Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, lạm phát tại Singapore dự kiến đạt đỉnh trong vòng hai đến bốn tháng tới và sau đó sẽ bắt đầu giảm dần.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng không có khả năng tỷ lệ lạm phát của Singapore sẽ quay trở lại mức đã được duy trì trong hơn một thập kỷ qua ở nước này do môi trường địa chính trị, các vấn đề về chuỗi cung ứng và cách thức các nền kinh tế đang chuyển đổi theo hướng trở nên bền vững hơn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Singapore cũng cho biết lạm phát chỉ có thể giảm xuống vào cuối năm và tỷ lệ lạm phát mới sẽ được giữ ổn định ở mức nào là điều rất không chắc chắn.
Để đối phó với tình trạng lạm phát có thời điểm gia tăng ở mức cao nhất trong gần 14 năm ở “đảo quốc sư tử”, Cơ quan Tiền tệ Singapore (Ngân hàng trung ương – MAS) đã 4 lần thắt chặt chính sách tiền tệ trong 9 tháng qua và dự kiến vào tháng Mười tới, cơ quan này sẽ đưa ra tuyên bố chính sách tiền tệ tiếp theo.
Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng đã đưa ra các biện pháp có mục tiêu để giúp những thành phần dễ bị tổn thương nhất đối phó với giá cả tăng cao, trong đó có gói hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ SGD (1,08 tỷ USD) được công bố vào tháng Sáu vừa qua để cung cấp cứu trợ ngay lập tức.
Phó thủ tướng Wong cho biết Chính phủ Singapore đang theo dõi chặt chẽ tình hình và một số biện pháp hỗ trợ đã công bố đang và sẽ được triển khai trong những tháng tới nhằm đảm bảo cuộc sống cho tất cả người dân. Nếu tình hình lạm phát trở nên tồi tệ hơn, nhiều biện pháp hỗ trợ hơn nữa sẽ được triển khai.
Trong bối cảnh triển vọng nhu cầu bên ngoài đối với nền kinh tế Singapore đã suy yếu so với 3 tháng trước, trong khi rủi ro đi xuống đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đáng kể do cuộc xung đột Nga-Ukraine, lạm phát và căng thẳng địa chính trị trong khu vực, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) mới đây đã thu hẹp phạm vi dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm nay xuống còn 3-4%, từ mức dự báo trước đó là 3-5%./.
TTX