- Khái quát về các quy định Vệ sinh an toàn thực phẩm của Singapore
Tại Singapore, việc sản xuất, nhập khẩu và bày bán các sản phẩm thực phẩm được quy định bởi Luật Kinh doanh Thực phẩm năm 2002 (được sửa đổi thay thế một số điều vào ngày 7 tháng 12 năm 2017). Các hoạt động thương mại liên quan đến thực phẩm đều nằm dưới sự quản lý của Cơ quan quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y (Agri-Food and Veterinary Authority of Singapore – AVA); từ tháng 4/2019 đổi tên là Cơ quan thực phẩm Singapore (Singapore Food Authority – SFA) là cơ quan trực thuộc Bộ Phát triển Quốc gia (Ministry of National Development).
Các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch của Singapore đều tuân theo các tiêu chuẩn, hướng dẫn quốc tế và các khuyến nghị của Bộ quy tắc về thực phẩm, Tổ chức Sức khoẻ Động vật Thế giới (OIE) và Công ước về Bảo vệ Thực vật Quốc tế (IPPC). Trường hợp không có các tiêu chuẩn quốc tế/khu vực, Singapore trực tiếp tiến hành các biện pháp đánh giá và đưa ra các quyết định quản lý rủi ro trên cơ sở các thông số về kinh tế, kỹ thuật và các yếu tố liên quan khác. Các biện pháp SPS tạm thời có thể được đưa ra trong trường hợp chưa đủ các bằng chứng khoa học.
Tất cả các công ty Singapore muốn nhập khẩu, xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản và sản phẩm thực phẩm được yêu cầu phải xin giấy phép có liên quan hoặc đăng ký với SFA.
- Quy định chung về việc nhập khẩu thực phẩm
Tại Singapore, việc nhập khẩu một số sản phẩm như sữa và các sản phẩm từ sữa, động vật tươi sống, thịt, cá được đánh giá là “rủi ro cao” và phải chịu kiểm soát chặt chẽ, bao gồm: cấp phép đối với nông trại ở nước ngoài, các quy trình kiểm tra và kiểm định.
Cụ thể như sau:
- Việc nhập khẩu thịt sống chỉ được chấp nhận đối với các cơ sở được cấp phép từ các nước Singapore đã có thoả thuận.
- Sản phẩm trứng tươi chỉ được nhập khẩu từ các trang trại được SFA cấp phép tại một số nước bao gồm: Australia, Nhật, Malaysia, Hàn Quốc, New Zealand, Thuỵ Điển và Hoa Kỳ.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa có xuất xứ từ các nước không có dịch bệnh lở mồm long móng có thể được nhập khẩu nếu chứng minh được việc sản phẩm đã được tiệt trùng kép.
- Các sản phẩm từ các loài động vật thân mềm có vỏ rủi ro cao như: hàu, sò, tôm đã qua chế biến, thịt cua đã chế biến chỉ được nhập từ một số nguồn nhất định có các chương trình vệ sinh được công nhận. Hàu sống chỉ được nhập từ Australia, Canada, Pháp, Ireland, Hà Lan, New Zealand, Anh và Hoa Kỳ.
- Theo Luật Kiểm soát Thực vật, việc nhập khẩu thực vật và các sản phẩm thực vật được quản lý bởi SFA để ngăn ngừa các giống cây độc hại thâm nhập vào môi trường Singapore và khu vực. Các giống cây được trồng tại các công viên công nghệ nông nghiệp của Singapore cũng chịu sự quản lý của SFA. Thực vật nhập khẩu phải có chứng chỉ kiểm dịch từ nước xuất xứ. SFA cũng cấp các chứng chỉ kiểm dịch đối với cây trồng và sản phẩm thực vật xuất khẩu từ Singapore đi các nước khác.
Mỗi loại thực phẩm sẽ tương ứng với các quy định pháp lý mà các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ:
Loại thực phẩm | Quy định |
Thịt và cá | – Luật về Thịt và Cá sạch
– Luật về kinh doanh thực phẩm – Quy định về Thực phẩm |
Rau quả tươi, thực vật, sản phẩm thực vật | – Luật kiểm soát thực vật
– Luật về kinh doanh thực phẩm – Quy định về Thực phẩm |
Trứng tươi | – Luật về Động vật và gia cầm
– Luật về kinh doanh thực phẩm – Quy định về Thực phẩm |
Trứng chế biến
Thực phẩm chế biến Thiết bị thực phẩm |
– Luật về kinh doanh thực phẩm
– Quy định về Thực phẩm |
- Các quy định chi tiết về việc nhập khẩu một số nông sản-thực phẩm chính:
– Thịt và sản phẩm thịt:
Việc nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt chỉ được phép từ các nguồn đã được phê duyệt bởi SFA. Mỗi lô hàng nhập khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận sức khỏe thú y do cơ quan thú y của nước xuất khẩu cấp, xác nhận rằng đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về sức khỏe động vật và an toàn thực phẩm của Singapore.
