Ngày thứ 6, 9/4/2021 vừa qua, Bộ Công Thương Singapore (MTI) đã ra thông cáo báo chí, công bố Singapore đã chính thức phê chuẩn RCEP và gửi tài liệu phê chuẩn RCEP lên Tổng thư ký ASEAN trong cùng ngày. Theo đó, Singapore trở thành quốc gia đầu tiên hoàn thành thủ tục chính thức phê chuẩn RCEP (Trung Quốc và Thái Lan mới thông qua quy trình nội bộ; Nội các Nhật mới thông qua dự luật để phê chuẩn) sau khi Hiệp định này được các bên ký thông qua vào ngày 15/11/2020. Bộ trưởng MTI Chan Chun Sing phát biểu khẳng định, quyết định sớm phê chuẩn RCEP của Singapore là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ thúc đẩy kết nối thương mại và kinh tế của Singapore với các quốc gia đối tác nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Singapore. RCEP là hiệp định FTA quan trọng bổ sung vào mạng lưới trên 20 FTA song phương và đa phương mà Singapore đã ký kết. RCEP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, sau 60 ngày khi ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 3 quốc gia thành viên khác chính thức phê chuẩn và nộp tài liệu phê chuẩn lên Tổng thư ký ASEAN.
Theo tài liệu MTI công bố, doanh nghiệp Singapore sẽ được hưởng lợi từ RCEP trên các lĩnh vực: (i) Thương mại hàng hoá: thuế sẽ được giảm đối với 92% hàng hoá dịch chuyển giữa các nước thành viên; tiếp cận ưu đãi sẽ được thực hiện với một số hàng hoá cụ thể gồm nhiên liệu khoáng, nhựa, sản phẩm hoá chất khác, thực phẩm chế biến và đồ uống tại một số thị trường như Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc; (ii) Các biện pháp phi thuế quan (NTMs): giảm thiểu các chi phí giao dịch thương mại cho doanh nghiệp; (iii) Quy tắc xuất xứ: Chuẩn hoá các thủ tục với độ linh hoạt lớn hơn nhằm gia tăng lợi thế tiếp cận thị trường; các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các chuỗi cung ứng khu vực; (iv) Thủ tục thuế quan và thúc đẩy thương mại: Đơn giản hoá thủ tục để nâng cao hiệu quả thông quan hàng hoá; (v) Thương mại dịch vụ: Khoảng 65% lĩnh vực dịch vụ sẽ mở cửa hoàn toàn cho nhà đầu tư nước ngoài gồm dịch vụ chuyên môn, viễn thông, tài chính, máy tính và dịch vụ liên quan máy tính, dịch vụ phân phối và logistics; (vi) Đầu tư: Giảm thiểu các quy định ràng buộc nhà đầu nước ngoài và hạn chế việc khôi phục các biện pháp nhắm tới nhà đầu tư; (vii) Thương mại điện tử: Môi trường thương mại điện tử thuận lợi và dễ tiếp cận hơn cho doanh nghiệp; (viii) Sở hữu trí tuệ (IP): Các doanh nghiệp sẽ được bảo vệ tốt hơn trong thị trường RCEP, gồm cả các nhãn mác phi truyền thống như mác âm thanh, thiết kế công nghiệp; (ix) Cạnh tranh: Các doanh nghiệp được bảo vệ trước các hoạt động chống cạnh tranh thông qua các chế định luật cạnh tranh và các hoạt động thực thi luật xuyên biên giới; (x) Mua sắm Chính phủ: Lĩnh vực mới không có trong các FTA hiện hành, sẽ ngày càng minh bạch thông qua việc ban hành các luật, quy định pháp lý và trình tự thủ tục.