Khác với bối cảnh trước khủng hoảng tài chính năm 1997, khi đó hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều có mức tăng trưởng cao: Trung Quốc tăng trưởng gần 2 con số; Ấn Độ, 7,5%; Indonesia, 7,8% (1996), Malaysia, 10%; Singapore, tăng trưởng gần bằng Indonesia; Thái Lan, 5,7%; Nhật Bản, 3,1%; hiện nay, trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đã ở trong tình trạng giảm tốc.
Tại Nhật Bản, tăng trưởng quý 1/2020 giảm 7% so với quý liền kề; tại Ấn Độ, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm thời gian dài và đang trong khủng hoảng; kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,1% năm 2019, mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 1990 tới nay. Tại khu vực Đông Nam Á, hầu hết các nền kinh tế đều tăng trưởng thấp hơn năm 2018. Philippines tăng trưởng thấp nhất trong 8 năm trở lại đây. Thái Lan tăng trưởng 2%. Việt Nam tăng trưởng cao hơn dự báo song nền kinh tế chỉ đứng thứ 6/10 quốc gia ASEAN.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc có vai trò quan trọng giúp các nền kinh tế Đông Nam Á hồi phục. Năm 1994, Trung Quốc phá giá đồng tiền song đến năm 1997 nước này hồi phục, giúp các nền kinh tế Đông Nam Á có cơ hội phục hồi. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc bơm gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu và kinh tế khu vực Đông Nam Á.
Ở thời điểm hiện nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thận trọng hơn bởi vì theo họ gói hỗ trợ kinh tế khủng năm 2008 là quá đà và đã làm biến dạng nền kinh tế. Các gói kích thích kinh tế tới đây được Trung Quốc đưa ra sẽ nhằm để tận dụng cơ hội địa chính trị mà khủng hoảng mang lại cho Trung Quốc, với tư cách là thị trường nhập khẩu 1/10 của thế giới. Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực kích thích tiêu dùng trong nước để giảm sự phụ thuộc vào mô hình tăng trưởng dựa vào vay nợ và xuất khẩu.
Mặc dù một số chỉ số kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế Đông Nam Á ở thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 tương đối tốt: Thái Lan, Malaysia thặng dư ngân sách và lạm phát của Thái Lan chỉ 1%. Philippines tăng trưởng thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây song thâm hụt ngân sách tương đối thấp. Vài tháng trước đây, đồng tiền Thái Lan được coi là nơi trú ẩn an toàn. Đồng rupiah của Indonesia trong tuần đầu của tháng 4 cũng tăng 2%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2015. Phó Giám đốc CMIM, Wenxing Pan, phụ trách điều phối và chiến lược Cơ quan Nghiên cứ Vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) mới đây cho biết các nền kinh tế Đông Nam Á đã có sự chuẩn bị chính sách vĩ mô khá tốt để hỗ trợ các nền kinh tế. Các gói tài chính và chính sách tiền tệ mới được tuyên bố trong nhóm ASEAN + 3 sẽ phần nào giúp các quốc gia giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các nền kinh tế Đông Nam Á cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Dự trữ ngoại hối và năng lực hoán đổi tiền tệ của Malaysia thấp. Nợ trái phiếu và cổ phiếu nước ngoài của Indonesia cao, khiến cho năng lực giữ giá đồng tiền sẽ nhiều áp lực. Thị trường tín dụng và tiền tệ của Malaysia và Indonesia đều đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Nợ doanh nghiệp tại nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang ở mức khá cao như Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Malaysia, Trung Quốc…
Sau các cuộc khủng hoảng năm 1997 và 2008, các nền kinh tế châu Á phục hồi nhanh và mạnh nhất so với các khu vực còn lại trên thế giới. Singapore tăng trưởng 15% ngay trong năm 2010. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng sắp tới đây, rất khó để đánh giá mức độ thiệt hại mà đại dịch Covid-19 gây ra và chưa rõ bao giờ đại dịch này chấm dứt. WTO (9/4/2020) dự báo thương mại hàng hoá toàn cầu sẽ sụt giảm 13-32% trong năm 2020, thấp hơn mức sụt giảm trong khủng hoảng năm 2008. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ tiếp tục trầm trọng hơn. Khả năng phục hồi trong năm 2021 chưa chắc chắn. Trưởng bộ phận nghiên cứu tín dụng châu Á – Thái Bình Dương của Standard$ Poor’s, Terry Chan, cho biết: tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên các nền kinh tế mới nổi chưa được nhận diện đầy đủ, vì vậy rất khó để dự báo sự phục hồi tới đây sẽ theo hình chữ V hoặc chữ U. Một số dự báo sự phục hồi theo hình chữ W.
Sự phục hồi của các nền kinh tế Đông Nam Á vì vậy được cho là dựa vào 2 yếu tố: sức mạnh nội tại của mỗi quốc gia và cách các quốc gia ứng phó với khủng hoảng. Các yếu tố như vị trí, logistics, sự ổn định chính trị và xã hội có thể sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, thay vì chỉ phụ thuộc vào giá cả hoặc nguồn lao động đông đảo.