Bộ trưởng Tài chính 4 nước: Úc, Singapore, Indonesia và Canada kêu gọi G20 lên tiếng ủng hộ và tìm giải pháp cho hệ thống đa phương toàn cầu đang suy yếu

46175

Ngày 13/9/2019, Josh Frydenberg – Bộ trưởng Ngân khố Australia và Phó lãnh đạo Đảng Tự do, Heng Swee Keat – Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Singapore, Sri Mulyanni Indrawati – Bộ trưởng Tài chính Indonesia và Bill Morneau – Bộ trưởng Tài chính Canada, có bài viết với tiêu đề “Chủ nghĩa đa phương: Một trụ cột góp phần tạo nên sự ổn định kinh tế” đăng tải trên báo Straittimes. Bài viết có nhiều nội dung đáng chú ý và có giá trị tham khảo. Dưới đây là nội dung bản dịch của bài viết.
Kể từ khi hệ thống Bretton Woods (nd: bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF, Ngân hàng Thế giới – WB và chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng đôla Mỹ gắn với vàng) được xác lập và thừa nhận cách đây 70 năm, các quốc gia đã và đang cùng nhau tạo ra “các hàng hoá công cộng toàn cầu” (GPG). Nỗ lực của các quốc gia đã giúp thiết lập hệ thống thương mại quốc tế và hệ thống an toàn tài chính toàn cầu. Đây chính là chủ nghĩa đa phương và là trụ cột mang lại thành công chung cho các quốc gia.
Dòng chảy tự do của thương mại, đầu tư và các ý tưởng đã giúp nhiều người thoát khỏi đói nghèo với kết quả chưa từng thấy trong lịch sử. Tầng lớp trung lưu giàu có và đang tăng lên mang lại nhiều cơ hội để trao đổi hàng hoá, dịch vụ và sự sáng tạo trên bình diện toàn cầu.
Hệ thống đa phương góp phần tạo lập nên an ninh kinh tế và an ninh chính trị cho phép các quốc gia dù nhỏ hay lớn đều có thể phát huy và khai thác các tiềm năng to lớn của mỗi nước.
Là những quốc gia được hưởng lợi từ hệ thống đa phương, các quốc gia hưởng lợi có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ các thể chế mang lại thành công chung về kinh tế cho các quốc gia. Các quốc gia hưởng lợi cần hợp tác với nhau để tăng cường sự đồng thuận trong đối phó với các thách thức toàn cầu.
Ở thời điểm hiện nay, căng thẳng thương mại leo thang là thách thức nghiêm trọng. Mặc dù các quốc gia hưởng lợi hiểu rằng có nhiều vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết song các nguy cơ gây ra những tổn thất không lường trước được ngày càng tăng lên.
Sự bất ổn và khó đoán định về viễn cảnh tương lai đang góp phần gây ra sự sụt giảm trong thương mại và hoạt động sản xuất. Các quốc gia đã chứng kiến sự đảo chiều bốc hơi thị trường tài chính, sự bất ổn tiền tệ và các dòng chảy vốn đầu tư suy giảm tại các nền kinh tế đang nổi. Các điều kiện thương mại toàn cầu xấu đi đang tác động, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư, hoạt động đầu tư kinh doanh và sản xuất. Tăng trưởng đã giảm và nhiều khả năng còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) tiếp tục điều chỉnh hạ thấp các dự báo tăng trưởng kinh tế.
Về mặt tập thể, các quốc gia hưởng lợi cần có các biện pháp và hành động để thay đổi tình hình nêu trên. Các quốc gia hưởng lợi cần phải bảo vệ hệ thống đa phương dựa trên các luật lệ. Mặc dù tôn trọng các ưu tiên riêng của từng quốc gia song các quốc gia hưởng lợi cần nhận thức rõ ràng rằng bảo vệ các thị trường mở và tự do sẽ đảm bảo mang lại tăng trưởng và sự thịnh vượng tốt hơn cho toàn bộ các quốc gia.
Các quốc gia hưởng lợi không nên liều mình với chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Đối đầu trong đàm phán sẽ chỉ làm thổi bùng lên các nguy cơ thách thức, làm xói mòn niềm tin và làm giảm khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Sự nhượng bộ là chìa khoá mang lại kết quả các bên đều thắng, cùng với niềm tin rằng phía đối tác cũng đang tuân thủ các quy tắc và luật lệ đã được thống nhất.
Chủ nghĩa đa phương dựa trên các nguyên tắc căn bản gồm: không phân biệt đối xử, khả năng có thể dự báo và minh bạch. Các quốc gia hưởng lợi tuân thủ các nguyên tắc này bởi vì các quốc gia biết rõ tính hiệu quả của các nguyên tắc.
