Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021

67873

Năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu kép về kiểm soát dịch bệnh và là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng GDP đạt 2,91%.

Để góp thêm góc nhìn về động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 và ý kiến về giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế – tài chính cấp cao Học viện Tài chính.

Theo quan điểm của ông, nền kinh tế thế giới sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2021?

Năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ các quốc gia. Trước hết, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển được vaccine chống COVID-19 và đã có những quốc gia thực hiện tiêm chủng rộng rãi trong xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì các quốc gia sẽ đẩy mạnh công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế.

Dù dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, nhưng hầu hết quốc gia đã dần quen với trạng thái “bình thường mới”, vừa nỗ lực phòng chống dịch, vừa bắt đầu từng bước phục hồi kinh tế.

Nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ có những bước phục hồi và phát triển. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng 4% trong năm 2021. Nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế xuất nhập khẩu cao như Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Hơn nữa, nhiều thay đổi đang diễn ra ở nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Xu hướng tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề chung sẽ góp phần giảm bớt các căng thẳng tại các điểm nóng kinh tế trên thế giới. Thậm chí, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng sẽ đi vào chiều sâu và có thể có những giới hạn nhất định. Đại dịch COVID-19 cũng làm cho nhiều quốc gia cảm nhận sự hợp tác, cùng sinh tồn là rất quan trọng.

Đối với Việt Nam, động lực hồi phục của nền kinh tế là gì thưa ông?

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Trước hết, do việc phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, ý thức phòng chống dịch của người dân và toàn xã hội tăng cao, Việt Nam đã chuyển sang hình thức kiểm soát chặt chẽ biên giới, khoanh vùng dập dịch ngay tại gốc với phạm vi thích hợp, nền sản xuất của đất nước đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2020.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng nhanh chóng với trạng thái kinh tế mới. Số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng hơn 0,8% so với 2019, đặc biệt vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp cao hơn nhiều so với 2019.

Cơ cấu nền kinh tế đã có những chuyển biến đáng kể từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động tăng đáng kể, đóng góp của nhân tố TFP (Năng suất nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng đạt 45 – 47%. Kinh tế tư nhân đã trở thành một nhân tố quan trọng đóng góp 44 – 45% GDP là một động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Việc cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm 29 loại phí, lệ phí đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh và các chi phí tiếp cận cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới thông qua hiệu quả của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu các máy móc, thiết bị, các nguyên nhiên vật liệu và hưởng các ưu đãi xuất xứ, ưu đãi thuế cùng với việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, kinh tế số đã trở thành một trào lưu, một động lực phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đang thúc đẩy tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, mức độ giải ngân năm 2020 đạt trên 92% đang góp phần tháo gỡ các khó khăn về cơ sở hạ tầng, về khả năng kết nối giữa các vùng kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng trưởng GDP. Khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021 cũng sẽ là một nhân góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

Dự báo trong năm 2021, nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kinh tế thế giới phục hồi tốt, kinh tế Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6,8% – 7,4% thì khả năng lạm phát có thể sẽ là 3,8% (+, – 0,5%), thâm hụt ngân sách nhà nước trong khoảng 4,1 %. Với những thay đổi chính sách của Chính phủ mới của Mỹ – nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhiều khả năng kịch bản này sẽ đạt được.

Trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 6,0% – 6,7% với lạm phát sẽ trong khoảng 3,3% (+, – 0,5%), thâm hụt ngân sách trong khoảng 3,5%.

Dưới góc độ chuyên gia, ông có đề xuất gì để thúc đẩy nhanh sự hồi phục của nền kinh tế?

Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững nhằm đạt được các chỉ tiêu đã được đề ra trong năm 2021 cần thực hiện đồng bộ hàng loạt các biện pháp; trong đó, cần nhấn mạnh các biện pháp cơ bản là tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh khác sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.

Bên cạnh đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính tiền tệl. Chủ động, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam.

Cơ quan quản lý theo dõi, quản lý và giám sát các biến động trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán… để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh để xảy ra các biến động bất thường tác động xấu đến nền kinh tế.

Giải pháp cần thiết nữa là là cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, giảm tới mức thấp nhất thâm hụt ngân sách, đẩy mạnh cải cách chính sách thuế, tái cấu trúc và tăng cường hiệu quả chi tiêu công, giảm bền vững tỷ trọng nợ công và nợ nước ngoài trên GDP.

Coi việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng lao động là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 để tạo bàn đạp cho việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế cho cả giai đoạn 2021 -2030.

Phát triển kinh tế tư nhân được coi như một động lực mới giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế trong giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Trong thời gian vừa qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự tăng trưởng bứt phá trên nhiều lĩnh vực, đóng góp khoảng 34% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra trên 44% GDP của đất nước, nhưng vẫn còn nhiều rào cản và sự đối xử chưa hợp lý để khu vực này được phát triển bình đẳng.

Các doanh nghiệp tư nhân lớn cần trở thành những đầu tàu, dẫn dắt kết nối được các doanh nghiệp vừa và nhỏ hình thành mạng lưới, dây chuyền sản xuất kinh doanh, đặc biệt phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.  Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có động lực để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu…

Năm 2021 là năm bản lề để nền kinh tế bước vào thới kỳ mới 2021-2025 và cho cả giai đoạn 2021 – 2030. Với những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020 và những bài học kinh nghiệm được rút ra trong điều hành và quản lý, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hy vọng các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2021 sẽ được hoàn thành toàn diện và vượt mức.

 Xin cảm ơn ông!

Nguồn: TTXVN

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]