Dệt may gấp rút cấu trúc lại sản xuất, nguyên liệu để tận dụng EVFTA

21171
Thông tin Quốc hội sẽ chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) vào 28/5 đang tạo phấn khởi cho doanh nghiệp (DN) dệt may. Dù vậy để khai thác tốt những lợi thế mà Hiệp định này mang lại các DN trong ngành này sẽ phải gấp rút cải tổ rất nhiều từ việc đáp ứng quy tắc xuất xứ cho tới nâng cao công nghệ sản xuất.

Chỉ 30% DN đáp ứng được quy tắc xuất xứ

Ông Phạm Văn Việt – Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans đánh giá, EU là thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may. Hiện thị trường này đang chiếm 30% doanh thu xuất khẩu của công ty. Do đó, EVFTA được thực thi sẽ là cơ hội để đơn vị này mở rộng xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay, công ty cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định trong việc đáp ứng các yêu cầu quy tắc xuất xứ của EVFTA để tận dụng ưu đãi thuế quan. Theo ông Việt, trước đây, nguồn nguyên phụ liệu của công ty được nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì thế nếu tiếp tục nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và Đài Loan, công ty sẽ khó tận dụng được ưu đãi bởi không đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Song nếu chuyển nguồn cung sang các nước có FTA với EU để tận dụng ưu đãi thì DN lại gặp khó khăn về mẫu mã, chất lượng. “Chúng tôi đã xem xét nguyên phụ liệu của Thái Lan nhưng so với Trung Quốc, nguyên phụ liệu của Thái Lan ít đa dạng mẫu mã, chất liệu. Bên cạnh đó, việc vận chuyển cũng khó khăn hơn, chi phí logistics cao, thời gian nhận hàng lâu hơn so với Trung Quốc”, ông Việt chia sẻ.

Giống như Việt Thắng Jeans – đại diện Công ty CP Sản xuất thương mại May Sài Gòn – cho biết, DN sẽ gặp nhiều khó khăn khi hiệp định EVFTA được thực thi. Nguyên nhân là do, công ty phụ thuộc vào vải nhập khẩu từ Trung Quốc, điều này có nghĩa là công ty không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ khâu vải trở đi của EVFTA. Trong khi đó, 40% doanh thu xuất khẩu của DN này đến từ thị trường EU.

Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh – cho biết, các DN dệt may đều mong chờ hiệp định EVFTA được thực thi, do EU là thị trường nhập khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 của Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được những ưu đãi về thuế quan từ hiệp định này, các DN cần đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Theo ông Hồng, hiện nay, chỉ có khoảng 30% DN đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ để hưởng ưu đãi. Đây là những DN sử dụng nguồn nguyên phụ liệu được sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu từ những nước thuộc khu vực ASEAN, có ký kết các hiệp định thương mại với EU, trong khi có tới 70% nguồn nguyên phụ liệu là nhập từ Trung Quốc là chưa đáp ứng được. Do đó, việc đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi là rất khó khăn. Bên cạnh đó, EU còn là thị trường rất khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng, với các quy định nghiêm ngặt về lao động, môi trường… mà không phải DN Việt Nam nào cũng có thể đáp ứng được.

Chủ động thay đổi

Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, để tận dụng được những ưu đãi về thuế quan DN cần phải chủ động kết nối với khách hàng mạnh hơn. Lý giải về điều này, ông Hồng cho biết, nhiều DN khi nhập hàng vào châu Âu thường phải qua một đơn vị thứ 3 (có thể là nước khác hoặc thị trường châu Âu). Những DN này sẽ có sự am hiểu lớn về thị trường châu Âu, cũng như biết cách tận dụng những ưu đãi về xuất xứ. Khi DN Việt kết nối tốt với khách hàng, việc mở rộng xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn. Về lâu dài, nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các DN đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải chọn lọc và ưu tiên những DN chỉ phát triển về nguồn nguyên phụ liệu.

Còn theo ông Hoàng Hữu Chương – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH May Nguyễn Hoàng, để giải quyết vấn đề về xuất xứ thì rõ ràng là phải có định hướng đầu tư. Tuy nhiên, để đầu tư vào vải và sợi đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại. Vì thế trong ngắn hạn, DN phải tập trung vào khâu thiết kế để tìm ra nguồn nguyên liệu nào phù hợp ở Việt Nam. Về dài hạn, phải có chính sách hỗ trợ, về tài chính, đất đai, chính sách của nhà nước để các DN đầu tư vào nguồn nguyên phụ liệu, xây dựng được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.

Ông Phạm Văn Việt – Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans:
Các DN phải đầu tư công nghệ cao, các dây chuyền sản xuất mới, hiện đại, để đáp ứng các yêu cầu sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Và DN sẽ mất khoảng 3 năm để đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, cùng việc phát triển nguồn nguyên phụ liệu, hoàn thiện chuỗi cung ứng dệt may để có thể hưởng lợi từ hiệp định EVFTA này.

Kim Ngân

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]