Mỗi thùng và đơn vị đóng gói cơ bản của thịt và sản phẩm nhập khẩu phải được dán nhãn với các nội dung sau đây:
+ Mô tả của sản phẩm thịt;
+ Nguồn gốc quốc gia sản xuất sản phẩm thịt;
+ Tên thương hiệu của sản phẩm thịt (nếu có);
+ Tên và chỉ định số lượng các cơ sở chế biến, trong đó có ngày của của các sản phẩm thịt đã được xử lý (nếu có);
+ Đối với trường hợp sản phẩm thịt chế biến cần có tên và số đăng ký của nhà giết mổ, ngày giết mổ;
+ Tên và số đăng ký của cơ sở đóng gói, ngày đóng gói;
+ Số lô và nơi đóng hộp sản phẩm thịt, mã đóng hộp;
+ Trọng lượng tịnh của sản phẩm thịt chứa trong mỗi gói và thùng carton bên ngoài.
- Cá và sản phẩm hải sản:
Yêu cầu phải có giấy phép và sự cho phép của SFA; có thể nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào. Cá được cho là sản phẩm có nguy cơ rủi ro thấp. Chỉ có một số sản phẩm được cho là có nguy cơ cao (như loại động vật có vỏ như trai sò, hàu, vẹm, cua, tôm) là đối tượng phải áp dụng một số quy định như sau:
Sản phẩm có nguy cơ cao | Điều kiện |
Hàu sống bỏ vỏ ướp lạnh
Thịt sò ướp lạnh |
Cấm nhập khẩu |
Tôm/tôm hùm, thịt cua ướp lạnh | Cấm nhập khẩu
|
Sò sống | – Chỉ được phép nhập khẩu từ các quốc gia đáp ứng yêu cầu của SFA cho chương trình vệ sinh động vật có vỏ. Quốc gia hiện đã được phê duyệt là Úc, Canada, Pháp, Ireland, Hà Lan, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
– Mỗi lô hàng phải kèm theo giấy chứng nhận y tế do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp, xác nhận rằng các yêu cầu về sức khỏe động vật và an toàn thực phẩm của Singapore đã được tuân thủ. |
Sò đông lạnh
Thịt sò huyết đông lạnh Tôm đông lạnh nấu chín Thịt cua đông lạnh hoặc nấu chín |
Mỗi lô hàng phải kèm theo giấy chứng nhận y tế do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp, xác nhận rằng các yêu cầu về sức khỏe động vật và an toàn thực phẩm của Singapore đã được tuân thủ. |
– Rau quả tươi:
Trái cây và rau quả tươi có thể được nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào, yêu cầu phải có giấy phép và sự cho phép của SFA. Căn cứ Luật quản lý về thực vật, trái cây tươi và rau quả nhập khẩu không được chứa bất kỳ loại thuốc trừ sâu bị cấm, hoặc mức độ dư lượng thuốc trừ sâu hoặc dư lượng hóa chất độc hại vượt quá mức quy định tại Biểu thứ Chín của Luật Thực phẩm hoặc khuyến nghị của FAO/WHO. Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y phải được kèm theo mỗi lô hàng nhập khẩu từ các nước trong khu vực Nam Mỹ. Mỗi thùng hàng phải được dán nhãn với các nội dung sau đây:
+ Tên và địa chỉ của nhà sản xuất;
+ Mô tả của sản phẩm.
Tất cả các loại rau quả tươi nhập khẩu đều phải chịu sự kiểm tra của SFA. SFA sẽ lấy mẫu và tiến hành kiểm dịch tại phòng thí nghiệm dựa trên chương trình giám sát chặt chẽ.
