Người dân mua thịt gà tại một chợ ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 1/6, Malaysia ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà để đảm bảo nguồn cung trong nước – động thái này ngay lập tức khiến Singapore “điêu đứng”.
Anh Daing Mohd Haidir, một người nông dân Malaysia, đã nuôi gà ở bang Johor trong sáu năm nay. Tuy nhiên, anh cho biết đây là lần đầu tiên mình trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như vậy.
Trong điều kiện bình thường, Anh Daing Mohd Haidir từng nuôi tới 90.000 con gà thịt – loại gà được nuôi đặc biệt để lấy thịt – nhưng hiện nay con số này đã giảm xuống chỉ còn 60.000 con cho mỗi chu kỳ chăn nuôi.
Tại Malaysia, nguồn cung gà toàn quốc bắt đầu giảm từ tháng Hai và đến tháng Tư đã ở mức thấp hơn 15% so với ngưỡng 69 triệu con gà mỗi tháng mà nước này cần.
Chính vì vậy ngày 1/6 vừa qua, Malaysia đã ban lệnh cấm xuất khẩu thịt gà để đảm bảo nguồn cung trong nước. Động thái này đã ngay lập tức khiến Singapore, quốc gia nhập khẩu gần như toàn bộ nhu cầu gà sống thông qua tuyến đường cao tốc Johor – Singapore Causeway, điêu đứng.
Chi phí tăng cao tạo ra sự thiếu hụt
Thiếu người lao động, chi phí chăn nuôi gà tăng chóng mặt và tình trạng gà ốm, chết… là một số thách thức mà người chăn nuôi tại Malaysia đang phải đối mặt.
Trong bối cảnh đó, anh Daing đặt câu hỏi: “Làm thế nào để có thể nuôi nhiều gà hơn?”. Công việc chăn nuôi của anh Daing phụ thuộc vào những người lao động nhập cư. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, nhiều người đã buộc phải quay trở lại quê hương của họ.
Đến tháng 3/2022, sau khi biên giới mở cửa trở lại, Chính phủ Malaysia đã công bố mức tăng 25% đối với lương tối thiểu, lên 1.500 ringgit Malaysia (RM, tương đương 473 đô la Singapore – SGD). Với việc tăng lương này, anh Daing không có đủ khả năng để thuê lao động nước ngoài. Điều này tạo ra sự thiếu hụt. Một người nông dân giờ đây sẽ phải chăm sóc cho 12.000 con gà trong một lúc, thay vì 10.000 con như giai đoạn trước khi đại dịch xảy ra.
Hiện nay, quy mô chăn nuôi gà của anh Daing là 10 chuồng gà thay vì 15 chuồng. Trong mỗi mùa chăn nuôi, khoảng 5.000 con gà sẽ bị ốm hoặc chết, tương đương mức thiệt hại gần 7.000 RM.
Gà có thể gặp nhiều bệnh khác nhau do nhiễm vi khuẩn như E. coli, tùy thuộc vào chất lượng chăn nuôi của người nông dân. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số bệnh nguy hiểm hơn như bệnh Newcastle “và chính nông dân cũng không biết bệnh này diễn biến như thế nào”, anh Daing nói.
Anh Daing đề cập đến căn bệnh truyền nhiễm đang ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ thần kinh và tiêu hóa của gia cầm. Gần đây, tỷ lệ mắc bệnh này ở Malaysia đã tăng lên. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết thất thường (quá nóng hoặc quá lạnh) cũng ảnh hưởng đến gà.
Để đối phó với tình trạng này, anh Daing đã lắp thêm bạt chắn nắng hoặc thậm chí là quạt tại các chuồng gà. Ngoài ra, anh cũng cung cấp cho gà vitamin để hạ nhiệt độ cơ thể.
Việc này làm gia tăng chi phí, song những khoản chi tiêu này vẫn chưa là gì so với chi phí thức ăn của gà, chiếm đến 70% tổng chi phí nuôi gà. Anh Daing cho biết một bao thức ăn cho gà nặng 50 kg trước đây có giá 90 RM thì nay có giá 120 RM, tăng 33% trong khoảng thời gian hai năm.
Nếu chi phí thức ăn giảm, thì chi phí sản xuất cũng giảm, và người nông dân có thể sản xuất nhiều gà hơn. Tuy nhiên, anh Daing nói: “Tôi biết từ ba đến bốn người nông dân chăn nuôi ở quy mô trung bình như tôi, họ không còn hứng thú với ngành này vì chi phí tăng cao”, anh nói. “Điều này thực sự gây ra sự thiếu hụt nguồn cung thịt gà trong nước”.
