- Tình hình XNK của Singapore trong tháng 03 và 3 tháng đầu năm 2021:
1.1 Tổng quan:
Trong tháng 03/2021, tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt 103,1 tỷ SGD, tăng 22,19%, trong đó XK đạt 55,4 tỷ SGD, tăng 26,13% và NK đạt 47,7 tỷ SGD, tăng 17,91% so với tháng 03/2020. Hàng hoá xuất xứ từ Singapore tăng mạnh, khoảng 23,12% cùng với thương mại trung gian, hàng hoá từ nước thứ 3 qua Singapore cũng tăng khoảng 28,77%.
Kim ngạch XNK của Singapore tháng 3 tăng rất cao, trái ngược với đà tăng trưởng âm ghi nhận trong tháng 1 và tháng 2/2021 lần lượt là – 1,92% và – 3,27%. Kết quả này giúp kim ngạch XNK của Singapore trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng dương 4,91%, đạt 267,4 tỷ SGD; trong đó XK tăng 6,9%, đạt 143 tỷ SGD và NK tăng 2,7%, đạt 124,4 tỷ SGD.
1.2 Với 15 đối tác thương mại lớn: Trong 3 tháng đầu năm 2021 (so với cùng kỳ 2020), trong 15 đối tác có kim ngạch thương mại lớn nhất (chiếm 80% kim ngạch XNK của Singapore với thế giới), có 9/15 đối tác có kim ngạch thương mại tăng trưởng dương, đa phần ở mức 2 con số như Trung Quốc (19,97%), Malaysia (15,67%), Đài Loan (30,08%), Hong Kong (18,85%), Australia (22,89%), Pháp (11,9%) và Philippines (10,57%). Việt Nam và Ấn Độ có kim ngạch thương mại hai chiều với Singapore tăng trưởng dương lần lượt là 9,99% và 8,36%. 6/15 đối tác thương mại lớn nhất còn lại có kim ngạch thương mại 2 chiều với Singapore giảm gồm Mỹ (-11,17%), Indonesia (-7,72%), Nhật Bản (-7,34%), Hàn Quốc (-0,62%), Thái Lan (-19,46%), Đức (-1,64%).
Về nhập khẩu: Các thị trường nhập khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Pháp, Thuỵ Sỹ, Đức… Việt Nam đứng thứ 19/20 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Singapore và nằm trong nhóm 8/20 thị trường nhập khẩu có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2020. Mức suy giảm nhập khẩu lớn nhất của Singapore trong 3 tháng đầu năm được ghi nhận tại các thị trường Qatar (-42,74%), Thái Lan (-30,82%), Vương Quốc Anh (-30,15%), Hàn Quốc (-22,81%), Mỹ (-15,51%).
Về xuất khẩu: Các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Hong Kong, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ… Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 10 của Singapore. Trong 3 tháng đầu năm 2021, có 14/20 thị trường xuất khẩu của Singapore tăng trưởng dương, một số thị trường xuất khẩu của Singapore có mức tăng trưởng khá cao, cá biệt có thị trường tăng 3 con số như Campuchia (tăng 463,92%), Pháp (tăng 47,72%), Trung Quốc (27,73%), Đài Loan (tăng 22,04%), Hong Kong (19,25%), Việt Nam (15,99%)… 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất gồm Hong Kong, Trung Quốc và Malaysia đều tăng ở mức 2 con số. 6/20 thị trường xuất khẩu chủ lực còn lại tăng trưởng âm gồm Mỹ (-6,53%), Hàn Quốc (-1,77%), Nhật Bản (-12,63%), Thái Lan (-12,57%), Thuỵ Sỹ (-13,64%), Panama (-20,31%).
