Sau khi phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 7,6% vào năm 2021 – một năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế Singapore đã giảm nhiệt.
Tăng trưởng GDP trong năm 2022 của nước này đã giảm một nửa, còn 3,8%, và theo dự báo mới nhất của các chuyên gia kinh tế thuộc khu vực tư nhân trong cuộc thăm dò do Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương) thực hiện, tỷ lệ này có thể giảm xuống chỉ còn 1,8% trong năm 2023.
Chính phủ Singapore dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 của “đảo quốc sư tử” là 0,5-2,5% – một biên độ rộng. Điều này phản ánh sự không chắc chắn của triển vọng kinh tế toàn cầu.
Ngày 1/1 vừa qua, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã cảnh báo rằng cả ba nền kinh tế lớn của thế giới – Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) – đều có thể tăng trưởng chậm lại trong năm 2023. Ngoài ra, IMF cũng có thể hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 từ mức 2,7% được đưa ra hồi tháng 10/2022.
Bên cạnh đó, do việc thắt chặt chính sách tiền tệ đồng bộ ở một số quốc gia vẫn chưa kết thúc, nhiều chuyên gia kinh tế đã dự đoán về một cuộc suy thoái toàn cầu.
Trong khu vực, ẩn số lớn là “sức khỏe” kinh tế Trung Quốc trong năm 2023. Sự thay đổi một cách đột ngột đối với chính sách “Không COVID” của nước này đã chứng kiến sự tăng mạnh số ca nhiễm. Điều này có thể làm suy giảm hoạt động kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong đầu năm nay. Việc kinh tế Trung Quốc suy giảm kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào quỹ đạo của đại dịch cũng như tình hình thị trường bất động sản nước này.
Ngoài các xu hướng toàn cầu rộng lớn, những khó khăn ở trong nước và theo ngành cụ thể sẽ tác động đến kinh tế Singapore. Các ước tính trước đó cho quý IV/2022 được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) công bố cho thấy động lực từ việc mở cửa trở lại hậu COVID-19 của nền kinh tế “đảo quốc sư tử” đã giảm bớt, với tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng thu hẹp trên cơ sở theo quý.
Sản lượng nhà máy ở Singapore thấp hơn so với cách đây một năm và lĩnh vực này phải đối mặt với thời gian đầy thử thách sắp tới, trước sự suy giảm ở bên ngoài, và đặc biệt là triển vọng ảm đạm trong phân khúc điện tử then chốt.
Tuy nhiên, một điểm sáng tiềm năng đối với kinh tế Singapore là khả năng lượng người đến và đi từ Trung Quốc trong nửa cuối năm nay sẽ được cải thiện nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Điều này sẽ thúc đẩy các lĩnh vực du lịch, hàng không và khách sạn, vốn vẫn đang hoạt động ở dưới mức trước đại dịch.
Singapore cũng có thể hưởng lợi từ việc di dời một số hoạt động – đặc biệt ở các phân khúc trong ngành điện tử – từ Trung Quốc sang nước này, khi các chuỗi cung ứng trở nên đa dạng hơn. Sự phục hồi của đầu tư ở nội địa trong lĩnh vực điện tử năm 2022 cũng có dấu hiệu tích cực.
Cuối cùng, mặc dù triển vọng khu vực và toàn cầu dường như không tươi sáng, nhưng điều có thể trấn an mọi người là suy thoái kinh tế phần lớn thường mang tính chu kỳ, chứ không phải do cơ cấu.
Chu kỳ tăng lãi suất, vốn là nguyên nhân chính, sẽ kết thúc vào năm 2024. Vào thời điểm đó, kinh tế Singapore sẽ được định vị tốt để hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế sau đó./.
Bnews