Singapore khởi động lộ trình trở thành điểm đến MICE bền vững

62955

Đầu tháng 12, lộ trình phát triển bền vững ngành MICE đã được công bố bởi Tổng cục Du lịch Singapore (STB) và Hiệp hội Tổ chức & Cung cấp hội nghị & triển lãm Singapore.

Lộ trình này đề ra các mục tiêu và chiến lược rõ ràng, nhằm nâng cao những tiêu chuẩn về tính bền vững của ngành du lịch MICE tại Singapore trong nhiều năm tới.

Những lộ trình này thường tập trung hướng dẫn các ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch đạt được những mục tiêu phát triển bền vững độc đáo. Đây chính là một phần trong chiến lược tổng thể của Tổng cục Du lịch Singapore nhằm xây dựng lĩnh vực du lịch bền vững. Theo đó, lộ trình phát triển bền vững ngành MICE là sáng kiến thứ hai tiếp nối Lộ trình phát triển bền vững ngành khách sạn đã được công bố vào đầu năm 2022 .

Các lộ trình nêu trên đều được định hướng bởi Kế hoạch xanh 2030 của Singapore và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Lộ trình phát triển bền vững ngành MICE liệt kê ba mục tiêu cụ thể nhằm định vị Singapore như một trong những điểm đến MICE bền vững nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương:

Singapore khởi động lộ trình trở thành điểm đến MICE bền vững - Ảnh 1.

Vào đầu năm nay, Tổng cục Du lịch Singapore cũng đã khởi động chương trình phát triển bền vững ngành du lịch (TSP). Chương trình này hướng đến việc hỗ trợ sự phát triển bền vững của các ngành liên quan, như điểm tham quan, khách sạn, MICE và các tour du lịch. Theo đó, TSP bao gồm các chương trình tài trợ cho hơn 1.800 doanh nghiệp đủ điều kiện trong lĩnh vực du lịch.

– Xây dựng một bộ tiêu chuẩn phát triển bền vững trước năm 2023. Bộ tiêu chuẩn này sẽ phải dễ dàng cho ngành MICE áp dụng và hướng tới mục tiêu được thị trường toàn cầu công nhận trước năm 2024.

– Sáu địa điểm MICE được xây dựng theo mục đích nhất định và 80% thành viên SACEOS có thể đạt chứng nhận phát triển bền vững được công nhận trên phạm vi quốc tế hay quốc gia (hoặc cả hai) trước năm 2025.

– Khuyến khích ngành du lịch MICE tại Singapore bắt đầu theo dõi lượng rác thải và khí thải carbon trước năm 2023, nhằm giảm rác thải theo Kế hoạch xanh của Singapore trước năm 2030. Ngoài ra, ngành MICE còn hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, tương ứng với mục tiêu cấp quốc gia của đảo quốc.

Singapore khởi động lộ trình trở thành điểm đến MICE bền vững - Ảnh 2.

Để đạt được những mục tiêu trên, STB và SACEOS đã thành lập Ủy ban Phát triển bền vững ngành MICE (MSComm) vào tháng 8/2022. Thông qua ủy ban, hai bên mong muốn nâng cao nhận thức về các nỗ lực phát triển bền vững và những quy trình thực hành tốt nhất. Từ đó, ủy ban này sẽ thúc đẩy ngành du lịch MICE áp dụng các quy trình thực hành bền vững, đồng thời nâng cao năng lực phát triển bền vững.

Cam kết về tính bền vững được đưa ra trong bối cảnh ngành MICE đang phục hồi mạnh mẽ sau khi Singapore mở cửa trở lại vào tháng 4/2022 và nhu cầu đối với các chuyến công tác bền vững ngày càng tăng. Quan trọng hơn, ngành du lịch MICE đã xác định được vai trò then chốt của mình trong việc giảm tác động tiêu cực từ các sự kiện MICE lên môi trường sống xung quanh.

Tiến sĩ Edward Koh – Giám đốc điều hành bộ phận Hội nghị & Du lịch khen thưởng củaTổng cục Du lịch Singapore kiêm đồng Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững MICE – cho biết: “Các đại biểu tham dự sự kiện và đoàn khách doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều hơn đến môi trường. Điều này thúc đẩy các nhà tổ chức sự kiện chuyển sang những địa điểm ưu tiên tính bền vững. Ngành du lịch MICE của Singapore đang phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nói trên. Do đó, lộ trình phát triển bền vững ngành MICE sẽ cung cấp định hướng và mục tiêu rõ rệt nhằm kích hoạt quá trình chuyển đổi và góp phần giúp Singapore đạt được các mục tiêu phát triển bền vững cấp quốc gia”.

Sukumar Verma – Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận Ngành MICE & Doanh nghiệp của SACEOS kiêm đồng Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững ngành MICE – cho biết: “Trong bối cảnh các sự kiện MICE tiếp tục trở lại mạnh mẽ và mang các cộng đồng đến gần nhau, ngành du lịch MICE cam kết phát triển theo hướng bền vững hơn và giảm tác động của ngành lên môi trường. Nhằm đạt được mục tiêu này, nhiều đơn vị liên quan trong ngành MICE đang kết hợp chặt chẽ và ưu tiên tính bền vững theo phương thức giàu ý nghĩa đối với đề xuất kinh doanh của họ”.

