Tận dụng ưu đãi thuế quan thông qua xuất xứ hàng hóa trong EVFTA: Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần lưu ý gì?

19066
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thực thi đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn. Tuy nhiên, có rất nhiều lưu ý mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần quan tâm để tận dụng ưu đãi thuế quan thông qua quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các nội dung cốt lõi của EVFTA trong lĩnh vực nông nghiệp, có thông tin về các cơ chế hỗ trợ trong triển khai thực thi EVFTA của Nhà nước và các đơn vị, chiều ngày 5/11, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội tổ chức Hội thảo “EVFTA – Lợi thế xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam; nông nghiệp hữu cơ – Xu thế tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại” với sự hỗ trợ của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Vụ Quan hệ Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội – cho biết: EVFTA đã chính thức có hiệu lực được gần 4 tháng. Một số doanh nghiệp đã được hưởng những lợi ích đầu tiên từ EVFTA. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa nhận được cơ hội cụ thể nào từ EVFTA cho mình. Một mặt, do văn kiện EVFTA rất phức tạp, để đọc, hiểu được nội dung và biết cách tận dụng cam kết EVFTA là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp. Mặt khác, việc thực hiện hóa các cơ hội EVFTA đòi hỏi những hành động cụ thể, thích hợp của các cơ quan Nhà nước và từng doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng nhau chia sẻ với các doanh nghiệp, hợp tác xã về các thông tin cụ thể về cam kết về thuế quan, lộ trình xóa bỏ thuế trong lĩnh vực liên quan và các quy tác về xuất xứ hàng hóa, cũng như biết cách tận dụng ưu đãi từ Hiệp định.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho hay, đối với mặt hàng nông sản được phân thành hai loại hàng hóa có xuất xứ thuần túy (cây trồng, sản phẩm cây trồng được trồng/thu hoạch tại nước thành viên). Ví dụ, cà phê trồng tại Đắk Lắk được coi là sản phẩm có xuất xứ thuần túy của Việt Nam và khi xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng ưu đãi 0% đối với mặt hàng này. Nếu có giống cà phê Thái Lan trồng tại Việt Nam thì và sản phẩm đó cũng được coi là sản phẩm xuất xứ thuần túy. Đối với vật nuôi, Hiệp định quy định động vật sống sinh ra và lớn lên tại nước thành viên thì được coi có xuất xứ tại Việt Nam. Trong lĩnh vực thủy sản cũng áp dụng tương tự tuy nhiên, riêng đối với sản phẩm cá tầm hay cá hồi chỉ cần sinh ra hoặc lớn lên tại Việt Nam thì được coi có xuất xứ Việt Nam trong khuôn khổ EVFTA….

Đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy để được hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng yêu cầu về: Tiêu chí chuyển đổi cơ bản; tiêu chí về hạn mức nguyên liệu; tiêu chí công đoạn gia công, chế biến. Lấy ví dụ cụ thể về vấn đề này, bà Hiền cho hay, Bỉ và Thụy Sỹ nổi tiếng về sản phẩm socola, nhưng nguyên liệu sản xuất là cacao chủ yếu nhập khẩu từ châu Phi. Tuy nhiên, do 2 quốc gia này làm chuyển đổi cơ bản bản chất hàng hóa thành kẹo socola, do đó, đáp ứng tiêu chí chuyển đổi cơ bản nên vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan.

Về tiêu chí hạn mức nguyên liệu, bà Hiền lấy ví dụ, đối với cà phê hòa tan, nguyên liệu sẽ có cà phê, sữa… nếu doanh nghiệp sử dụng 100% nguyên liệu sữa từ Vinamilk thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng nếu sử dụng sản phẩm sữa, đường từ nguồn nhập khẩu thì chỉ được tối đa 20%.

Làm thế nào để chứng minh hàng hóa này có xuất xứ? Bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết, doanh nghiệp có thể mang hồ sơ đến tổ chức và đề nghị cấp giấy C/O, hoặc tự chứng nhận xuất xứ. Hai hệ thống này đang tồn tại song song nhưng nó có những điều kiện ràng buộc riêng.

Cụ thể, đối với hàng hóa từ 6.000 Euro trở xuống sẽ được tự chứng nhận xuất xứ, việc này rất phù hợp với hàng nông sản, trong đó có hàng mẫu để gửi đi triển lãm… Còn đối với hàng hóa từ 6.000 Euro trở lên, các doanh nghiệp cần đến các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp mẫu C/O (mẫu C/O Eur.1) để được cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

CO là chứng từ thương mại quốc tế, do đó phải được viết bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng tiếng Việt không dấu thay cho tiếng Anh là vấn đề hay gặp phải ở các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu. “Đây là những điểm chúng tôi lưu ý đi, lưu ý lại đối với các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng không chỉ sang EU mà còn sang các nước ASEAN khác”, bà Hiền nói.

