Tình hình kinh tế Singapore Quý I/2021

33779

Tính đến 30/3/2021, Singapore có tổng số 60.321 trường hợp nhiễm Covid, đa số đã khỏi, 30 trường hợp tử vong và còn 160 ca đang điều trị. Các ca này đều nhẹ, trong đó 39 ca nằm viện và 121 ca nằm tại các cơ sở cách ly cộng đồng. Trong tuần qua, Singapore lại phát hiện 2 ca lây nhiễm cộng đồng, không xác định được nguồn lây.

Trong Quý I/2021, kinh tế Singapore tiếp tục xu hướng phục hồi nhẹ (1%), tuy nhiên, tốc độ có chiều hướng giảm so với giai đoạn Quý III, IV/2020. Bộ Công Thương Singapore và Cơ quan tiền tệ Singapore tiếp tục giữ mức dự báo tăng trưởng 2021 từ 4-6% (so với mức suy thoái -5.8% hồi năm 2020). Tuy nhiên, các cơ quan này cũng cho rằng trong 6 tháng đầu năm 2021, đà khôi phục tăng trưởng của Singapore sẽ gặp nhiều khó khăn vì hầu hết các đối tác chính của Singapore đều vẫn bị tác động nặng do Covid 19 tiếp tục bùng phát. Sản lượng công nghiệp – động lực chính của tăng trưởng Singapore – vì vậy sẽ khó giữ mức cao như cuối năm 2020. Bản thân tiêu dùng nội địa của Singapore, sau giai đoạn “bùng phát” sau giai đoạn cách ly xã hội, đến nay, cũng có dấu hiệu giảm nhiệt rõ rệt. Chỉ số PMI Quý I mặc dù vẫn giữ mức trên 50 điểm nhưng có sự suy giảm qua từng tháng (50.7, 50.5, 50.4); PMI lĩnh vực điện tử cũng suy giảm nhẹ từ 51.0 còn 50.8. Xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Singapore cũng tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ năm 2020 (-6.44%); và so với tháng liền kề trước cũng sụt giảm tới -6.9%. Lạm phát cơ bản của Singapore lần đầu tăng sau 1 năm ở mức dưới 0 (0.7%), chủ yếu do sự tăng giá của thực phẩm và một số dịch vụ như giao thông, tiền học thêm, phí bảo hiểm, tiền thuê nhà… Dự báo lạm phát sẽ còn tăng trong những tháng tới do giá dầu tăng và do các yếu tố chu kỳ (tắc nghẽn vận chuyển, giá lao động cao do đóng cửa biên giới…) và do các yếu tố cơ cấu (chuyển dịch chuỗi cung cầu sản xuất từ Trung Quốc). Vì vậy, đồng đôla Singapore cũng được dự báo sẽ có khả năng xuống giá trong thời gian tới do Cơ quan tiền tệ Singapore chủ yếu chỉ sử dụng công cụ tiền tệ chứ không sử dụng lãi suất để điều chỉnh tỷ giá.

Chịu tác động bởi tốc độ phục hồi của nền kinh tế, thị trường lao động của Singapore trong Quý I/2021 cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc, dù rằng mức độ có sự khác biệt giữa các ngành nghề. Ngành tài chính và bảo hiểm và thông tin, truyền thông giữ mức tăng trưởng dương. Khu vực sản xuất tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, trong đó các ngành y sinh, cơ khí chính xác, hóa chất giữ mức tăng trưởng tốt trong khí đó thực phẩm chế biến và cơ khi giao thông có sự suy giảm. Ngành xây dựng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhanh trong Quý I, ngành lưu trú, ăn uống, giải trí nhờ các biện pháp kích cầu nội địa mạnh của Cơ quan du lịch Singapore cũng bắt đầu có sự hồi phục nhẹ. Lĩnh vực vận tải hàng không vẫn tiếp tục đà suy thoái do chưa có dấu hiệu mở cửa các đường bay.