– Đối với thực phẩm chế biến:
Được nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào, yêu cầu phải đăng ký và cho phép của SFA. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo rằng các sản phẩm thực phẩm chế biến mà doanh nghiệp có ý định nhập khẩu được sản xuất tại một cơ sở dưới sự giám sát thích hợp của cơ quan thực phẩm có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc trong đó có một chương trình đảm bảo chất lượng được SFA chấp nhận. Doanh nghiệp được yêu cầu cung cấp những giấy tờ chứng minh rằng các sản phẩm nhập khẩu được sản xuất tại một cơ sở đúng theo quy định. Riếng đối với những sản phẩm có độ rủi ro cao như sữa công thức cho trẻ em, đồ nước uống thì doanh nghiệp phải cung cấp Giấy chứng nhận Y tế, kiểm tra lấy mẫu, sau đó đạt tiêu chuẩn mới cho phép tiêu thụ và có thực hiện giám sát sản phẩm sau khi tiêu thụ trên thị trường.
– Đối với mặt hàng gạo:
Theo quy định hiện hành của Singapore gạo là mặt hàng thuộc diện Chính phủ kiểm soát giá. Các doanh nghiệp tham gia kinh doanh gạo ở bất kỳ công đoạn nào cho dù là nhập khẩu để tiêu thụ trong thị trường nội địa hay nhập khẩu để tái xuẩt, lập kho dự trữ hay chế biến và bán buôn gạo đều phải có giấy phép kinh doanh do Cục Doanh nghiệp quốc tế Singapore (IES) thuộc Bộ Công Thương Singapore cấp. Tất cả các lô hàng gạo nhập khẩu, tái xuất khẩu hay quá cảnh Singapore đều phải có Giấy phép nhập khẩu, tái xuất khẩu hoặc quá cảnh Singapore. Các nhà nhập khẩu có thể bán gạo cho các cơ sở bán buôn hoặc trực tiếp cho các cơ sở bán lẻ. Các nhà nhập khẩu cũng có thể xây dựng mạng lưới phân phối của riêng mình nhưng giấy phép kinh doanh nhập khẩu và giấy phép kinh doanh bán buôn gạo được cấp riêng. Việc xuất nhập khẩu và kinh doanh gạo hoàn toàn do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện.
Giấy phép nhập khẩu gạo chỉ được cấp cho nhà nhập khẩu khi làm thủ tục nhập khẩu và phải tham gia Chương trinh Kho dự trữ gạo.
Việc nhập khẩu và phân phối gạo để bán hoặc tiêu thụ trong nước được thực hiện bởi các nhà nhập khẩu và thương nhân trong khu vực tư nhân nhưng nhập khẩu và bán buôn gạo phải được cấp phép riêng. Các thương nhân có kho dự trữ phải cam kết trước về lượng gạo muốn nhập khẩu hàng tháng để cung cấp cho thị trường nội địa và lượng gạo này có thể được điều chỉnh tùy tình hình thị trường và thời kỳ nhất định. Lượng gạo dự trữ tối thiểu hàng tháng cho gạo trắng là 50 tấn và không có lượng gạo dự trữ tối thiểu hàng tháng cho Basmati, gạo Ponni, gạo đồ. Các doanh nghiệp tham gia dự trữ cũng phải lưu một lượng dự trữ trong kho được chính phủ chỉ định và lượng dự trữ này phải gấp đôi lượng muốn nhập khẩu hàng tháng với gạo trắng và gấp đôi lượng muốn nhập khẩu trung bình hàng tháng cho gạo Basmati, gạo Ponni và gạo đồ. Gạo dự trữ sẽ liên tục được thay mới, không trữ trong kho Chính phủ quá một năm. Quyền sở hữu gạo thuộc về thương nhân tham gia dự trữ gạo, tuy nhiên Chính phủ có quyền yêu cầu thu gom gạo có đền bù trong các trường hợp khẩn cấp.
Theo luật kinh doanh lương thực của Singapore thì mỗi bao gạo sẽ phải dán nhãn tương ứng cho từng chủng loại gạo bán cho khách hàng và phải đảm bảo tất cả gạo trước khi đóng gói bày bán tại Singapore phải dán nhãn với chi tiết như sau: – Chủng loại gạo; – Hàm lượng tinh bột; – Trọng lượng tịnh; – Nhãn hàng (nếu có); – Tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu nhà phân phối, đại lý hoặc đơn vị đóng bao.
– Đối với mặt hàng sữa:
Hiện tại, cơ quan kiểm định thực phẩm của Singapore (SFA) đưa ra những hàng rào kỹ thuật hết sức khó khăn cho sản phẩm sữa của Việt Nam – một quốc gia vẫn nằm trong danh sách bị ảnh hưởng của bệnh lở mồm long móng (FMD) theo Tổ chức Thú y thế giới. Vì vậy để có thể đạt được đủ điều kiện để xuất khẩu sữa tươi sang Singapore, các nhà sản xuất sữa tươi của Việt Nam cần tham khảo một số quy trình sau đây áp dụng với những quốc gia chưa miễn nhiễm vơi FMD.
