Xu hướng ngành công nghiệp giải quyết tranh chấp của Singapore

70937

Năm 2019, Trung tâm trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) thụ lý và xử lý số vụ tranh chấp đạt kỷ lục, 479 vụ mới với tổng giá trị các vụ tranh chấp khoảng 8,09 tỷ USD, tương đương 11 tỷ SGD, tăng 14,6% so với năm 2018, đến từ các đối tác thuộc 59 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ và các quốc gia khu vực ASEAN, có thể chế chính trị và văn hoá rất khác nhau, chủ yếu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Switzerland, Anh và Hong Kong, chiếm 87% số vụ tranh chấp tại SIAC. SIAC thụ lý, giải quyết độc lập 454/479 vụ tranh chấp, từ khâu logistics đến việc bổ nhiệm các trọng tài và quản lý, theo dõi vụ tranh chấp từ đầu đến khi kết thúc; 25/479 vụ còn lại, SIAC chỉ bổ nhiệm trọng tài và các vấn đề khác do các bên đệ đơn tự giải quyết. Số lượng các vụ tranh chấp mà SIAC giải quyết trọn gói tăng cao kỷ lục và chiếm tỷ trọng lớn chứng tỏ SIAC ngày càng chuyên nghiệp và có trình độ cao trong cung cấp dịch vụ pháp lý.

SIAC được xem gà đẻ trứng vàng trong ngành công nghiệp pháp lý của Singapore. Đây là năm thứ 2 liên tiếp SIAC chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các vụ tranh chấp trên phạm vi quốc tế tìm đến SIAC. So với năm 2015, số vụ SIAC thu lý và giải quyết tăng 76% (từ 271 vụ). Không có bất kỳ trung tâm trọng tài nào trên thế giới có mức tăng trưởng hai con số về số vụ tranh chấp thụ lý và giải quyết như SIAC.

Lý giải nguyên nhân về thành tựu mà SIAC đạt được trong vài năm gần đây, Trưởng khoa Luật Đại học Quốc gia Singapore Simon Chesterman cho biết: đầu tư tương xứng của Singapore vào cơ chế trọng tài gần 30 năm trước đây đã đặt nền tảng cho thành công của SIAC ngày nay. Ông Dharmendra Yadav, cố vấn tại ChangAroth Chamber, nói rằng, thành tựu của SIAC là nỗ lực không mệt mỏi của toàn bộ các cổ đông và thành viên liên quan trong việc xây dựng Singapore trở thành trung tâm pháp lý khu vực, đặc biệt là trong giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp pháp lý của Singapore cũng đang phải đối mặt với một số thách thức không nhỏ. Mức tăng trưởng cao nêu trên có thể nằm trong chu kỳ ngắn hạn liên quan từng nhóm vấn đề. Thách thức lớn hơn về trung hạn là sụt giảm hoặc gián đoạn của chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu đang định hướng theo hướng rời khu vực châu Á. Vì vậy, Singapore phải chạy nhanh hết mức mới có thể giữ nguyên vị trí, không bị tụt hậu và phải tăng tốc gấp đôi mới có thể phát triển được.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]