Một vài lĩnh vực tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Singapore

67106

Singapore là thị trường có độ mở lớn với kim ngạch thương mại lên đến 750 tỷ đô la, gấp hai lần giá trị tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Với cơ cấu nền kinh tế chủ yếu hướng vào dịch vụ (chiếm tỷ trọng 75% nền kinh tế), Singapore không có nền nông nghiệp; công nghiệp chủ yếu hướng vào ngành điện tử, cơ khí chính xác và các mắt xích trong chuỗi sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng cao như giải pháp công nghệ, thiết kế sáng tạo. Vì vậy, tiêu dùng ở Singapore chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, từ quần áo, đồ dùng gia đình cho đến thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy sản… Singapore cũng không có bất cứ hạn chế nào với nhập khẩu, không có bất cứ rào cản phi thuế quan nào ngoài những tiêu chuẩn được các tổ chức quốc tế quy định (OIE và Codex). Hơn 99% hàng nhập khẩu vào Singapore là miễn thuế (trừ các hàng hóa liên quan đến an ninh xã hội và môi trường như xe ô tô, xăng dầu, rượu, thuốc lá…). Ngoài ra, Singapore còn là thị trường trung chuyển, tạm nhập tái xuất lớn, lên đến khoảng 43% giá trị nhập khẩu. Dù là nước nhỏ với dân số chưa đến 6 triệu người, Singapore là nước có đối tác nhập khẩu đa dạng bậc nhất thế giới với 220 đối tác, và riêng trong lĩnh vực thực phẩm, rau củ quả, Singapore có quan hệ nhập khẩu với 170 nước. Sự đa dạng đối tác này là để đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo nguồn cung trước bất cứ sự đứt gẫy nào.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore năm 2019 đạt 5 tỷ SGD, tăng 6,3%, và có xu hướng tăng dần đều qua các năm, cán cân thương mại giữa hai nước đang dần được cải thiện. Đáng lưu ý là cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường ngày càng có xu hướng tiến bộ, theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến có giá trị cao và giảm các mặt hàng xuất thô. Hiện nay, tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam chiếm đến gần 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn (S$ 4.3 tỷ đô). Tỷ trọng các hàng hóa công nghiệp nội địa thuần có xu hướng gia tăng rất nhanh; giảm sự phụ thuộc vào nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu trước đây là dầu thô và các sản phẩm điện tử của nhóm doanh nghiệp FDI, tiến đến bù đắp thay thế cho sự sụt giảm giá trị xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI.

Trong hai năm trở lại đây, thị trường Việt Nam và các sản phẩm của Việt Nam thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp sở tại. Theo đánh giá của sở tại, Việt Nam đã có sự chuyển mình nhanh chóng trong lĩnh vực công nghiệp, sản phẩm ngày càng đa dạng, giá thành rẻ và chất lượng. Hiện nay, nếu tính riêng các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng (dây cáp điện, các sản phẩm từ nhựa, dệt may, da giày, các sản phẩm từ giấy, các sản phẩm từ thủy tinh, đồ gỗ…), Việt Nam xuất khẩu tương đương 1.8 tỷ SGD, tức khoảng 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore. Tốc độ tăng trưởng của các sản phẩm công nghiệp nội địa của Việt Nam cũng tương đối tốt, thể hiện sự quan tâm và chấp nhận của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Singapore. Đây là những mặt hàng mà Thương vụ đánh giá là trọng tâm thúc đẩy vì có tiềm năng lớn và có cơ hội lớn chiếm lĩnh thị phần, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào địa bàn, kể cả trong bối cảnh nền kinh tế sở tại tiếp tục giảm phát, thậm chí suy thoái.

Bên cạnh đó, Thương vụ cũng cho rằng các sản phẩm thực phẩm chế biến và nông sản, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Singapore. Mặc dù Singapore là một thị trường nhỏ, giá trị kim ngạch của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh (gạo, thủy sản, rau củ quả…) chỉ chiếm chưa đến 5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn, nhưng đây là thị trường có tiêu chuẩn cao, và là địa bàn trung chuyển với mạng lưới doanh nhân người Hoa năng động, nếu doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công vào địa bàn, cơ hội để mở rộng thị trường ra thế giới là rất lớn. Chính vì vậy, Thương vụ luôn nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường, đặc biệt là vào hệ thống bán lẻ và các chuỗi siêu thị ở địa bàn sở tại. Hiện nay, theo số liệu của sở tại, Việt Nam đã có trên 1000 đầu mặt hàng có mặt tại các hệ thống siêu thị, trong đó riêng chuỗi FairPrice là 650 mặt hàng. Các sản phẩm mới thâm nhập vào chuỗi siêu thị không những gia tăng về số lượng mà cơ cấu mặt hàng cũng có nhiều thay đổi, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, chú trọng vào các sản phẩm hữu cơ.

