Chuyên gia nước ngoài ‘mách nước’ người thua trong cuộc chơi EVFTA

21515

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ mang đến nhiều đổi thay, nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ phải thay đổi và một số không thể tồn tại.

Tiến sĩ John Walsh – Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam có cuộc trao đổi với TG&VN về những cơ hội, thách thức và lời khuyên đối với DN khi EVFTA có hiệu lực.

Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết mạnh mẽ nhất của cả hai bên. Ngoài thuế quan, ông có thể nói rõ hơn về những lợi ích của EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam?

EVFTA mang lại một số lợi ích rõ ràng. Người tiêu dùng sẽ đón nhận nhiều loại sản phẩm rẻ hơn do được miễn giảm thuế quan. Chất lượng cuộc sống nhờ đó mà được cải thiện, đặc biệt đối với tầng lớp trung lưu ở các khu vực thành thị. Một số sản phẩm được miễn giảm thuế quan là hàng hóa trung gian, sẽ được lắp ráp và tái xuất khẩu sau đó. Việt Nam đã tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng và chi phí giảm sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh mới cho đất nước trong các chuỗi cung ứng đó.

Ngoài ra, một điểm quan trọng nữa là nền kinh tế có thể thu hút thêm các khoản đầu tư – đã có một số dự đoán cho thấy đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể ngay khi nguy cơ từ đại dịch Covid-19 giảm xuống.

Ông nhận định thế nào về vị thế của Việt Nam sau khi ký kết EVFTA?

Chúng ta đều biết các quốc gia ASEAN đang cạnh tranh khá quyết liệt với nhau cũng như với các quốc gia khác trên thế giới. Việc ký kết EVFTA không chỉ nâng cao vị thế kinh tế cho Việt Nam mà cả vị thế chính trị nữa. Các quốc gia khác sẽ tìm cách “cạnh tranh” với Việt Nam bằng cách ký kết các thỏa thuận tương tự trên cơ sở cân nhắc các điều khoản mà Việt Nam đã ký.

Còn thách thức thì sao, thưa ông?

Các FTA về bản chất thường không đối xứng. Dù các thỏa thuận này nhìn chung hứa hẹn rằng các bên sẽ cùng có lợi, nhưng điều đó không có nghĩa là lợi ích sẽ luôn được chia đều. Đồng thời, sẽ có nhiều thay đổi xảy ra và không phải mọi thay đổi này đều tốt cho các bên liên quan hay luôn được đón nhận một cách nhiệt tình. Rất nhiều DN sẽ phải thay đổi và một số sẽ không thể tồn tại. Và điều không tránh khỏi là sẽ có người thắng và kẻ thua trong quá trình này.

Người thắng thì đương nhiên là tốt. Nhưng đối với người có thể thua cuộc thì vai trò của Chính phủ là rất quan trọng, thông qua các biện pháp hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng, cũng như tạo ra cơ hội mới cho những ai có khả năng tận dụng chúng. Với những người không thể chuyển đổi công việc, họ cũng cần Chính phủ hỗ trợ.

Về tổng thể, EVFTA chắn chắn sẽ mang lại lợi ích nhưng Chính phủ cần lường trước rằng các tác động sẽ không phân bổ đồng đều cho mọi thành phần trong xã hội. Lấy ví dụ từ một FTA được nhiều người biết đến như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Nhiều người xem Hiệp định là sự thua thiệt với Mỹ vì Chính phủ có vẻ đã không quan tâm đầy đủ đến việc cung cấp việc làm thay thế cho những người bị mất việc.

Trong bối cảnh xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường truyền thống như Trung Quốc và Mỹ, theo ông, EVFTA có hiệu lực sẽ có ý nghĩa như thế nào?

Nhiều người có xu hướng gọi Trung Quốc và Mỹ là các “thị trường truyền thống”, như thể các quốc gia này đã và sẽ luôn giữ “vị trí áp đảo” trong nền kinh tế Việt Nam. Trên thực tế, hoạt động thương mại với các quốc gia này dù quan trọng nhưng cũng cần phân tích kỹ và cân nhắc các lựa chọn đa dạng hóa trị trường, tránh dồn hết trứng vào một giỏ.