Singapore đã khởi động chương trình tiêm chủng toàn quốc thông qua hệ thống y tế công: Singapore đã nhận lô vac-xin đầu tiên từ ngày 21/12/2020, là nước đầu tiên của của Châu Á tiếp nhận vac-xin Pfizer-BioNTech. Sau đó, 40 nhân viên y tế của Trung tâm các bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore, bao gồm cả giám đốc Leo Yee Sin là những người đầu tiên tiêm chủng vac-xin. Sáng ngày 8/1/2021 Thủ tướng Lý Hiển Long đã tiêm chủng vac-xin ngừa Covid-19, đánh dấu mốc bắt đầu chương trình tiêm chủng toàn quốc thông qua hệ thống y tế công. Loại vac-xin được sử dụng là của Pfizer-BioNTech, yêu cầu phải tiêm 02 liều, liều tiêm chủng lần hai sẽ được thực hiện sau 21 ngày kể từ lần tiêm chủng thứ nhất.

Đến cuối tháng 3/2021, Singapore cơ bản đã thực hiện tiêm ngừa xong cho nhóm tuổi trên 70 và từ đầu tháng 4/2021, sẽ đẩy nhanh quá trình tiêm chủng cho các độ tuổi thấp hơn. Dự kiến, đến tháng 8/2021, Singapore có thể hoàn tất chương trình tiêm ngừa Covid toàn dân, kể cả người nước ngoài có thẻ cư trú dài hạn. Singapore kỳ vọng, khi hoàn tất Covid, vận tải hàng không, các hoạt động sự kiện đông người và du lịch cá nhân có thể hoạt động lại bình thường trong nửa cuối năm 2021.

Từ 5/4/2021, Singapore sẽ nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội trong điều kiện Covid, theo đó, số lượng lao động được làm việc tại địa điểm làm việc sẽ nâng lên 75% tổng mức nhân công (từ 50% hiện nay). Tuy nhiên, các hoạt động hội họp theo nhóm tại nơi làm việc vẫn được ấn định không quá 8 người. Hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thảo dự kiến sẽ hoạt động trở lại với việc nới lỏng quy định về số lượng người tham gia: 250 người nếu không muốn đăng ký test Covid, và 750 người nếu có test Covid. Mặc dù quy định nới lỏng, nhưng việc triển khai thực tế cũng khiến các doanh nghiệp băn khoăn vì tương đối khó khả thi: quy định test Covid nếu muốn tổ chức sự kiện lớn; quy định tiếp tục phân khu vực và đảm bảo giãn cách, không “giao lưu” giữa các khu vực…

 

Để chuẩn bị tình trạng bình thường mới và mở cửa xã hội giai đoạn 4, Singapore vừa triển khai hệ thống SafeEntry mới, đơn giản chỉ cần quẹt điện thoại hoặc token. Văn phòng Quốc gia thông minh và Chính phủ điện tử Singapore cũng cho ra mắt ứng dụng TraceTogether và token TraceTogether mới, sử dụng tại các khu vực công cộng đông người như siêu thị, cửa hàng lớn, rạp chiếu phim, bệnh viện và các trung tâm hội nghị, hội thảo có sức chứa trên 100 người. Các ứng dụng này sử dụng mã QR và số thẻ căn cước công dân để đăng ký. Chính phủ dự định sẽ áp dụng cho tất cả các địa điểm tụ tập đông người kể từ ngày 19/4 tới đây.

Nhờ các nỗ lực kiểm soát Covid thành công của Chính phủ, trong thăm dò  mới đây do EDB tiến hành hồi cuối tháng 3/2021, các doanh nghiệp Singapore thể hiện sự kỳ vọng và lạc quan và tin tưởng rằng chương trình tiêm phòng Covid 19 sẽ sớm mang lại kết quả; các hoạt động giao thương sẽ dần trở lại bình thường từ Quý III/2021. Thăm dò cho thấy 32% số doanh nghiệp Singapore tin tưởng rằng tình hình kinh doanh sẽ sáng sủa hơn so với cùng kỳ năm 2020, khi đó 56% số doanh nghiệp được hỏi bi quan về triển vọng kinh doanh.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]