Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 19/11, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 8 với chủ đề “Tiến tới một ASEAN mạnh mẽ, tự cường và phát triển bao trùm” đã diễn ra tại Singapore theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham gia của khoảng hơn 250 đại biểu gồm các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp từ châu Âu và Đông Nam Á.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã có bài phát biểu quan trọng ngay phiên khai mạc.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi hoàn toàn môi trường cũng như phương thức hoạt động kinh doanh trên toàn cầu, các đại biểu tham dự Hội nghị lần này đã tập trung thảo luận về vấn đề chuyển đổi, thúc đẩy phát triển kinh tế kỹ thuật số, thương mại điện tử và tìm kiếm cách thức hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững với chi phí phù hợp đối với người dân trong khu vực ASEAN.
Hội nghị cũng tập trung thảo luận về những cơ hội đối với các doanh nghiệp châu Âu trong quá trình phục hồi kinh tế của ASEAN sau đại dịch COVID-19.
Về khía cạnh kinh tế kỹ thuật số, các đại biểu đã thảo luận cách thức các nước ASEAN có thể cùng nhau thực hiện các chiến lược phục hồi với ưu tiên là tăng cường thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Chan Chun Sing tái khẳng định rằng “EU và ASEAN có thể được kết nối và gắn kết bằng các nền tảng và tiêu chuẩn kỹ thuật số, và không bị chia rẽ bởi vấn đề khoảng cách địa lý.”
Ông nhấn mạnh ngày càng có nhiều cơ hội cho các nước có cùng quan điểm để phối hợp và thiết lập các quy định tiêu chuẩn cao để giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại kỹ thuật số.
Theo ông Chan Chun Sing, một Hiệp định Kinh tế Kỹ thuật số (DEA) sẽ là một bước tiến quan trọng hướng tới việc kết nối về mặt kỹ thuật số giữa EU và ASEAN.
Một nội dung quan trọng Hội nghị đã thảo luận là về vấn đề thúc đẩy mối quan hệ giữa EU và ASEAN. Tái khẳng định những cam kết của EU đối với khu vực ASEAN, Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho rằng khu vực ASEAN là đối tác kinh tế và chính trị rất quan trọng của EU.
Ông nhấn mạnh EU và ASEAN cần phải tiến xa hơn từ đối tác tự nhiên thành các đối tác kinh tế chiến lược của nhau vào thời điểm khi Mỹ đang chuẩn bị cho quá trình thay đổi lãnh đạo và bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục gia tăng.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN trong giai đoạn 2009-2018, cũng như là nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN với tổng vốn đầu tư trực tiếp 190 tỷ USD.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng bày tỏ sự lạc quan đối với mối quan hệ ASEAN – EU, khuyến khích hai khối này tận dụng các cơ hội tiềm năng sau đại dịch COVID-19 vốn có thể “thiết lập sự tự cường và thịnh vượng kinh tế cho cả hai khối.”
Dẫn chứng hiệp định thương mại tự do (FTA) EU-Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng những hiệp định FTA chất lượng cao như vậy có tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam, cải thiện các quy trình quản trị và hệ thống pháp lý của Việt Nam, hướng tới sự minh bạch và cởi mở hơn nữa. Và những thành công ban đầu của các FTA chất lượng cao giữa EU với từng nước thành viên ASEAN (như FTA giữa EU với Việt Nam, FTA giữa EU với Singapore) sẽ là bước đệm vững chắc hướng tới một FTA giữa ASEAN và EU.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, EU và ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác kinh tế và thương mại ở cấp song phương và cấp khu vực, trong đó tập trung vào các chủ đề cấp bách đối với cộng đồng doanh nghiệp như kết nối chuỗi cung ứng và hàng rào phi thuế quan.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh rằng hiện tại ASEAN và EU đang trong quá trình trao đổi để thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán hiệp định FTA giữa ASEAN và EU, bao gồm tăng cường các hoạt động đối thoại ở tất cả các cấp trên các lĩnh vực cùng quan tâm, cũng như xây dựng phạm vi đàm phán FTA dự kiến giữa hai bên.
Theo số liệu của báo cáo Khảo sát Tâm lý Kinh doanh EU – ASEAN 2020, một thỏa thuận FTA giữa EU với ASEAN vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ do việc thiếu hụt một thỏa thuận FTA như vậy khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu mất đi tính cạnh tranh.
Các doanh nghiệp châu Âu vẫn mong muốn EU đàm phán một FTA giữa khối này với ASEAN hơn là FTA song phương giữa EU với các nước thành viên của ASEAN. Hiện tại, EU đang tiến hành đàm phán FTA song phương với Indonesia và Philippines.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN – EU là sự kiện thường niên quan trọng của Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN nhằm đối thoại chính sách về các vấn đề tác động đến doanh nghiệp và các nền kinh tế.
Hội nghị lần này tập trung vào các vấn đề nổi trội mà ASEAN cần phải tập trung thúc đẩy sau đại dịch COVID-19. Các hội nghị trước đã diễn ra tại Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Philippines./.