Xuất nhập khẩu Singapore, tình hình thị trường cần nắm tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021

34624
  1. Tình hình XNK của Singapore trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021:

1.1 Tổng quan:

Trong tháng 8/2021, tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt gần 97 tỷ SGD, tăng 19,83%, trong đó XK đạt hơn 50 tỷ SGD, tăng 17,39% và NK gần 45 tỷ SGD, tăng 22,8% so với cùng tháng năm 2020. Hàng hoá xuất xứ từ Singapore và hàng hoá trung gian từ nước thứ 3 tái xuất qua Singapore đầu tăng, lần lượt 15,25% và 19,16%.

Kim ngạch XNK của Singapore tháng 8 tiếp tục tăng cao, tiếp tục chuỗi tăng trưởng mạnh được ghi nhận trong các tháng trước đó: 17,86% (tháng 7), 25,05% (tháng 6), 30,93% (tháng 5),  26,29% (tháng 4) và 22,19% (tháng 3).

Các số liệu tích cực trong hầu hết các tháng của 3 quý đầu năm 2021 giúp kim ngạch XNK của Singapore trong 8 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng dương 16,31%, đạt gần 740 tỷ SGD; trong đó XK tăng 16,11%, đạt 392,6 tỷ SGD và NK tăng 16,53%, hơn 347 tỷ SGD. Sản xuất nội địa của Singapore trong 8 tháng đầu năm cũng tăng trưởng dương khá cao, xuất khẩu hàng nội địa của Singapore tăng 13,01%, đạt gần 180 tỷ SGD, trong khi hàng hóa tái xuất qua Singapore vào Việt Nam tăng 18,86%, đạt hơn 213 tỷ SGD.

1.2 Với 15 đối tác thương mại lớn: Trong 8 tháng đầu năm 2021 (so với cùng kỳ 2020), trong 15 đối tác có kim ngạch thương mại lớn nhất (chiếm 80,63% tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới), có tới 13/15 đối tác có kim ngạch thương mại tăng trưởng dương, 12/13 đối tác tăng ở mức 2 con số như Australia (49,7%), Ấn Độ (37,58%), Đài Loan (32,96%), Hong Kong (26,45%), Pháp (17,85%), Trung Quốc (20,23%), Malaysia (22,44%), Hàn Quốc (19,47%)… Việt Nam có kim ngạch thương mại hai chiều với Singapore tăng trưởng dương 16,93%, đứng 11/15. 2/15 đối tác thương mại lớn nhất còn lại có kim ngạch thương mại 2 chiều với Singapore giảm gồm Thái Lan (-3,79%), Mỹ (-2,71%).

Kim ngạch thương mại trong gần 3 quý đầu năm 2021 với hầu hết đối tác lớn quay đầu tăng trưởng dương so với năm 2020 là dấu hiệu khởi sắc đáng kích lệ của nền kinh tế ngoại thương Singapore.

Về nhập khẩu: Các thị trường nhập khẩu chính của Singapore với kim ngạch nhập khẩu từ 7 tỷ SGD trở lên gồm Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Pháp, United Arab Emirates, Đức, Thái Lan và Thụy Sỹ. 17/20 thị trường có kim ngạch nhập khẩu tăng, một số thị trường tăng cao như United Arab Emirates (tăng 91,14%), Australia (tăng 75,32%), Ấn Độ (33,75%), Saudi Arabia (tăng 31,43%)… Việt Nam đứng thứ 19/20 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Singapore và nằm trong nhóm 17/20 thị trường nhập khẩu có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2020. Mức suy giảm nhập khẩu của Singapore trong 8 tháng đầu năm được ghi nhận tại các thị trường Anh (giảm 23,28%), Thái Lan (giảm 19,18%) và Indonesia (giảm 3,23%).

Về xuất khẩu: Các thị trường xuất khẩu chính của Singapore với kim ngạch trên 10 tỷ SGD gồm Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Mỹ, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Australia, Ấn Độ… Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Singapore với mức tăng trưởng khá cao, khoảng 21,44%. Trong 8 tháng đầu năm 2021, có 17/20 thị trường xuất khẩu của Singapore tăng trưởng dương, một số thị trường xuất khẩu của Singapore có mức tăng trưởng khá cao, cá biệt có thị trường tăng 3 con số như Campuchia (tăng 455,43%), Ấn Độ (40,01%), Australia (36,99%), Trung Quốc (29,65%), Hong Kong (28,57%), Đài Loan (tăng 26,59%), Malaysia (18,99%), … Đáng chú ý, 3 thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất gồm Trung Quốc, Hong Kong và Malaysia đều tăng khá cao. 3/20 thị trường xuất khẩu chủ lực còn lại tăng trưởng âm gồm Hà Lan (-14,6%), Mỹ (-10,11%) và Nhật Bản (-6,14%),.

1.3 Theo ngành hàng:

Về XK: Trong tháng 8, trong 21 nhóm ngành hàng XK chủ lực, chỉ có 5/21 nhóm ngành hàng tăng trưởng âm như ngọc trai, đá quý, sản phẩm kim hoàn (giảm 55,08%), thức ăn và sản phẩm chế biến (giảm 20,48%), phương tiện tàu bay, vũ trụ và các bộ phận (giảm 15,33%), xe cộ và thiết bị vận tải, ngoại trừ xe trên đường ray (giảm 9,01%) và hóa chất hữu cơ (giảm 9,7%). 16/21 nhóm ngành XK chủ lực còn lại đều tăng, nhiều ngành hàng tăng ở mức 2 và 3 con số như nhóm hàng hóa khác (tăng 368,16%), sắt thép (tăng 80,93%), xăng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 64,33%), các sản phẩm từ sắt thép (tăng 61,54%)… Đây là tín hiệu khá tích cực đối với nền kinh tế Singapore. Nếu đà tăng trưởng này được duy trì trong quý còn lại của năm 2021, cán cân kim ngạch XK của Singapore sẽ có cải thiện đáng kể trong năm 2021.

