Nguy cơ từ thị trường xuất khẩu rau quả

17872

Cục Bảo vệ Thực vật cảnh báo: ‘Nguy cơ mất thị trường nếu không tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu’ từ phân tích thị trường lớn nhất là Trung Quốc.

Phổ biến quy định xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam – Trung Quốc

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta năm 2019 đạt 3,747 tỷ USD (tăng gần 8,5 lần so với 2010) và 9 tháng đầu năm 2020 dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đạt 2,491 tỷ USD.

Việt Nam có tốc độ xuất khẩu tăng nhanh thứ 2 thế giới sau Mexico và kim ngạch năm 2018 đã đứng thứ 7 thế giới.

Yêu cầu truy xuất nguồn gốc

Nông sản nguồn gốc thực vật của Việt Nam đã xuất đi trên 180 nước với hơn 200 chủng loại mặt hàng. Năm 2019, rau quả xuất khẩu đạt 3,747 tỷ USD; nhập khẩu 1,778 tỷ USD; xuất siêu 1,969 tỷ USD.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc chiếm 64,84%, gấp hơn 16 lần thị trường thứ hai là Mỹ chỉ chiếm 4%.

Cục Bảo vệ Thực vật cho biết: “Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam nhưng ngày nay không còn là thị trường “dễ tính”, đang ngày càng siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu.

Từ ngày 1/1/2019, Cục Giám sát kiểm dịch động thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Trong thời gian ngắn, Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với các tỉnh và thành phố để thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT việc cấp mã số. Kết quả, tính đến tháng 8/2020 Cục đã cấp, tổng hợp gửi cho phía Trung Quốc và đã được chấp nhận 1.735 mã số vùng trồng và 1.832 mã số cơ sở đóng gói đối với 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, chuối, vải, chôm chôm, dưa hấu, nhãn, mít, măng cụt) xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Mã số vùng trồng được cấp cho vùng trồng đạt chuẩn, mã số cơ sở đóng gói cấp cho nhà đóng gói đạt chuẩn. Yêu cầu về cấp mã số vùng trồng cũng đã được quy định tại Điều 64 Luật Trồng trọt.

Tổng diện tích vùng trồng được cấp mã số cho quả tươi xuất khẩu vào Trung Quốc là 185.196ha. Trong lúc tổng diện tích cây ăn quả cả nước năm 2019 theo Cục Trồng trọt là 1.067.000 ha, như thế vùng trồng được cấp mã số mới chiếm 17,3%.

Cụ thể, diện tích được cấp mã số, lớn nhất là thanh long với 46.519ha, kế tiếp xoài 32.696ha, chuối 30.543ha, vải 19.781ha; thấp nhất là măng cụt gần 8ha.

Cơ sở được cấp mã số đóng gói quả tươi xuất khẩu vào Trung Quốc nằm ở 37 tỉnh, thành phố. Nhiều nhất là tỉnh Tiền Giang có 721 số mã, Bắc Giang 289, Bình Thuận 267, Long An 132; ít nhất là Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Trà Vinh, Cà Mau mỗi tỉnh chỉ có 1 số mã.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho hay: “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau quả đang dần trở thành xu thế, yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu thụ có đầy đủ thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, có thể rà soát từng công đoạn chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tới tay người tiêu thụ. Truy xuất nguồn gốc hiện nay chỉ thực hiện được khi có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói hay chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Việc cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói còn chậm và quá ít so với diện tích trồng trọt, còn chứng nhận sản xuất VietGAP hay GlobalGAP chỉ khoảng 7,5% tổng diện tích rau quả cả nước dẫn tới việc thực hiện truy xuất nguồn gốc chưa nhiều và rộng khắp các mặt hàng”.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]