủ Singapore đã nhận thức rõ những thách thức về lương thực của đất nước. Năm 2019, Singapore đã mở rộng chiến lược ban đầu của mình là tập trung vào việc đa dạng nguồn nhập khẩu, bao gồm gia tăng sản xuất trong nước và có các công ty địa phương sản xuất lương thực ở nước ngoài để xuất khẩu lại trong nước. Đặc biệt, nước này đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ nhu cầu dinh dưỡng được sản xuất ở trong nước từ khoảng 10% hiện nay lên 30% vào năm 2030.
Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản này, Singapore sẽ vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu đến 70% nguồn cung lương thực thực phẩm của nước này. Malaysia cung cấp đến 99% số lượng gà sống và đông lạnh nhập khẩu của Singapore và 34% tổng nguồn cung thịt gà của “đảo quốc sư tử” trong năm 2021, chiếm khoảng 73.000 tấn gà.
Việc các trang trại của Singapore cố gắng đạt sản lượng này là không khả thi, cả về mặt kinh tế lẫn môi trường. Mặc dù việc gia tăng sản xuất ở trong nước có thể làm giảm bớt sức ép về chuỗi cung ứng, nhưng đó chỉ là một phần của giải pháp.
Thương mại là câu trả lời
Các biện pháp thương mại có thể giúp ngăn chặn hậu quả của các lệnh cấm xuất khẩu khi các chính phủ cảm nhận được sức ép buộc phải áp đặt hay mở rộng các lệnh cấm xuất khẩu để đối phó với lạm phát và tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác thương mại tích cực với nhiều nước thành viên, Singapore có thể tận dụng Hiệp định trao đổi hàng hóa (ATIGA) của hiệp hội để thúc đẩy thương mại và nâng cao năng lực quản lý rủi ro nếu các điều khoản của ATIGA được củng cố.
Trong khi ATIGA đã đạt được thành công hạn chế trong việc loại bỏ thuế quan thương mại nội khối ASEAN, Hiệp định này cần phải có những động thái táo bạo hơn đối với các biện pháp phi thuế quan (NTM), chẳng hạn như hoàn thiện bộ công cụ được đề xuất để đánh giá và xác định các NTM.
Ngoài ra, cần có những nỗ lực nhằm làm hài hòa các tiêu chuẩn, chẳng hạn như thông qua Tiêu chuẩn Codex do Liên hợp quốc dẫn dắt về an toàn thực phẩm, để thiết lập một bộ thực hành có thể áp dụng cho toàn khu vực.
Hai cơ chế này có tác dụng bổ sung cho vấn đề an ninh lương thực của Singapore. Tiến bộ trong việc xóa bỏ NTM và hài hòa hóa một bộ tiêu chuẩn có thể áp dụng cho toàn khu vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nội khu, đem lại cho Singapore cơ hội để đa dạng hóa hơn nữa các nguồn thực phẩm của mình.
Hơn nữa, việc gia tăng mua vào sản phẩm từ các nước láng giềng của Singapore trong các mạng lưới thương mại nội khu có thể khiến các chính phủ cân nhắc hạn chế việc áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu.
Đồng thời, ATIGA nên tìm ra một hệ thống có khả năng theo dõi và báo cáo về các can thiệp của nhà nước trong nội khu, trong đó có những hạn chế xuất khẩu. Liên minh châu Âu đã thực hiện một kế hoạch như vậy vào đầu năm 2020 để theo dõi các hạn chế đối với xuất khẩu trang thiết bị bảo vệ cá nhân, giúp hỗ trợ chức năng thị trường nội bộ ngay cả khi tình trạng thiếu hụt gia tăng ở những nơi khác.
ASEAN nên xem xét một hệ thống để giám sát hoạt động hạn chế xuất khẩu. Có thể nói, thương mại là yếu tố sống còn của Singapore. Mặc dù các yếu tố dẫn đến những gián đoạn xuất khẩu thực phẩm không thể giải quyết được một cách trực tiếp, nhưng những tác động của chúng có thể được xử lý bằng cách nâng cấp ATIGA và giao dịch một cách thông minh hơn, cho phép Singapore quản lý rủi ro một cách hiệu quả hơn./.
TTX
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]