Điều kiện để các Công ty xuất khẩu sữa tươi xuất khẩu các sản phẩm sữa:
- Chịu sự giám sát thích hợp của Cơ quan thực phẩm của Việt Nam hoặc
- Có một chương trình đảm bảo chất lượng được SFA chấp nhận.
Nhà nhập khẩu của Singapore sẽ phải lưu giữ những tài liệu chứng minh rằng các sản phẩm nhập khẩu được sản xuất trong điều kiện vệ sinh tại một cơ sở sản xuất đúng quy định. Sau đây là một số ví dụ về những tài liệu mà SFA chấp nhận để dùng làm tài liệu chứng minh:
- Giấy chứng nhận HACCP
- Giấy chứng nhận GMP
- Giấy chứng nhận sức khỏe (do cơ quan có thẩm quyền về thực phẩm hoặc thú y của nước xuất khẩu cấp)
- Chứng nhận xuất khẩu (do cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan thú y của nước xuất khẩu cấp)
- Giấy phép hoạt động của nhà máy (do cơ quan quản lý của nước xuất khẩu cấp)
Tất cả các chất phụ gia thực phẩm và các thành phần có trong sản phẩm sữa tươi xuất khẩu phải nằm trong danh sách cho phép Quy định bởi SFA:
Phụ gia thực phẩm được phép theo Quy định thực phẩm Singapore: https://www.sfa.gov.sg/docs/default-source/tools-and-resources/resources-for-businesses/foodadditivesunderfr_inclnewadditivesunderfdamdtre.pdf
Thông tin hướng dẫn về các yêu cầu sử dụng phụ gia thực phẩm: https://www.sfa.gov.sg/docs/default-source/tools-and-resources/resources-for-businesses/guidance-information-on-requirements-for-food-additives.pdf
Tất cả các sản phẩm thực phẩm đóng gói sẵn để bán ở Singapore phải được dán nhãn theo các yêu cầu được chỉ định: https://www.sfa.gov.sg/food-information/labelling-packaging-information/labelling-guidelines-for-food-importers-manufacturers
Các sản phẩm sữa từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi bệnh lở mồm long móng (FMD)
Những điều kiện để tiến hành nhập khẩu đối với các sản phẩm sữa (sữa nước thanh trùng, phô mai, bơ, kem, sữa chua, sữa bột) từ các nước bị ảnh hưởng bởi FMD như sau:
Đệ trình bằng chứng tài liệu (nộp một lần) rằng các sản phẩm sữa được sản xuất tại cơ sở được quy định bởi cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: bản sao có chứng thực giấy phép của nhà sản xuất)
Đệ trình giấy chứng nhận y tế (mỗi lô hàng) trong đó đề cập rằng thành phần nguyên liệu sữa đã tuân theo một trong các quy trình sau:
- một quy trình tiệt trùng áp dụng nhiệt độ tối thiểu 132 ° C trong ít nhất một giây (nhiệt độ cực cao [UHT]), hoặc
- nếu sữa có độ pH nhỏ hơn 7,0, quy trình tiệt trùng áp dụng nhiệt độ tối thiểu 72 ° C trong ít nhất 15 giây (nhiệt độ cao – thanh trùng thời gian ngắn [HTST]), hoặc
iii. nếu sữa có độ pH từ 7,0 trở lên, quy trình HTST được áp dụng hai lần.
- Giấy chứng nhận y tế nên bao gồm các thông tin sau:
- Mô tả các sản phẩm bao gồm tên thương hiệu và tính chất của sản phẩm;
- Số lượng trong các đơn vị thích hợp;
iii. Số nhận dạng lô và ngày sản xuất;
- Tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc cơ sở chế biến
- Tên và địa chỉ của người nhập khẩu hoặc người nhận hàng;
- Tên và địa chỉ của người xuất khẩu hoặc người gửi hàng;
vii. Quốc gia xuất hàng;
viii. Quốc gia đến
– Đối với mặt hàng trứng:
Đối với thị trường Singapore, sản phẩm trứng tươi chỉ có thể được nhập từ các quốc gia và trang trại được Cơ quan quản lý thực phẩm – SFA phê duyệt. Mỗi lô hàng trứng phải được bắt nguồn từ một trang trại duy nhất. Giấy chứng nhận y tế thú y do cơ quan thú y của nước xuất khẩu cấp phải kèm theo mỗi lô hàng. Giấy chứng nhận có thời hạn trong vòng 7 ngày từ ngày nhập khẩu và tuân thủ tất cả các điều kiện quy định của SFA đã nêu.
