Bí quyết chinh phục thị trường Singapore

35077
Theo TS. Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương mại, Trưởng Bộ phận Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, DN muốn chiếm lĩnh thị trường Singapore cần sớm đầu tư chiều sâu vào phát triển bền vững.

TS. Trần Thu Quỳnh cho biết, hiện nay, Việt Nam là 1 trong 15 đối tác thương mại hàng đầu của Singapore trên thế giới. Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang thị trường Singapore đạt 3,46 tỷ USD, tăng 1,02% so với năm 2018. Mức tăng trưởng XK của Việt Nam tuy không cao nhưng liên tục và vững chắc trong nhiều năm qua, thể hiện xu thế và nhu cầu đa dạng hóa nguồn hàng NK của Singapore, ngay cả trong bối cảnh căng thẳng thương mại và xu thế thoái lui của toàn cầu hóa.

bi quyet chinh phuc thi truong singapore
Mặt hàng gạo có triển vọng tăng trưởng xuất khẩu sang Singapore

Nhìn chung, định hướng lâu dài của Singapore là tập trung phát triển lĩnh vực công nghệ cao, XK dịch vụ và các sản phẩm công nghiệp sáng tạo. Những sản phẩm và lĩnh vực ngành mà Singapore hướng tới đều chưa phải là những lĩnh vực hiện tại Việt Nam có thế mạnh XK hoặc có khả năng phát triển XK trong tương lai gần. Do đó, hai nền kinh tế có tính bổ sung hơn là cạnh tranh. Vì vậy, về dài hạn, các mặt hàng XK mũi nhọn của Việt Nam như thủy sản, gạo sẽ tiếp tục có triển vọng tăng trưởng tốt. “Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Singapore mới đây, Bộ Công Thương Singapore đã định hướng phải đa dạng hóa các nguồn và chuỗi cung ứng để tránh bị “mắc kẹt” bởi sự gián đoạn từ bất kỳ nguồn cung ứng cụ thể nào. Đây chính là thời cơ để Việt Nam mở rộng thị phần” – bà Quỳnh cho hay.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng nói trên, các DN Việt Nam cũng gặp phải khó khăn không nhỏ để gia nhập và có chỗ đứng cao tại thị trường Singapore. Cụ thể, các sản phẩm được nhập vào Singapore phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, nhất là về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Do chưa có thương hiệu, hoặc không đáp ứng được các yêu cầu về mẫu mã, bao bì, hướng dẫn sử dụng theo yêu cầu của thị trường, nhiều mặt hàng Việt Nam có tiềm năng như: Gạo, rau, củ, quả, thủy sản, trứng, sữa… đều khó trực tiếp tiếp cận được với thị trường mà phải XK qua trung gian. Sản phẩm của Việt Nam cũng có tính tương đồng cao với các sản phẩm trong khu vực nên khó cạnh tranh về giá và chất lượng.

Chia sẻ bí quyết để chinh phục thị trường Singapore, TS. Trần Thu Quỳnh cho hay, “chìa khóa” thành công chung của các DN là khả năng tiếp cận sớm với tình hình kinh tế – chính trị toàn cầu, sử dụng thành thạo ngoại ngữ; có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, xây dựng hình ảnh và thương hiệu. Các thương hiệu nước ngoài cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam đều có lợi thế hơn hẳn về hình ảnh, có sự đầu tư kỹ lưỡng vào bao bì, chỉ dẫn chất lượng và hướng dẫn sử dụng rõ ràng bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, DN các nước cũng tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm quốc tế, giao thương nhằm tìm kiếm đối tác, khách hàng…

Các DN Singapore đã chuyển sang hình thái phát triển bậc cao, quan tâm đến phát triển bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng, coi lợi nhuận chỉ là một điều kiện cần, thường mong muốn kết nối hợp tác với những DN cùng chia sẻ các nền tảng giá trị cốt lõi về đạo đức kinh doanh. Điều này không chỉ liên quan tới DN XK ở cuối chuỗi mà còn liên quan đến toàn bộ chuỗi cung ứng và cả thị trường mà từ đó sản phẩm, dịch vụ được cung cấp. “Do đó, muốn thúc đẩy XK hàng hóa Việt Nam ra thế giới, DN Việt Nam cần sớm có sự đầu tư chiều sâu vào phát triển bền vững, xây dựng giá trị DN, quan tâm sâu sắc hơn tới các yếu tố đạo đức và môi trường chứ không chỉ nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn” – TS Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.

Việt Nam có thế mạnh rõ rệt về các mặt hàng công nghiệp XK, chiếm đến 92% tổng giá trị kim ngạch XK của Việt Nam vào Singapore. Cơ hội còn rất nhiều cho các mặt hàng nông nghiệp chế biến sâu và có giá trị gia tăng cao của Việt Nam.

Phương Lan

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]