Năm 2008, các nhà lãnh đạo kinh tế trên toàn thế giới – đặc biệt là các nền kinh tế G20 – hợp tác cùng nhau để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo thế giới đã có các hành động quyết đoán và có tính điều phối nhằm thúc đẩy tiểu dùng và tăng cường niềm tin kinh doanh cũng như hỗ trợ giai đoạn ban đầu của sự phục hồi kinh tế. Và G20 nỗ lực không mệt mỏi để tiến hành các cải cách cần thiết nhằm thúc đẩy sự ổn định tài chính thông qua các quy định và cơ chế giám sát mạnh mẽ và có sự điều phối tốt hơn.
Gần đây, các nhà lãnh đạo G20 đã giải quyết mối lo ngại ngày càng tăng về việc tránh thuế của doanh nghiệp. Vào tháng 11/2015, các nhà lãnh đạo G20 nhất trí thông qua chiến lược đảm bảo rằng các lợi nhuận đa quốc gia bị đánh thuế tại quốc gia mà hoạt động kinh tế diễn ra. Sự đồng thuận này minh chứng cho cam kết về đối xử công bằng, minh bạch và có sự giám sát đối với vấn đề phức tạp xuyên biên giới.
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, cơ chế lãnh đạo và hợp tác nêu trên đây của các nhà lãnh đạo thế giới vào năm 2008 là rất cần thiết.
G20 là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo toàn cầu nhất trí về các giải pháp đối với các khó khăn thách thức chung. Diễn đàn G20 tuy nhỏ song có trọng lượng và đủ lớn để có tiếng nói đại diện cho toàn thế giới, vì vậy G20 là cơ hội cho sự nhượng bộ và tiến triển tích cực.
Tuy nhiên, có một số lo ngại có cơ sở rằng hệ thống đa phương đang chật vật giải quyết và đối phó với những vấn đề phức tạp trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Các quốc gia hưởng lợi phải hợp tác với nhau để tìm ra các giải pháp mạnh mẽ. Một số giải pháp đang được thúc đẩy bao gồm: kiểm tra, đánh giá khách quan và nghiêm túc về hệ thống thương mại; cải cách các thể chế đa phương; và phát triển hiệp định đa phương về thuế kỹ thuật số.
Những giải pháp nêu trên đây là những vấn đề độc lập nhau song cần phải được thúc đẩy tiến hành theo cùng một cách thức: thông qua đối thoại đa phương và xây dựng sự đồng thuận. Và bằng cách này, các quốc gia sẽ giảm thiểu được những nhân tố hoặc xung lực là nguyên nhân dẫn tới các hành động đơn phương và tăng cường sự tôn trọng đối với các quy tắc và luật lệ quốc tế.
Các quốc gia chủ tịch G20 tới đây, Saudi Arabia, Italy và Ấn Độ sẽ có cơ hội và nhiệm vụ quan trọng để thiết lập định hướng chiến lược cho G20 trong vòng 3 năm tới đây.
G20 phải tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại mở và mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu để các hệ thống này có thể đứng vững trong thời kỳ khủng hoảng. Những tiến triển tích cực cũng có thể đạt được trong các vấn đề như đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng phó thảm hoạ thiên tai. Đồng thời các bên cũng thu lại được nhiều lợi ích trong việc chia sẻ các kinh nghiệm của các quốc gia trong giải quyết các thách thức quốc gia như tương lai về công việc, chính sách cạnh tranh và quyền kinh tế của phụ nữ.
Giống như cách thức từng đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây, G20 cần tiếp tục xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác để G20 có thể tiếp tục bảo vệ và hỗ trợ việc giải quyết vấn đề đa phương trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế khác.
Để tạo dựng lại lòng tin đã mất, hệ thống đa phương cần sức mạnh và xung lực mới để đương đầu với khó khăn, phức tạp trong bối cảnh tình hình hiện nay. Điều này không phải là vấn đề mà một hoặc hai quốc gia có thể làm được. Toàn bộ các quốc gia hưởng lợi có vị trí và vai trò nhất định trong việc phục hồi hệ thống vốn đã và đang góp phần tích cực vào sự tăng trưởng và thịnh vượng chung của thế giới trong vòng 70 năm qua.
Quyết tâm và trí tuệ tập thể của các quốc gia đang hưởng lợi từ hệ thống đa phương có thể chuyển nền kinh tế toàn cầu theo hướng tích cực và triển vọng hơn. Với tư cách là các Bộ trưởng cấp cao – đại diện cho các quốc gia hưởng lợi từ hệ thống đa phương quốc tế, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để thúc đẩy sự hợp tác trong giải quyết những thách thức toàn cầu mà chúng ta đang cùng nhau đối mặt.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]