Hiện, tên của các doanh nghiệp đang bằng tiếng Việt, bà Hiền cũng lưu ý, trong tất cả các chứng từ, nếu doanh nghiệp dùng tiếng Việt không dấu thì cần được dùng thống nhất. Tên chức danh người ký tại chứng từ cần phải được ghi bằng tiếng Anh (nếu không thì thôi). Bởi hải quan nước ngoài không quan tâm đến người ký chứng từ đó chức danh gì mà họ quan tâm mẫu chữ ký đó có phải là mẫu chữ ký đã được đăng ký hay chưa? Nhiều trường hợp họ đi xác minh bởi chứ ký chứ không phải do bản chất của hàng hóa.

EVFTA cũng giống như các FTA khác cho phép mức độ linh hoạt nhất định đối với hàng hóa không đáp ứng hàng hóa hoàn toàn nhưng vẫn được coi là có xuất xứ. Việc này được áp dụng cho các đơn vị làm sản phẩm chế biến. Ví dụ, nếu chúng ta xuất khẩu bánh đa nem đi EU thì từ 100 kg để làm ra bánh đa nem đó thì được phép áp dụng linh hoạt 10% nguyên liệu của nước khác. Tuy nhiên, đối với sản phẩm cuối cùng và sản phẩm có xuất xứ thuần túy thì sẽ không được áp dụng linh hoạt.

Về những hỗ trợ của Bộ Công Thương với doanh nghiệp, bà Hiền cho biết, Bộ Công Thương có Công văn 1056/XNK-XXHH ngày 22/9/2020 cho phép lô hàng xuất khẩu vào EU tối đa trong 24 tháng (từ khi EVFTA đi vào thực thi) vẫn có thể đến gặp cơ quan tổ chức đề nghị cấp C/O đi EU và được hưởng ưu đãi thuế quan.

“Trước khi có EVFTA, hàng hóa của Việt Nam có ưu đãi đơn phương và khi có EVFTA thì hàng hóa của chúng ta có ưu đãi song phương. Trong 2 năm đầu khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp có thể lựa chọn xuất khẩu khuôn khổ áp thuế EVFTA hoặc GSP, cần lưu ý, áp dụng thuế của khuôn khổ nào ưu đãi hơn thì sử dụng chứng từ xuất xứ tương ứng của đơn vị đó. Trong trường hợp doanh nghiệp có vướng mắc với nước nhập khẩu thì đề nghị thông báo với tổ chức cấp C/O hoặc với Cục Xuất nhập khẩu để Cục trao đổi với đầu mối bên nước ngoài và hỗ trợ DN trong vấn đề xuất xứ hàng hóa”, bà Hiền cho hay.

Đặc biệt đối với hàng nông lâm thủy sản, không phải khi doanh nghiệp có chứng từ C/O xuất khẩu sang EU là xong, có thể sau 3- 5 năm, bên EU sẽ kiểm tra sau thông quan. Khi đó họ sẽ yêu cầu đưa lại toàn bộ chứng từ trước đây để chứng minh lô hàng đó có xuất xứ. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý đối với các bản kê khai thu mua nông sản. “Do nông sản chúng ta thu mua ở các hộ nông dân rất nhiều. Trong khi đó, các hộ nông dân, thương lái chưa chắc có các chứng từ chứng minh theo quy định EU đưa ra. Do đó, doanh nghiệp nên áp dụng và cần thiết áp dụng các hướng dẫn của Bộ Công Thương liên quan đến bản kê khai về vùng nguyên liệu, diện tích, mùa vụ… để nếu có bị kiểm tra sau thông quan thì vẫn có thể chứng minh hàng hóa có xuất xứ. Tránh trường hợp tại trường hợp lúc xuất khẩu thì được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng 3 năm sau, khi kiểm tra lại, chứng từ không đủ hoặc mất thì EU sẽ truy thu lại tiền thuế mà doanh nghiệp đã được hưởng”, bà Hiền lưu ý.

Theo các chuyên gia, việc nắm rõ các nội dung này hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp. Bởi lẽ, khi đó doanh nghiệp mới có sự chuẩn bị tốt thông qua việc chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tương đối khó tính này. Qua đó, tận dụng cơ hội vàng do EVFTA mang lại để làm chủ “sân chơi” mới EVFTA, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam, nhất là các sản phẩm có thế mạnh như: thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hồ tiêu, sản phẩm đồ gỗ….

Nguyễn Hạnh

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ sg@moit.gov.vn