Hàng Việt củng cố nội lực đón “sóng” từ các FTA

20772
Sắp tới, khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi, hàng hóa từ thị trường này sẽ vào Việt Nam với thuế suất 0%. 

Như vậy, cùng với các FTA khác, EVFTA sẽ tạo thách thức lớn, buộc doanh nghiệp (DN) nội phải cơ cấu lại chuỗi sản xuất, hàng hóa để sản phẩm có sức cạnh tranh ngay tại nội địa.
Sức ép hội nhập
Trước EVFTA, Việt Nam đã có rất nhiều FTA được ký kết và đi vào thực thi, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)… Như vậy, hàng tiêu dùng, dệt may, thủy sản… của các nước FTA với Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập vào nước ta với thuế suất bằng 0 – tạo sức ép cạnh tranh lớn cho DN, sản phẩm Việt ngay trên sân nhà.
Các thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy, giá trị nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi (thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt) của Việt Nam đạt vào khoảng 1,36 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2019. Các nước có lượng thịt nhập vào Việt Nam nhiều nhất là Úc, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan và Canada. Những sản phẩm Việt Nam nhập nhiều gồm trâu, bò sống, thịt bò đông lạnh, thịt gà và phụ phẩm sau giết mổ của gà đông lạnh, thịt heo…
Tương tự với nông sản, theo thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 376,9 triệu USD rau hoa quả từ các thị trường Thái Lan, Trung Quốc, New Zealand, Myanmar, Mỹ, Hàn Quốc, Nam Phi… Dù kim ngạch nhập khẩu giảm 42%, song đây chỉ là tác động trong ngắn hạn do dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới, khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn.
Việc trái cây ngoại ngày càng phổ biến tại Việt Nam, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây là điều tất yếu khi mở cửa. Cộng thêm, trái cây ngoại có mẫu mã đẹp, chất lượng được cam kết theo tiêu chuẩn toàn cầu, nên được một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt ưa chuộng.
Cùng với các sản phẩm trên, hàng thời trang ngoại như Zara, Topshop, H&M, Uniqlo… đã dồn dập tấn công thị trường Việt mấy năm nay. Thậm chí, vào giữa tháng 5-2020, dù đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nhà bán lẻ thời trang của Nhật Bản là Uniqlo (Nhật Bản) vẫn đưa vào vận hành cửa hàng thứ 3 tại TPHCM và dự kiến sẽ mở thêm cửa hàng nữa vào đầu tháng 6 tới.
Cải tổ để cạnh tranh
Các chuyên gia đánh giá, cạnh tranh là có thật và sức ép cạnh tranh tại thị trường nội địa sẽ ngày càng gay gắt hơn. Chính vì vậy, các DN nội đang ngày một nâng cao sức cạnh tranh qua việc cải tổ sản xuất, chế biến để tăng chất lượng và hạ giá thành cho sản phẩm. Cụ thể như Vina T&T, từ tháng 8-2019 đã tiến hành mở chuỗi cửa hàng phân phối đưa những sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu tiêu thụ tại thị trường nội địa. Tới nay, các cửa hàng đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T, từ lâu người tiêu dùng trong nước luôn lo lắng về chất lượng trái cây Việt khi bán trong nước không đạt tiêu chuẩn an toàn. Thì nay, với chuỗi cửa hàng được mở trong nước, Vina T&T mong muốn người tiêu dùng có một địa chỉ để mua trái cây chất lượng.
Trong lĩnh vực thực phẩm, để cạnh tranh với làn sóng thịt ngoại tràn vào thị trường, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, cho biết DN đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, với trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao quy mô 18ha, tổng đàn một triệu con và nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại Bình Dương; nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha, công suất 185.000 trứng/giờ tại TPHCM; nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 5ha, công suất 50 tấn/ngày tại Long An…
Trong đó, riêng sản phẩm trứng gia cầm, trung bình mỗi ngày, Công ty Ba Huân cung ứng ra thị trường 600 ngàn – 1 triệu quả trứng. Cũng theo ông Hùng, trong đợt dịch vừa qua, khi kênh phân phối truyền thống bị sụt giảm mạnh, DN đã lập tức chuyển đổi bán online, nhờ vậy mới “trụ” được trong suốt mùa dịch.
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, bên cạnh những DN nhỏ chưa có thương hiệu và vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trên sân nhà, thì vẫn có không ít thương hiệu tên tuổi, tạo dựng được chỗ đứng vững chắc. Đơn cử, ở ngành hàng sữa, nhiều thương hiệu sữa Việt Nam như Vinamilk, Nutifood, Lothamilk, TH True Milk vẫn chiếm được những vị thế nhất định trên thị trường.
Các DN này không ngừng tìm tòi, sáng tạo cho ra thị trường những sản phẩm mới hợp thị hiếu, hợp thời cho người Việt. Với nhóm hàng thời trang, các tên tuổi như Việt Tiến, An Phước, May 28… cũng có chiến lược mở rộng mạng lưới để gia tăng thị phần. Với thực phẩm, các thương hiệu lớn như VISSAN, Ba Huân, Saigon Food, Vinamit, Vina Cafe… đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, để cạnh tranh hiệu quả với hàng ngoại nhập cũng như hàng của các tập đoàn, công ty đa quốc gia ở thị trường nội địa, DN Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục nỗ lực phát triển theo các tiêu chuẩn hội nhập, minh bạch thông tin nguồn gốc – xuất xứ; không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

NGỌC THÙY

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]