Trong bối cảnh nền kinh tế Singapore có nhiều dấu hiệu giảm phát, thậm chí suy thoái, xuất khẩu các mặt hàng điện tử, linh kiện điện máy sang địa bàn chắc chắn sẽ còn tiếp tục suy giảm. Bên cạnh đó, việc giá dầu thế giới sụt giảm đột ngột và khó có dấu hiệu đảo chiều trong thời gian tới, giá trị xuất khẩu dầu thô sang địa bàn cũng sẽ giảm mạnh, dẫn đến giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn trong thời gian tới sẽ khó duy trì ở mức tăng trưởng dương. Vì vậy, Thương vụ sẽ tiếp tục những nỗ lực để cải thiện cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang địa bàn, theo hướng tăng cường hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp nội địa của các nhà sản xuất trong nước.

Ngoài ra, theo đánh giá của Thương vụ, trong năm 2020, lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục được coi là động lực tăng trưởng của Singapore, trong khi đó, khu vực dịch vụ và sản xuất của Singapore dự kiến sẽ tiếp tục suy thoái trong năm 2020, vì vậy, như trên đã phân tích, Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần trong các lĩnh vực ngành hàng như: dây cáp điện, cửa nhôm nhựa, sắt thép xây dựng, thủy tinh xây dựng, gốm sứ vệ sinh… Bên cạnh đó, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển sang thị trường trong thời gian tới, cụ thể là gạo, sữa, rau, trái cây và thực phẩm chế biến.  Thương vụ sẽ tiếp tục chung tay, đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn và các thách thức của nền kinh tế toàn cầu để đưa sản phẩm Việt vươn ra thế giới.

Với đặc điểm thị trường như vậy, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội rất lớn để thâm nhập thị trường Singapore và thông qua thị trường có đòi hỏi cao này để đi ra thế giới. Tuy nhiên, điểm yếu hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đối với thực phẩm chế biến, đồ uống… các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến bao bì, chỉ dẫn bằng tiếng Anh, và các chứng chỉ như HACCP, Halal… Đối với thị trường Singapore, các doanh nghiệp cũng nên lưu ý đến vấn đề thời hạn sản phẩm. Để đưa vào hệ thống bán lẻ, thời hạn của các sản phẩm chế biến phải đủ dài, tốt nhất trên 12 tháng để đảm bảo đủ vòng quay kinh doanh. Các sản phẩm có thời hạn ngắn, chưa kịp tiếp cận khách hàng, thương mại hóa đã phải giảm giá thanh lý (mọi sản phẩm còn hạn dưới 6 tháng) sẽ khiến các nhà nhập khẩu ngần ngại. Một khó khăn khác cho các doanh nghiệp Việt Nam trong khả năng cạnh tranh là vấn đề giá và khả năng đảm bảo nguồn cung. Các nhà nhập khẩu Singapore có mạng lưới đối tác phong phú từ 220 đối tác trên thế giới, vì vậy, họ luôn lưu ý để tìm kiếm những sản phẩm tốt nhất có giá thành hạ nhất cho người tiêu dùng Singapore. Đây được coi là một nhiệm vụ cao cả của các thương nhân: tham gia đảm bảo duy trì chi tiêu cho ăn–mặc- ở-đi lại ổn định ở mức thấp, nâng cao khả năng tiết kiệm, đầu tư và chất lượng tái sản xuất sức lao động xã hội (chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, giải trí, sáng tạo…). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần giữ chữ tín trong kinh doanh, đảm bảo nguồn cung ổn định cho các nhà nhập khẩu Singapore. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần lưu ý đến việc kết nối theo chuỗi với các nhà cung ứng dịch vụ vận tải, kho bãi, nhà vận tải gom hàng…, có sẵn thông tin và mạng lưới để xuất hàng nhanh chóng. Các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt phải quan tâm đến việc xây dựng trang web và năng lực trao đổi thông tin qua các ứng dụng công nghệ số.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lưu ý trong việc xác minh thông tin đối tác trước khi ký kết hợp đồng. Hiện nay, Thương vụ Singapore thường xuyên phải hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước giải quyết các tranh chấp về hợp đồng và thanh toán; thậm chí đã xác minh ra nhiều trường hợp lừa đảo. Do đặc thù của địa  bàn, các quy định về thành lập doanh nghiệp ở Singapore tương đối dễ dàng. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, làn sóng thành lập văn phòng ảo của Singapore cũng ngày càng mạnh lên, với sự tham gia của thương nhân từ nhiều địa bàn, kể cả châu Phi, Nam Á, Trung Quốc… Ngoài các thông tin hướng dẫn doanh nghiệp chúng tôi đã đăng tải trên trang thông tin điện tử của Thương vụ, khi ký kết hợp đồng hoặc làm ăn với các doanh nghiệp có trụ sở ở Singapore, Thương vụ đề nghị các doanh nghiệp chủ động trong công tác xác minh, phối hợp với các văn phòng tư vấn pháp lý ở trong nước để đảm bảo khả năng vận dụng các chế tài trong hợp đồng khi có tranh chấp.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]