Lựa chọn cải tiến chưa thật sự thu hút
Hiện nay, có một số giải pháp cho vấn đề thiếu nhân lực và gà bệnh của người nông dân. Từ năm 2019, trường đại học Putra Malaysia (UPM) đã thử nghiệm một hệ thống chuồng gia cầm khép kín ở bang Selangor. Đây là hệ thống chuồng được vận hành một cách đặc biệt với chi phí xây dựng là 750.000 RM và phần lớn quy trình nuôi gà được tự động hóa.
Ở đây, một công nhân có thể chăm sóc khoảng 15.000 đến 20.000 con gia cầm cùng một lúc, so với mức 10.000 con thông thường trong mô hình chuồng gà mở, Loh Teck Chwen, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi Cộng đồng thuộc trường đại học UPM cho biết.
Giáo sư Loh Teck Chwen lưu ý rằng việc giảm số lượng công nhân vận hành chuồng chăn nuôi có thể làm giảm sự lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, hoặc từ người sang động vật.
Trong khi đó, quá trình tự động hóa cũng cho phép quạt tự bật nếu nhiệt độ trong chuồng quá nóng, giúp gà phát triển tốt.
Theo ông Loh Teck Chwen, trung bình một con gà chỉ cần 32-35 ngày để đạt được trọng lượng yêu cầu khi xuất chuồng trong mô hình chuồng của UPM, thay vì chu kỳ 35-38 ngày đối với gà nuôi trong chuồng mở. Điều này giúp tiết kiệm thức ăn chăn nuôi.
Mặc dù vậy, việc thuyết phục người dân chuyển sang sử dụng loại chuồng mới sẽ mất nhiều thời gian bởi vốn đầu tư vào một hệ thống này đắt hơn từ 50 đến 60% so với một trang trại truyền thống có công suất tương tự.
Trong khi đó, giá ngô nhập khẩu – thành phần cốt lõi trong thức ăn cho gà thịt – đã tăng gấp đôi do những gián đoạn sau đại dịch COVID-19 và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Malaysia cần khoảng 2 tỷ tấn ngô mỗi năm để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gà thịt, phần lớn trong số này là nhập khẩu từ các nước như Argentina, Brazil và Mỹ, do hoạt động sản xuất ngô hạt rất tốn công và tốn kém. Ngoài ra, việc mở rộng quy mô sản xuất ngô cũng không phải việc có thể làm trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên, Ramana K Naidu, chủ sở hữu của Đồn điền Famox ở Kedah và là một trong số những người trồng ngô ngũ cốc chính của Malaysia, đã tìm ra một giải pháp cho vấn đề này.
Ông nói: “Chúng tôi có rất nhiều công nghệ, nhưng có một công nghệ đang làm thay đổi cuộc chơi”, đó là chiếc máy sấy ngũ cốc di động có khả năng sấy khô các loại ngũ cốc vừa được thu hoạch.
Khi được sấy khô, ngô hạt sẽ giữ được lâu hơn. Bằng cách này, chi phí sản xuất có thể giảm khoảng 1.000 RM so với ngô nhập khẩu.
Ông Ramana nói: “Chúng tôi đang làm việc với những người nông dân quy mô nhỏ. Tôi cho họ mượn máy móc của mình và tôi sẽ lấy một mức giá tốt”.
Các công nghệ khác của ông bao gồm máy kéo và các dụng cụ khác có khả năng làm cho quá trình trồng và thu hoạch hiệu quả hơn.
Chăn nuôi gia cầm là một ngành độc quyền
Một số báo cáo tại Malaysia đã nêu lên lý do “ngấm ngầm” đằng sau tình trạng khan hiếm gà của Malaysia, đó là vấn đề liên quan đến 5 tập đoàn kiểm soát thị trường gà của Malaysia.
Theo báo cáo này, nhóm 5 tập đoàn này cung cấp các khoản vay cho các cơ sở chăn nuôi và vì thế có thể tác động đến họ bằng cách kiểm soát số lượng gà được xuất ra thị trường, quy định giá nhập và sau đó là giá bán đến người tiêu dùng.
Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng Penang Mohideen Abdul Kader, người đã theo dõi các bài viết cáo buộc này, cho biết mọi người đã mô tả việc tăng giá gà tại Malaysia là “cắt cổ”.