Dù Trung Quốc và Mỹ nắm giữ tỷ trọng quan trọng trong tổng kim ngạch thương mại với Việt Nam nhưng phần lớn thương mại với hai nước này chỉ bao gồm sản phẩm thô hoặc sơ cấp, đặc biệt là thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc giá cả gặp nhiều biến động và phần lớn giá trị sản phẩm sẽ nằm ở giai đoạn khác trong chuỗi giá trị. Vì vậy, rất cần phải đa dạng hóa thị trường cho Việt Nam cả trong ngắn và dài hạn.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của EVFTA đối với các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, nông-thủy sản?

chuyen gia nuoc ngoai mach nuoc nguoi thua trong cuoc choi evfta

Các lĩnh vực nòng cốt hiện nay của nền kinh tế như dệt may, nông nghiệp… sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong nhiều năm nữa và sẽ có dư địa để phát triển, đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Chẳng hạn, việc kết hợp giữa đầu tư tư nhân (trong đó có đầu tư nước ngoài) và hỗ trợ của Chính phủ đã giúp các công ty hạt điều Việt Nam ra mắt các thương hiệu có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngành sản xuất cà phê cũng đã nhận được sự hỗ trợ tương tự và ngành này có thể thành công hơn nữa nếu nhà sản xuất nắm bắt được rằng người tiêu dùng ở các nước khác trên thế giới đang ưa chuộng cà phê Arabica hơn (loại cà phê phổ biến ở Việt Nam hiện nay là Robusta) và nếu cà phê xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu đó.

Các nhà sản xuất càng nâng cấp sản phẩm (từ sản phẩm thô lên sản phẩm có thương hiệu) thì thu nhập của họ sẽ càng ổn định và sản phẩm của họ sẽ càng phổ biến hơn. Một trong các giải pháp có thể là thể thúc đẩy hơn nữa quá trình mở cửa thị trường trong nước cho các nhà bán lẻ quốc tế – những người có chuyên môn trong việc gắn kết nông dân vào các chuỗi giá trị quốc tế.

Có một thách thức không nhỏ khi DN Việt Nam phải cạnh tranh với những DN có tiềm lực ở một thị trường rất khó tính như EU. Ông có lời khuyên gì đối với DN Việt, đặc biệt là DN vừa và nhỏ để tận dụng được cơ hội cũng như hạn chế được thách thức trước EVFTA?

Như tôi đã nói ở trên, không có gì đảm bảo sẽ chắc chắn thành công. Sẽ có DN phải ngừng hoạt động vì sự dịch chuyển và xáo trộn mà các thay đổi diễn ra. Theo thông lệ kinh doanh, DN nên tìm các đối tác có chuyên môn để quản lý những phần khác nhau của hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, đối với DN Việt Nam muốn xuất khẩu sang châu Âu, họ nên bắt tay với một đối tác châu Âu có chuyên môn về thị trường phân phối và bán lẻ địa phương (giống như các công ty nước ngoài vẫn thường làm khi đến Việt Nam).

Đối với những DN đang đối mặt với gia tăng cạnh tranh ở thị trường nội địa, một số sẽ tiếp tục cố gắng cạnh tranh hoàn toàn bằng chi phí thấp và sẽ có người thành công. Một số có thể tận dụng những lợi ích khác của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam như hiệu ứng lan tỏa về quản lý và công nghệ.

Khi các DN Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài trên quy mô lớn, thường sẽ có DN Nhật Bản khác “đi theo” bằng cách khai trương các nhà hàng, trường học, phòng khám hay siêu thị Nhật Bản.

Khi dần đủ mạnh, các DN Việt Nam có thể làm tương tự.

Hầu hết các ví dụ tôi nêu ra đều đến từ lĩnh vực hàng tiêu dùng, vốn là lĩnh vực quen thuộc hơn với công chúng. Nhưng lĩnh vực hàng tư liệu sản xuất hay hàng công nghiệp cũng vậy. Các DN nước ngoài vào Việt Nam sắp tới sẽ cần nhiều đối tác địa phương có khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn cần thiết. Họ vừa cần đầu tư, vừa cần những người có kỹ năng và kiến thức.

Trong quá trình đó, liệu DN Việt có được “hưởng lợi” chút gì để nâng cao năng lực sản xuất, quản trị và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?

Cơ hội chắc chắn là có. Việt Nam đang trải qua quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng nhưng muộn hơn các nền kinh tế khác. Chúng ta đã thấy Nhật Bản đi từ một nước nghèo lên thành một cường quốc giàu có, tiếp đến là Hàn Quốc, Singapore, sau đó là làn sóng phát triển ở Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.

Việt Nam đang phát triển muộn hơn tất cả những nền kinh tế này. Điều này bao hàm nhiều ý nghĩa. Về mặt tích cực, đất nước và con người Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc quan sát thành công và thất bại của các nền kinh tế đi trước.

Có thể thấy Chính phủ Việt Nam đang lên kế hoạch để tận dụng các cơ hội mới nổi ở Việt Nam (nhưng đã được ghi nhận ở các nước khác) bằng cách tập trung vào thị trường lao động.

Bản thân cơ sở giáo dục của chúng tôi cũng đã và đang tham gia vào quá trình này bằng cách cung cấp các chương trình học về quản lý, chuyển đổi số, thiết kế, thời trang… để giúp xây dựng các sản phẩm và DN có thương hiệu, có khả năng phát triển mạnh mẽ trong môi trường không ngừng đổi thay.

Xin cảm ơn ông!

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]