Kinh tế Singapore đang đối mặt với một năm suy thoái – lần đầu tiên trong vòng hai thập kỷ trong bối cảnh biên giới kiểm soát chặt chẽ và tình trạng đóng cửa quốc gia diễn ra trên toàn thế giới do ảnh hưởng bởi sự bùng phát của virus corona. Nhận định này được đưa ra bởi Bộ Công Thương Singapore – MTI vào ngày 26/3/2020.
MTI đã hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2020 xuống mức -4% đến -1% từ mức dự đoán trước đó là -0,5% đến 1.5%. Lần cuối cùng Singapore dự báo mức tăng trưởng âm cả năm cho nền kinh tế là vào năm 2001 thời kỳ bong bóng Dot.com khi đó kinh tế Singapore ghi nhận mức giảm 1%.
Triển vọng kinh tế đã được giảm xuống sau khi tổng sản phẩm quốc nội GDP trong quý 1/2020 giảm 2.2% so với cùng kỳ, hiện trạng diễn biến tệ hơn so với dự kiến của các nhà kinh tế học.
“Sau khi nhận thấy hiệu suất yếu hơn mong đợi của nền kinh tế Singapore trong quý 1 và sự suy giảm trong môi trường kinh tế cả trong và ngoài nước kẻ từ tháng hai, chúng tôi quyết định hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của năm 2020”, đại diện MTI cho biết
Chuyên gia kinh tế cao cấp của DBS ông Irvin Seah nhận định Singapore đang ở trong một cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc. Ông cho rằng mức tăng trưởng âm 2,2% trong quý 1 là mức giảm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nếu so sánh trên cơ sở giữa các quý, kinh tế Singapore đã suy giảm đến 10,6% trong quý 1, mức giảm chưa từng có kể từ năm 2010 và giảm mạnh so với mức tăng trưởng 0.6% vào quý 4 2019.
Ông Seah cho biết ông đang xem xét hạ mức kỳ vọng khi dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 giảm xuống còn từ -2.8% đến -0.5% sau khi Singapore có các biện pháp cứng rắn để ngăn ngừa virus corona cùng với đó là rủi ro của nền kinh tế toàn cầu. Tình trạng suy thoái lần này được dự báo sẽ nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính châu Á khi đó nền kinh tế ghi nhận mức giảm 2.2%
“Trên thực tế, đây có thể là cuộc suy thoái tồi tệ nhất đối vơi Singapore. Con số suy giảm GDP trong hai quý tới có thể còn tồi tệ hơn quý 1, với mức giảm trên 3,5%” ông Seah cho hay
Trong quý 1, ngành xây dựng đã ghi nhận mức giảm 4.3%, tiếp theo là ngành dịch vụ (-3.1%) và ngành sản xuất (-0.5%).
“Với lĩnh vực dịch vụ chiếm 2/3 GDP và việc làm, đòn bẩy kinh tế chính của Singapore chính là ngành dịch vụ. Nếu ngành dịch vụ suy giảm, nền kinh tế cũng sẽ theo sau. Ngay cả viễn cảnh về việc tăng trưởng trở lại của ngành sản xuất cũng không đủ bù đắp cho sự thiếu hụt.”
“Đây sẽ là một cuộc suy thoái dẫn đầu bởi ngành dịch vụ và vì thế ảnh hưởng của nó đến việc làm sẽ rất nghiêm trọng.”
Bộ mặt của nền kinh tế trong quý 1/2020 tồi tệ hơn nhiều so với khi dịch bệnh SARS bùng phát tại châu Á vào năm 2003 khi đó GDP giảm thấp nhất vào quý 2 năm 2003 với mức giảm chỉ 0.3%.
Phó Thủ tướng Heng Swee Keat sẽ công bố ngân sách bổ sung tại Quốc hội vào thứ năm và chi tiết các biện pháp hỗ trợ bổ sung để giúp người lao động, doanh nghiệp và các hộ gia đình đối phó với dịch bệnh. Phần ngân sách bổ sung này không nằm trong gói 4 tỷ đô la được công bố vào tháng trước.
Fitch Sollution – công ty nghiên cứu phân tích rủi ro công nghiệp và kinh tế quốc gia cũng đồng quan điểm với DBS khi đưa ra mức giảm cho nền kinh tế Singapore 2020 là -2.8%. Đại diện của Fitch Sollution nhận xét “Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách kịp thời và phù hợp kết hợp cùng những gì chúng ta đang có là khả năng vay mượn cùng với dự trữ hiện tại”. Nhưng rủi ro vẫn rất lớn khi dịch bệnh có khả năng bùng phát tồi tệ hơn ở Singapore và nguy cơ đại dịch toàn cầu không thể hoàn toàn ngăn chặn chỉ chung một quý.
MTI cho biết triển vọng năm 2020 đã giảm mạnh sau khi sự bùng phát virus nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc và ảnh hưởng tới nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức. Với sự bùng phát ngày càng lan rộng, Singapore đã thắt chặt kiểm soát biên giới kể từ tháng Hai để giảm việc “nhập khẩu” căn bệnh này.
Để giảm nguy cơ lây lan cộng đồng, các biện pháp giữ khoảng cách an toàn đã được áp dụng như hủy bỏ các sự kiện, những cuộc tụ họp đông người và thực hiện giữ khoảng cách tại nơi công cộng.
Tất cả những yếu tố này đã ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước và nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa dịch vụ, MTI nhận xét.
MTI cho biết lĩnh vực sản xuất đang chịu thiệt hại nặng nề do đầu ra suy giảm đặc biệt trong ngành điện tử và hóa chất. Ngành sản xuất y sinh và sản xuất kỹ thuật chính xác ghi nhận có sự mở rộng sản lượng tuy nhiên không đủ để bù đắp thiếu hụt.
Sự yếu kém của ngành sản xuất phản ảnh sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài khi hoạt động kinh tế toàn cầu đã bị chậm lại do đại dịch Covid-19.
Ngành xây dựng suy giảm 4,3% trong quý 1/2020 trái ngược hoàn toàn với mức tăng 4,3% quý trước.
Ngành công nghiệp dịch vụ ghi nhận mức giảm 3,1% trên cơ sở hàng năm trong quý 1, trái ngược với mức tăng trưởng 1,5% trong quý IV năm 2019.
GDP trong quý 1 được ước tính từ phần lớn dữ liệu trong 2 tháng đầu tiên của quý.
MTI sẽ công bố ước tính GDP sơ bộ cho quý đầu tiên, bao gồm hiệu suất các lĩnh vực, nguồn tăng trưởng, lạm phát, việc làm và năng suất trong khảo sát kinh tế Singapore vào tháng 5.