Dịch Covid-19 bùng nổ đã dẫn tới sự đứt gãy của chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, kéo theo những khó khăn vô cùng to lớn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đã linh hoạt ứng phó để nỗ lực vượt qua.
Năm 2019, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng nổ. Đây là những khó khăn khách quan khiến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chịu ảnh hưởng vô cùng to lớn trong thời gian vừa qua. Nhiều nhà máy trên thế giới phải tạm dừng sản xuất, dẫn tới sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản… để phục vụ sản xuất. Đặc biệt là doanh nghiệp điện- điện tử, lắp ráp ô tô.
Tuy nhiên, bằng những chiến lược tái cơ cấu nội bộ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tối ưu các giải pháp hỗ trợ, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng đã dần phục hồi.
Để làm rõ hơn bài học kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng, báo VietNamNet tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ứng phó trước đại dịch Covid-19”.
Chương trình có sự tham gia của ba khách mời:
PGS.TS Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng ban Thư ký pháp chế, Ủy viên Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI)
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA)
Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng ban Thư ký pháp chế, Ủy viên Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết, các doanh nghiêp trong ngành chịu ảnh hưởng mạnh. Tuy nhiên, những khó khăn nội tại vẫn hiện hữu từ trước nên khi dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng kép nên “đã quen chịu khó” rồi.
Nhiều doanh nghiệp có thương hiệu lớn, uy tín lâu năm vẫn giữ được các đơn hàng và thậm chí, vẫn tăng trưởng về đơn hàng. “May mắn, chúng tôi chưa có doanh nghiệp nào bị phá sản”, ông Thịnh cho hay.
Khác với đặc thù của doanh nghiệp cơ khí, các doanh nghiệp linh kiện điện tử tại Việt Nam hiện đa phần là nhà cung cấp thứ cấp cho các Tập đoàn lớn nên tác động tiêu cực mạnh hơn. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam sụt giảm mạnh về thị trường, đơn hàng, nhưng vẫn luôn cố gắng xoay sở để vượt qua và cũng chưa có doanh nghiệp nào phải đóng cửa.
PGS.TS Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ, khi dịch bệnh xảy ra, các doanh nghiệp thành viên thường xuyên tương tác, liêt kết với nhau để cùng vượt khó.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Đăng Tuất, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa tới được doanh nghiệp, kể cả trong mùa dịch. Các khó khăn truyền thống vẫn còn. Đáng chú ý, một vấn đề lớn khác công nghiệp vật liệu cần phải được chú trọng đúng mức bởi đây là nền tảng cho công nghiệp phát triển. Như hiện nay, doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chỉ là gia công.
PGS.TS Phan Đăng Tuất cho rằng, với vai trò quan trọng của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần có Luật về công nghiệp hỗ trợ.
Đại diện các hiệp hội cũng đồng tình và kiến nghị, Chính phủ cần xem xét thúc đẩy chính sách về vốn, thuế, đất đai… để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Một số hình ảnh của chương trình toạ đàm:
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) (ảnh: Đình Quý)
|
Nhà báo Phạm Huyền, PGS.TS Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Na và ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng ban Thư ký pháp chế, Ủy viên Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (ảnh: Đình Quý)
|
VietNamNet