Tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn về điện – điện tử và thực phẩm của Việt Nam với tiêu chuẩn khu vực đạt trên 80%

19466

Đây là con số đáng ghi nhận khi hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia khá đầy đủ, tương đương với chuẩn mực trong khu vực. Đây sẽ là cơ sở để Việt Nam nâng cao năng suất chất lượng và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, là cơ quan được giao chủ trì Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Sau 10 năm thực hiện, đến nay, 12.000 tiêu chuẩn Việt Nam đã được công bố. Trong đó, có những lĩnh vực tỷ lệ tương đương giữa tiêu chuẩn Việt Nam với tiêu chuẩn của khu vực đạt trên 80% như: điện – điện tử hay thực phẩm.

Theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trong 12.000 tiêu chuẩn Việt Nam đã được ban hành, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 56%. Việc này mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cộng đồng doanh nghiệp và là chìa khóa để Việt Nam hội nhập quốc tế.

“Việt Nam hiện đang áp dụng quy trình xây dựng và phát triển tiêu chuẩn giống với quy trình tại ISO; thúc đẩy việc xây dựng tiêu chuẩn về đô thị thông minh, sản xuất thông minh, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” – ông Adrian Goh, Giám đốc Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) khu vực châu Á, nhận định.

Mặc dù các tiêu chuẩn đóng góp quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của doanh nghiệp, thế nhưng hiện nhiều chủ doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng tới việc này. Đặc biệt, hội nhập càng sâu rộng, rào cản kỹ thuật càng tinh vi, phức tạp và càng đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi.

Sau 10 năm thực hiện, Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đã lan tỏa ở khắp các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế – xã hội, bởi hiện nay, khoảng 12.000 tiêu chuẩn Việt Nam đã được xây dựng. Điều đáng nói, các tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn của khu vực đã đạt trên 50%.

Hiện nay, các tiêu chuẩn của Việt Nam tương đương tiêu chuẩn của khu vực đạt khoảng 56%. Nhiều sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp nội sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam đã có chất lượng tương đương với tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, được thị trường thế giới đón nhận. Chất lượng bảo đảm, sản phẩm tiêu thụ nhiều hơn, doanh nghiệp có điều kiện chiếm lĩnh thị trường là cơ hội để tăng doanh thu và lợi nhuận.

Hội nhập càng sâu rộng, hàng rào thuế quan ngày càng được dỡ bỏ, cùng với đó, nhiều hàng rào phi thuế quan như: các biện pháp phòng vệ thương mại, quy định về giữ gìn môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm, về xuất xứ hàng hóa sẽ được dựng lên dày đặc hơn. Vì vậy, phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam cần các yêu cầu mới.

Chỉ trong năm 2019, Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam” đã xây dựng được gần 900 tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa.

Với mục tiêu xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn để hỗ trợ cho công tác quản lý và cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa sẽ thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phải thường xuyên tham khảo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế uy tín để cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Thanh Hà

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]