Về NK: Trong tháng 8, trong 21 nhóm ngành hàng NK chủ lực của Singapore, có 4/21 nhóm ngành hàng tăng trưởng âm, gồm bưu phẩm (giảm 17,53%), đồng hồ, đồng hồ cá nhân và bộ phận (giảm 5,56%), hóa chất (giảm 3,96%) và nhựa và sản phẩm từ nhựa (giảm 0,47%). 17/21 nhóm ngành hàng NK chủ lực còn lại tăng trưởng dương, có nhiều ngành hàng NK tăng ở mức rất cao, thậm chí tăng ở mức 3 con số như nhóm hàng hóa khác (tăng 233,585), máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện (tăng 216,18%), sắt thép (tăng 184,41%), lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang bị phụ tùng (tăng 121,64%), máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ,  nhạc cụ và phụ kiện các loại (tăng 105,96%)… Đáng lưu ý, 2/3 nhóm ngành hàng NK chiếm tỷ trọng lớn nhất, với kim ngạch trên 6 tỷ SGD, tăng ở mức 3 con số. Singapore là một trong các thị trường trung gian để xuất vào nước thứ 3 vì vậy sự tăng trưởng ngoạn mục trong cán cân NK đồng nghĩa với việc cầu nhập khẩu của các quốc gia trong khu thông qua thị trường Singapore cũng đang gia tăng.

  1. Phân tích cán cân XNK Việt Nam – Singapore:

Trong tháng 8, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt 2,2 tỷ SGD, tăng 17,03% so với cùng kỳ 2020, trong đó XK từ Việt Nam sang Singapore đạt hơn 458 triệu SGD, tăng 9,92% và NK từ Singapore vào Việt Nam đạt 1,7 tỷ SGD, tăng 19,05%.

Trong hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá xuất xứ Singapore, đạt 342,6 triệu SGD, giảm 7,87% và hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam, đạt 1,4 tỷ SGD (chiếm 80%), tăng 28,22%.

Theo số liệu trên đây, cán cân XNK giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 8 tăng ở mức cao, tiếp tục chuỗi tăng trưởng được ghi nhận trong tháng 1 (25,92%), tháng 3 (18,81%), tháng 4 (24,04%), tháng 5 (tăng 30,05%), tháng 6 (19,59%) và tháng 7 (tăng 17,86%) sau khi giảm sâu khoảng -11,05% trong tháng 2/2021.

Do đó, xét trong cả 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore duy trì đà tăng trưởng dương, khoảng 16,93%, đạt 17,4 tỷ SGD, trong đó XK đạt 3,9 tỷ SGD, tăng 3,75% và NK khoảng 13,4 tỷ SGD, tăng 21,44%.

Tuy nhiên, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Singapore vẫn ở mức lớn (khoảng hơn 10 tỷ SGD).

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Singapore theo nhóm ngành hàng:

Cũng theo số liệu trên, trong tháng 8, kim ngạch XK hàng hoá từ VN sang Singapore tiếp tục tăng trưởng dương, nhiều nhóm ngành hàng tăng trưởng ở mức 2 con số, đáng chú ý có 4/21 nhóm ngành hàng tăng ở mức 3 con số như xăng dầu và sản phẩm xăng dầu (tăng 781,57%), gỗ và sản phẩm đồ gỗ (tăng 368,69%), thuốc nhuộm, sơn, mực màu các loại (tăng 278,74%) và các sản phẩm chế biến khác (tăng 219,12%). Tuy nhiên, có tới 7/21 nhóm hành hàng XK chủ lực tăng trưởng âm như máy móc, thiết bị, điện thoại di động và linh kiện (giảm 13,27%), giày dép các loại (giảm 26,2%), quần áo may mặc không thuộc hàng dệt kim (giảm 32,28%), đồng hồ, đồng cá nhân và phụ kiện (giảm 22%)… Việc suy giảm XK của các mặt hàng liên quan lĩnh vực sản xuất công nghiệp điện tử, may mặc, nông nghiệp…

Nhập khẩu hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam theo nhóm ngành hàng:

Tháng 8 vẫn chứng kiến đà tăng NK từ Singapore vào Việt Nam, sau khi thiết lập nhiều kỷ lục mới về mức tăng trưởng trong các tháng liền kề trước đó. Có 14/21 nhóm ngành hàng NK tăng trưởng dương, nhiều nhóm ngành hàng NK tăng ở mức 3 con số như đồng và sản phẩm từ đồng (tăng 3204%), sắt thép (tăng 1249,18%). Ba nhóm ngành hàng NK chiếm tỷ trọng lớn nhất như máy móc, thiết bị, điện thoại di động và linh kiện, lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện, và nhựa và sản phẩm từ nhựa, đều tăng khá cao, lần lượt 18,33%, 92,45% và 40,97%. Có 7/21 nhóm ngành hàng NK chính còn lại tăng trưởng âm như sữa và sản phẩm ngũ cốc (giảm 33,12%), nước hoa, mỹ phẩm (giảm 31,17%), hóa chất hữu cơ (giảm 28,95%), xăng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ (giảm 22,81%)… Đà tăng NK từ Singapore vào Việt Nam được duy trì khá ổn định trong thời gian qua. Đáng chú ý, tỷ trọng hàng hóa xuất sứ Singapore xuất sang Việt Nam có xu hướng tăng mạnh và không giảm trong thời gian dài. Điều này cho thấy Việt Nam là thị trường tiêu thụ cuối cùng của Singapore. Xu hướng này sẽ gia tăng thêm áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]