Đa dạng sản phẩm
Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu rau của Việt Nam là 26,5 triệu SGD (hơn 15 ngàn tấn), chiếm 2% tỷ trọng nhập khẩu rau của Singapore. Tổng giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam năm 2018 là 11,4 triệu SGD (hơn 7.600 tấn), chiếm 2% tỷ trọng nhập khẩu trái cây của Singapore.
TS. Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cho biết, 5 loại trái cây nhập nhiều nhất vào Singapore gồm thanh long, chanh không hạt, chanh vàng, chuối và hồng xiêm. Trong năm 2018, nhờ sự vận động của Thương vụ, các nhà nhập khẩu Singapore đã bắt đầu nhập khẩu thanh long ruột đỏ, bưởi năm roi, dưa lưới.
“Trong năm 2019, dự kiến sẽ có một số loại trái cây mới của Việt Nam vào được thị trường Singapore như: dứa, nhãn, chanh leo. Thương vụ tại Singapore đang vận động các nhà nhập khẩu Singapore quan tâm hơn nữa đến một số loại trái cây đặc sản mang tính thời vụ của Việt Nam như nhãn Bắc, vải…” – TS. Quỳnh chia sẻ thêm.
Thị trường rau quả của Việt Nam đa dạng là cơ hội để xuất khẩu sang nước ngoài |
Theo. TS Trần Thu Quỳnh, trong chuyến công tác nhằm tìm kiếm nguồn cung tại Lâm Đồng vừa qua, các nhà nhập khẩu Singapore đang hướng đến 18 loại sản phẩm, cụ thể là: cà chua, cà tím, ngô ngọt, mướp đắng, ngồng cải, cải thìa… Ngoài ra, các nhà nhập khẩu rất quan tâm đến các mặt hàng rau hữu cơ và các loại rau đặc sản có giá trị cao của Việt Nam như: ngồng broccoli, măng tây, nấm, artichoke…
Hiện nay, thị phần rau quả của Việt Nam còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, việc tích cực quảng bá các mặt hàng rau của quả của Việt Nam tại Singapore thông qua các hoạt động hội chợ, trình diễn ẩm thực, Thương vụ đã giúp các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Singapore có sự nhận diện rõ nét hơn về sự đa dạng sản phẩm của Việt Nam.
Trần Thu Quỳnh chia sẻ thêm, lãnh đạo Singapore cũng rất quan tâm đến việc đẩy mạnh nhập khẩu rau củ quả từ Việt Nam. Chính Bộ trưởng Công Thương Singapore đã nêu đề xuất tại Hội nghị kết nối 2 nền kinh tế vào tháng 3/2019 về việc mở thêm đường bay trực tiếp giữa hai nước nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại trong lĩnh vực tiềm năng này (cụ thể là đường bay giữa Singapore – Lâm Đồng và Singapore – Cần Thơ). Triển vọng có thêm một số cảng nước sâu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đang tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam.
Nâng cao chất lượng và độ an toàn của sản phẩm
Ngoài những tiềm năng thuận lợi trên, các DN Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn khi muốn gia nhập và có chỗ đứng cao tại thị trường Singapore. Cụ thể, các sản phẩm nhập vào Singapore phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, nhất là về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo TS. Trần Thu Quỳnh, do chưa có thương hiệu, hoặc không đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, chứng chỉ (HACCP, Global Gap, Organic) nên các sản phẩm rau củ quả của Việt Nam còn khó đưa được vào thị trường. Đối với mặt hàng tiềm năng của Việt Nam như trái vải, do năng lực bảo quản, đóng gói, xử lý tiệt trùng còn yếu, hiện nay phải tiếp cận với thị trường Singapore qua trung gian.
Sản phẩm của Việt Nam cũng có tính tương đồng cao với các sản phẩm trong khu vực nên vừa khó cạnh tranh về giá (Malaysia có lợi thế về khoảng cách địa lý); vừa khó cạnh tranh về thông tin (Thái Lan, Ấn Độ, Philippines có lợi thế về ngôn ngữ nên dễ thuyết phục và giới thiệu sản phẩm).
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam thường ít có kinh nghiệm trong thanh toán quốc tế. Công tác xây dựng trang mạng; thông tin, quảng bá sản phẩm bằng tiếng Anh và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại cũng chưa được chú trọng nên khó thành công trong việc chinh phục thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường có yêu cầu cao như Singapore.
TS. Trần Thu Quỳnh cho biết, các nhà nhập khẩu Singapore cũng nêu mối băn khoăn về sự ổn định nguồn cung và năng lực giữ chữ tín của doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi đối tác nhập khẩu nhưng vẫn lưỡng lự về khả năng đảm bảo chất lượng và nguồn hàng ổn định.
“Vấn đề mức giá cũng là hạn chế lớn của các doanh nghiệp rau củ quả vì quy mô của các trang trại chưa đủ lớn và năng lực sản xuất khó có thể canh tranh được với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất rau củ quả còn thiếu tầm nhìn phát triển thị trường, chưa quan tâm đến cạnh tranh, nâng quy mô và đi ra quốc tế nên còn kém ổn định và kém chủ động hơn doanh nghiệp các nước ASEAN hoạt động trong cùng lĩnh vực”, TS. Quỳnh chia sẻ thêm.
Năm 2018, hàng rau quả của Việt Nam xuất sang 55 thị trường trên thế giới với giá trị đạt 3,8 tỷ USD, tăng trên 47,3% so năm 2017; trong đó ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80%. Các loại quả xuất khẩu chủ yếu là thanh long (chiếm 1,1 tỷ USD); kế đó là chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, măng cụt, sầu riêng. |