Singapore và New York đứng đầu danh sách những thành phố có mức sống đắt đỏ nhất thế giới năm 2022 do Cơ quan Thu thập Thông tin Economist (EIU) công bố.
Cơ quan Thu thập Thông tin Economist (EIU) ngày 30/11 công bố báo cáo Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu, cho thấy Singapore và New York cùng xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Tel Aviv, Israel, thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021, năm nay được xếp ở vị trí thứ ba, tiếp sau đó là Hong Kong và Los Angeles.
EIU, thuộc tập đoàn Economist chuyên cung cấp dịch vụ dự đoán và cố vấn qua nghiên cứu và phân tích, trụ sở London, Anh, thực hiện báo cáo này vào tháng 8 và tháng 9 năm nay, dựa trên mức giá trung bình của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ tại 172 thành phố lớn trên toàn cầu.
Singapore từng giữ vị trí số một trong danh sách từ năm 2014 đến 2019, trước khi bị Paris và Tel Aviv soán ngôi vào năm 2020 và 2021. Trong khi đó, đây là lần đầu tiên New York được xếp vị trí đầu danh sách.
Dân số quốc nội và người nước ngoài tăng trong khi diện tích nhỏ được cho là lý do hàng đầu khiến chi phí sinh hoạt tại Singapore luôn ở mức cao. Thành phố này có rất ít tài nguyên thiên nhiên và phải nhập khẩu hầu như toàn bộ thực phẩm. Chi phí để sở hữu, sử dụng ôtô tại Singapore cũng thuộc diện cao nhất thế giới.
EIU cho biết chi phí sinh hoạt tại 172 thành phố được khảo sát tăng trung bình 8,1% trong năm nay, do ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng.
“Tình trạng này cùng việc tăng lãi suất và điều chỉnh tỷ giá hối đoái đã dẫn đến khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn thế giới”, Upasana Dutt, đứng đầu bộ phận ghi nhận chi phí sinh hoạt toàn cầu ở EIU, nói. “Đây là mức tăng mạnh nhất trong 20 năm kể từ khi chúng tôi thu thập dữ liệu”.
Các thành phố lớn ở châu Á có xu hướng không chịu ảnh hưởng nhiều như Singapore, với mức tăng chi phí sinh hoạt trung bình là 4,5%. Tuy nhiên, 6 thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc đều tăng hạng, trong đó Thượng Hải lọt top 20 danh sách.
Vnexpress