Trứng đã qua chế biến chỉ có thể nhập khẩu từ các nguồn đã được kiểm định và phê duyệt bởi SFA. Mỗi lô hàng phải kèm theo giấy chứng nhận y tế do cơ quan thú y của nước xuất khẩu cấp, xác nhận rằng các yêu cầu về sức khỏe động vật và an toàn thực phẩm của Singapore đã được tuân thủ.
Có hai giai đoạn trong quy trình công nhận và phê duyệt như sau:
- Giai đoạn đầu tiên là kiểm định quốc gia, tiến hành đánh giá cơ sở hạ tầng thú y, tình trạng bệnh của động vật và các quy định an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu.
- Giai đoạn thứ hai là đánh giá các trang trại riêng lẻ, giai đoạn này sẽ chỉ bắt đầu sau khi giai đoạn đầu tiên được hoàn thành.
Chi tiết quá trình tiến hành công nhận và phê duyệt cho 02 giai đoạn như sau:
- Phê duyệt cho nước xuất xứ
Nếu quốc gia chưa được chấp thuận xuất khẩu trứng sang Singapore, cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin sau cho SFA để xem xét:
- Việc thiết lập và cơ cấu tổ chức của các dịch vụ thú y;
- Tình hình dịch bệnh gia cầm và các chương trình quốc gia về kiểm soát và phòng ngừa các bệnh đó;
- Bản sao quy định pháp lý (bản dịch bằng tiếng Anh) để kiểm soát và ngăn chặn sự xuất hiện của các bệnh gia cầm trong nước;
- Bản sao Quy định pháp luật về việc quản lý trang trại gia cầm, lưu trữ, xử lý và phân phối trứng gia cầm;
- Cơ quan cấp phép và hệ thống cấp phép của các trang trại đã được phê duyệt;
- Các chương trình quốc gia về kiểm soát vi sinh và dư lượng trên trứng và thịt gia cầm.
- Chương trình quốc gia về kiểm soát vi khuẩn Salmonella Enteritidis. Các trang trại gia cầm để xuất khẩu phải đảm bảo không có vi khuẩn Salmonella Enteritidis (SE) và SFA muốn có thông tin chi tiết về vắc-xin và lịch tiêm chủng nếu việc tiêm vắc-xin SE được thực hiện trong các trang trại thương mại.
- Phê duyệt cho trang trại trứng
Đơn xin xuất khẩu trứng vào thị trường Singapore sẽ chỉ được xem xét sau khi nước xuất khẩu đã được chấp thuận xuất khẩu sang Singapore. Tất cả các đơn xin sẽ phải được nộp thông qua cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu và các thông tin sau sẽ được yêu cầu từ (các) trang trại để đánh giá. Sau khi những quy trình về giấy tờ này được thông qua, những đợt kiểm tra thực địa sẽ được tiến hành để kiểm tra hệ thống quốc gia và các trang trại riêng lẻ trước khi cấp phép cho quốc gia và trang trại để xuất khẩu trứng để sang Singapore, cụ thể như sau
- Tên, địa chỉ và vị trí của trang trại;
- Số lượng gia cầm, giống và sản lượng ước tính mỗi tháng;
- Loại nhà ở (chống chim mở, hệ thống nhà kín), nguồn nước và thức ăn;
- Vệ sinh và an toàn sinh học của trang trại, như hàng rào chu vi, tiếp cận nhân sự, tách biệt giữa các khu vực sản xuất và quản lý;
- Vệ sinh như quy trình khử trùng, chất khử trùng được sử dụng và tần suất khử trùng;
- Thực hành quản lý, đặc biệt liên quan đến sự di chuyển của gà con, phân chuồng và thức ăn cũ, xử lý và phân loại trứng, chương trình kiểm soát dịch hại, các loại hồ sơ và hệ thống lưu giữ hồ sơ;
- Các chương trình giám sát dịch bệnh, đặc biệt là chương trình giám sát đối với vi khuẩn Salmonella Enteritidis (SE). Trang trại phải thực hiện một chương trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để giám sát SE;
- Chương trình sử dụng thuốc và tiêm chủng;
Các doanh nghiệp có nhu cầu nắm bắt thông tin thị trường và số liệu nhập khẩu cũng như các quy định cụ thể hơn liên quan đến từng mặt hàng, đề nghị liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Singapore qua địa chỉ email: [email protected].