1.3 Theo ngành hàng:
Về XK: Trong tháng 3, có 19/21 nhóm ngành hàng XK chủ lực của Singapore tăng trưởng dương, các nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch XK đều tăng ở mức 2 con số như máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng (32,23%), lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng các loại (10,24%) và xăng dầu, sản phẩm từ dầu mỏ (30,27%). Cá biệt có ngành hàng XK tăng ở mức 3 con số như bưu phẩm (234,51%). Nhiều nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng trung bình song tăng trưởng khá cao như rượu và đồ uống (89,02%), đồng hồ, đồng hồ cá nhân và bộ phận (75,63%), sắt thép (43,24%), thuốc nhuộm, sơn, mực màu các loại (42,84%), nước hoa, mỹ phẩm (35,76%), hoá chất (32,16%)…
Về NK: Trong tháng 03, chỉ có 2/21 ngành hàng NK chủ lực của Singapore từ thế giới giảm, gồm các sản phẩm hoá chất và sản phẩm sắt thép, lần lượt -9,54% và -27,7%. Còn lại 19/21 ngành hàng NK chủ lực còn lại tăng trưởng dương, một số nhóm ngành hàng NK tăng trưởng ở mức 3 con số, hầu hết nằm trong nhóm 5 ngành hàng NK có kim ngạch lớn nhất, cụ thể gồm: máy móc, thiết bị, điện di động, linh kiện và phụ tùng (131,3%), xăng dầu và sản phẩm dầu mỏ (30,06%), lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng (113,24%), ngọc trai, đá quý và sản phẩm kim hoàn (153,29%), máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ và nhạc cụ (84,55%)…
- Phân tích cán cân XNK Việt Nam – Singapore:
Trong tháng 03, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt 2,3 tỷ SGD, tăng 18,81% so với cùng kỳ 2020, trong đó XK từ Việt Nam sang Singapore đạt 541 triệu SGD, giảm 3,97% và NK từ Singapore vào Việt Nam đạt 1,8 tỷ SGD, tăng 28,17%.
Trong hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá xuất xứ Singapore, đạt 481,1 triệu SGD, tăng 21,96% và hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam, đạt 1,3 tỷ SGD (chiếm 73%), tăng 30,67%.
Cán cân XNK giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 3 tăng mạnh trở lại, tiếp tục đà tăng trưởng được ghi nhận trong tháng 1 (25,92%), sau khi giảm sâu -11,05% ở tháng 2/2021. Trong đó kim ngạch NK tăng rất cao, 28,17%, còn kim ngạch XK tiếp tục đà suy giảm, tăng trưởng âm của tháng trước đó, khoảng -3,97%.
Xét trong cả 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore duy trì đà tăng trưởng dương, khoảng 9,99%. Đáng chú ý, xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore chưa được khởi sắc, tăng trưởng âm 6,92%.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore:
Cũng theo số liệu trên, trong tháng 03, kim ngạch XK hàng hoá từ VN sang Singapore giảm nhẹ, 3,97%. Nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là máy móc, thiết bị, điện thoại di động và linh kiện, đạt 190 triệu SGD (chiếm 35% kim ngạch XK) giảm tới 31,46%. Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và thiết bị, đứng thứ 3 và chiếm 15% kim ngạch XK giảm 17,86%. Có 7/20 nhóm ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam suy giảm. Mặc dù có tới 13/20 nhóm ngành XK chủ lực duy trì đà tăng trưởng dương, một số nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn đứng thứ 2, 4, 5, 6 đều tăng song không kéo được cán cân thương mại XK của Việt Nam sang Singapore tăng.
Nhập khẩu hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam:
Tháng 3 chứng kiến đà tăng NK mạnh mẽ từ Singapore vào Việt Nam, đặc biệt là hàng hoá trung gian qua Singapore nhập khẩu vào Việt Nam. Có 11/20 nhóm ngành hàng NK từ Singapore vào Việt Nam tăng, hầu hết đều ở mức 2 con số và ở ngưỡng khá cao như máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng (38,34%), nhựa và sản phẩm từ nhựa (38,92%), xăng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ (83,51%), nước hoa, mỹ phẩm (65,88%), thuốc lá và nguyên liệu thay thế (95,52%), rượu và đồ uống (90,47%), sữa và chế phẩm từ ngũ cốc (28%)… Một số nhóm ngành hàng NK chủ lực khác của Singapore vào Việt Nam bị suy giảm như lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và thiết bị (-19,23%), hàng hoá tổng hợp (-56,68%), thức ăn và các sản phẩm chế biến (-31,2%), máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện (-29,81%)…