Để ổn định giá cả cho người tiêu dùng, Chính phủ liên bang Malaysia đã áp giá trần đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt gà kể từ năm ngoái. Nhưng những tập đoàn này được cho là đã “lách luật” bằng các chiến thuật gây áp lực.
“Một vài nhà sản xuất lớn đột ngột ngừng hoạt động. Và nguyên nhân họ đưa ra là do gà bị nhẹ cân và họ buộc phải đóng cửa để tăng trọng cho gà”, Chủ tịch Mohideen nói.
Điều này khiến giá thành bị đẩy lên cao. Hiện nay, ở Malaysia đang có rất nhiều nghi ngờ cho rằng (sự thiếu hụt) đã được tạo ra một cách giả tạo để buộc chính phủ phải đồng ý tăng giá gà.
Ở chiều ngược lại, nhà kinh tế Carmelo Ferlito, người từng làm việc trong ngành chăn nuôi gia cầm trong khu vực, lại không cho rằng các tập đoàn lớn đang gây ra tình trạng khan hiếm thịt gà tại Malaysia, mặc dù ông thừa nhận có thể có một số nhà cung cấp “chấp nhận thỏa thuận để ổn định sản xuất hoặc kiểm soát giá cả”.
Nhà kinh tế Ferlito, hiện là Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục Thị trường, một tổ chức tư vấn tại Kuala Lumpur, cho biết: “Ngành chăn nuôi gia cầm ở Malaysia là ngành độc quyền, trong đó chỉ có một vài ông lớn kiểm soát phần lớn thị trường”.
Mặc dù vậy, điều này cũng giống như ở Indonesia, Philippines, Thái Lan… Khi (các ngành nghề) tiến tới cải tiến công nghệ, họ sẽ hợp nhất. Đây là điều rất có lợi cho ngành chăn nuôi gà, vốn được cho là ngành nông nghiệp có ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất tại Malaysia.
Vấn đề thiếu hụt đang bị cường điệu hóa
Nhận định về việc Malaysia quyết định cấm xuất khẩu thịt gà, chuyên gia kinh tế Ferlito cho rằng sự thiếu hụt thịt gà “đang bị cường điệu hóa” tại nước này, kéo theo đó là các động thái “phản ứng thái quá” đối với một vấn đề xuất phát từ việc phải đóng cửa vì đại dịch.
“Những tác động (của lệnh cấm) đối với thị trường thịt gà là cực kỳ nghiêm trọng. Hãy tưởng tượng một trang trại gà được thiết lập để sản xuất 100 con gà, và đột nhiên chỉ còn có thể sản xuất 50 con”, ông nói.
Điều đó có nghĩa là nhà chăn nuôi sẽ phải đóng cửa một số nhà máy nhất định và cuối cùng là sa thải công nhân, ngừng mua thêm nguồn nguyên liệu thô.
Hậu quả sẽ là sự mất cân bằng giữa cung và cầu, bởi vì việc điều chỉnh lại quy trình sản xuất sẽ diễn ra chậm hơn nhiều so với việc điều chỉnh từ phía cầu.
Ông Ferlito nói mức giá cao là điều kiện cần để báo hiệu cho các cơ sở chăn nuôi gà rằng họ có cơ hội kiếm lời, hãy bắt đầu khai thác chúng. Ngoài ra, ông cho rằng song song với việc chú trọng đáp ứng nhu cầu nội địa, Chính phủ Malaysia cũng cần thận trọng với quyết định cấm xuất khẩu thịt gà vì Singapore là một thị trường quan trọng đối với Malaysia.
Chuyên gia này cảnh báo: “Việc kéo dài lệnh cấm xuất khẩu có thể tạo ra thêm sự thiếu hụt vì chính phủ đang loại bỏ đi một cơ hội kiếm lợi nhuận cho các nhà chăn nuôi gà địa phương. Thay vì có nhiều thịt gà hơn ở nội địa, Malaysia có thể sẽ có ít thịt gà hơn cả ở cả trong nước và để xuất khẩu”.
Theo ông Ferlito, lệnh cấm xuất khẩu càng sớm được dỡ bỏ hoàn toàn càng tốt. Mặc dù vậy, ông cho rằng điều này chỉ xảy ra khi chính phủ gỡ bỏ mức giá trần đã được thiết lập./
Bnews