Lộ trình đưa ra ba chiến lược tổng thể nhằm định hướng cho ngành du lịch MICE:

Nâng cao các tiêu chuẩn phát triển bền vững và nỗ lực hướng đến chứng nhận bền vững được quốc tế công nhận, bằng cách: Phát triển một bộ tiêu chuẩn bền vững về rác thải và khí thải carbon cho ngành MICE được công nhận trên toàn quốc trước năm 2023. Xây dựng một bộ phương pháp đo lường nhất quán tập trung vào rác thải và khí thải carbon. Khuyến khích ngành MICE đạt các chứng nhận về tính bền vững được công nhận trên phạm vi quốc tế hay khu vực, hoặc cả hai. Những chứng nhận này bao gồm Chứng nhận ISO 20121: Hệ thống quản lý sự kiện bền vững, Chứng nhận phát triển bền vững ngành MICE (MSC) và Chương trình chứng nhận Green Mark. Hỗ trợ các doanh nghiệp MICE áp dụng các sáng kiến về phát triển bền vững, thông qua các khoản tài trợ của Tổng cục Du lịch Singapore, chẳng hạn như Quỹ cải tiến doanh nghiệp (BIF) và Đào tạo chuyên gia ngành du lịch (TIP-iT). Qua đó, các doanh nghiệp này có thể cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh.

Xác định, thử nghiệm, áp dụng các giải pháp bền vững sáng tạo và có khả năng mở rộng, thông qua: Xác định những khó khăn đang cản trở việc áp dụng yếu tố bền vững và khả năng hợp tác với các nhà cung cấp công nghệ sáng tạo. Theo đó, các thách thức có thể được giải quyết và các mô hình thí điểm trong ngành sẽ được đồng phát triển. Thông qua chương trình Thúc đẩy phát triển du lịch Singapore để giảm rác thải và lượng khí thải carbon từ các triển lãm và lập kế hoạch tổ chức sự kiện bền vững. Tham gia vào Sáng kiến quản lý nền kinh tế xanh (GERI). Đây là nền tảng dành cho các cơ quan quản lý để hỗ trợ việc thử nghiệm các ý tưởng mới, đồng thời phát triển những trải nghiệm sáng tạo và bền vững. Theo đó, các trải nghiệm này sẽ đóng góp cho nền kinh tế xanh của Singapore. STB hiện là đối tác của nền tảng này.

Nâng cao nhận thức về các giải pháp phát triển bền vững và quy trình ứng dụng đầu ngành, thông qua: Tiến hành đào tạo về phát triển bền vững nửa năm một lần cho ngành MICE, đồng thời biên soạn các tùy chọn đào tạo bền vững khác để doanh nghiệp và cá nhân trong ngành dễ dàng đăng ký tham gia. Rút ra bài học bổ ích từ các tài nguyên về tư duy lãnh đạo, như những xu hướng chính của các cuộc hội họp và sự kiện xanh từ sách trắng của STB và Amex GBT. Ngoài ra, nguồn tài nguyên này còn bao gồm Bộ chương trình bền vững “The Time is Now” của STB và Hiệp hội Quản lý hội nghị chuyên nghiệp. Đây là bộ tài liệu phác thảo các bí quyết và khuôn mẫu cho việc lập kế hoạch tổ chức sự kiện. Tham gia các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng. Một trong những chương trình đó là chương trình Chứng chỉ chuyên gia tổ chức sự kiện bền vững (SEPC) của Hội đồng ngành tổ chức sự kiện (EIC). Đây là chương trình giúp người tham gia hiểu rõ giá trị kinh doanh của tính bền vững. Trao đổi các quy trình ứng dụng tốt nhất với những địa điểm MICE hàng đầu khác đã tham gia vào Chỉ số phát triển bền vững cho các điểm đến toàn cầu (GDS-I). Đây là chỉ số đo lường hiệu suất về mặt xã hội và môi trường của một điểm đến. Khuyến khích các doanh nghiệp kết hợp trải nghiệm giải trí bền vững trong hành trình của các nhóm MICE, thông qua chương trình tăng thưởng INSPIRE Global 2.0 của STB. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được khuyến khích phối hợp với các đối tác du lịch của STB thông qua chương trình ưu đãi SMAP để thúc đẩy du lịch MICE bền vững.

Lộ trình Phát triển Bền vững ngành MICE đã được công bố tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sands – địa điểm MICE trung hòa Carbon đầu tiên tại Singapore. Lộ trình được ra mắt trong khuôn khổ quan hệ hợp tác với Climate Impact X và Unearthed Productions nhằm đảm bảo sự kiện diễn ra theo hướng ít phát thải Carbon và rác thải.

VTV

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]