Doanh nghiệp hưởng lợi từ mô hình nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm ISO 22000

19238
Việc 20 mô hình doanh nghiệp triển khai áp dụng thành công ISO 22000 đã tạo bước chuyển biến đáng kể về nhận thức trong việc nhận biết và kiểm soát các mối nguy về an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi cung ứng.
Nhiệm vụ “Nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm (ISO 22000) vào các doanh nghiệp Việt Nam năm 2018” thuộc Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã được Trung tâm Chứng nhận Phù hợp triển khai từ tháng 01 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, nhóm chuyên gia thực hiện đã phối hợp và nhận được sự hỗ trợ của các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Thực phẩm an toàn, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Hiêp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Hiệp hội Thực phẩm chức năng, Chi cục An toàn thực phẩm ở các địa phương… và rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, năng suất, chất lượng cùng các giảng viên và chuyên gia đào tạo, tư vấn trên cả nước.
Để tìm kiếm và lựa chọn ra 20 Doanh nghiệp điển hình áp dụng theo tiêu chí của nhiệm vụ, trong tháng 4 và tháng 5 năm 2018 nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tổ chức 06 hội thảo với chủ đề “Phổ biến, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm áp dụng Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000” tại Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng và tham dự của hơn 500 đơn vị đại diện cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng thực phẩm từ nuôi trồng, sơ chế, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thực phẩm… cho tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo quản, cung ứng, phân phối thực phẩm… Nhiều câu hỏi của doanh nghiệp đã được các chuyên gia giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm giúp họ hiểu rõ hơn về các nội dung yêu cầu tiêu chuẩn cũng như các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc liên quan khi áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000: 2015 vào thực tế.
Nhóm thực hiện đã phân tích, xây dựng tiêu chí nhằm lựa chọn ra 20 Doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho các lĩnh vực, các ngành, các miền trên cả nước để tham gia vào nhiệm vụ “Nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm (ISO 22000) vào các doanh nghiệp Việt Nam năm 2018”. Trong số 20 đơn vị được chọn để xây dựng mô hình điểm, có 2 chuỗi cung ứng, một trong các yêu cầu của nhiệm vụ.
Trên cơ sở thực tế của doanh nghiệp, các chuyên gia về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đã triển khai đào tạo cho đội ngũ cán bộ doanh nghiệp, để họ nắm được các yêu cầu tiêu chuẩn ISO 22000:2015 và triển khai trên thực tế, duy trì có hiệu lực Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tại đơn vị mình. Và chính họ đã trở thành hạt nhân nòng cốt giúp nhân rộng những kiến thức, kinh nghiệm quản lý thực tiễn qua đó cải tiến hệ thống nhằm nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng.
20 đơn vị được hướng dẫn áp dụng và đánh giá chứng nhận thành công theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 là những mô hình điển hình thuộc chuỗi cung ứng. Đại diện công ty cổ phần thực phẩm SANTA, một trong 20 đơn vị điểm cho biết “Tham gia vào dự án đã giúp chúng tôi hiểu mình, biết mình và cũng nhờ đó mà chúng tôi vươn tới sự hoàn thiện trong cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Với chứng nhận ISO 22000, sản phẩm của đơn vị đã được chấp nhận tại các chuỗi siêu thị lớn như Coopmart, MM Mega Market”.
Đánh giá về các mô hình điểm áp dụng ISO 22000:2018, TS. Vũ Văn Diện, đại diện tổ chuyên gia đánh giá kết quả thực tế triển khai tại các mô hình điểm nhận định, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm được xây dựng và áp dụng giúp doanh nghiệp nhận diện và chuẩn hóa các quá trình kiểm soát về an toàn thực phẩm. Bên cạnh sự hỗ trợ của dự án, một trong những lý do then chốt giúp doanh nghiệp có thể xây dựng thành công hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đo là sự quyết tâm của Ban lãnh đạo các đơn vị, cung cấp đầy đủ nguồn lực cần thiết để phối hợp với chuyên gia thực hiện dự án triển khai thành việc áp dụng ISO 22000 tại đơn vị mình. Đặc biệt, các đơn vị chưa từng áp dụng hệ thống quản lý nào thì việc tìm hiểu và áp dụng là sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng với sự quyết tâm của Ban lãnh đạo, các đơn vị điểm đã thực sự thành công trong việc áp dụng ISO 22000 và bằng chứng là đã đạt được chứng nhận của Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT).
Ông Phạm Quốc Bình, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết kết quả thực hiện nhiệm vụ đã góp phần phổ biến và nhân rộng mô hình hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 đến các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng thực phẩm trên địa bàn cả nước, tạo bước chuyển biến đáng kể về nhận thức trong cộng đồng các doanh nghiệp, đặc biệt trong việc nhận biết và kiểm soát mối nguy về an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, các nội dung triển khai của nhiệm vụ cũng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chuẩn hoá các hành vi thực hành sản xuất và quản lý về an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế,… Qua đó đáp ứng được các mục tiêu cơ bản của Chương trình quốc gia về năng suất chất lượng cũng như những kỳ vọng của các doanh nghiệp khi tham gia dự án.
Ngoài ra, nhiệm vụ cũng đã góp phần đáng kể vào việc đào tạo được đội ngũ các cán bộ quản lý của doanh nghiệp là các chuyên gia về quản lý an toàn thực phẩm, có kinh nghiệm quản lý thực tiễn kết hợp với am hiểu các yêu cầu tiêu chuẩn. Đồng thời giúp các doanh nghiệp xây dựng được đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý để tiến hành triển khai áp dụng các giải pháp quản lý cụ thể vào từng loại hình doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Từ đó, hình thành nên một mạng lưới các doanh nghiệp điển hình áp dụng thành công mô hình hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, trở thành khuôn mẫu tham khảo cho các đơn vị hoạt động trong cùng lĩnh vực.
Theo VietQ
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]