Đặc sản Việt vào siêu thị lớn, xuất Singapore, xuất Nhật

41996

Nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc,… đã khai mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 chiều nay, 11/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, qua 5 năm triển khai, Chương trình đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.

Chương trình không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mà còn hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc,… đã khai mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên báo Hải quan, chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những kết quả nổi bật mà Chương trình đạt được là khuyến khích phát triển mặt hàng là lợi thế phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi của một số địa phương đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu nông sản hàng hóa được thị trường trong nước và quốc tế biết đến.

Điển hình như, vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, mật ong rừng Sơn Động, chè shan tuyết Mộc Châu, cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn, bưởi Đoan Hùng… cùng với nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh khác.

Nhiều sản phẩm đặc sản của Việt Nam đã được đưa vào các hệ thống bán lẻ lớn như Big C, MM Mega Market, Aeon, Saigon Co.op… sau đó xuất khẩu ra nước ngoài.

“Cụ thể, Saigon Co.op xuất khẩu sang Singapore; Big C xuất khẩu sang Thái Lan, MM Mega Market xuất khẩu sang Thái Lan và đang làm chương trình xuất khẩu đi một số nước nữa; Aeon xuất khẩu sang Nhật Bản…”, bà Nga nói.

dac san viet vao sieu thi lon xuat singapore xuat nhat
Một số mặt hàng nông sản được trưng bày, giới thiệu trong khuôn khổ hội nghị

Dù vậy, bà Nga cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong những năm qua cũng gặp phải một số khó khăn, bất cập.

Điển hình như, nguồn lực thực hiện các cơ chế, chính sách đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo hàng năm chưa được cụ thể hóa trong Luật Ngân sách nên các bộ, ngành và địa phương bị động trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện.

Việc triển khai thực hiện qua 5 năm (từ 2016 – 2020) nhưng kinh phí được cấp thực tế mới chỉ đạt khoảng 15% trên tổng số kinh phí cần thiết của Chương trình.

Ngoài ra, các mặt hàng là tiềm năng mới chỉ đạt ở mức sản xuất nhỏ lẻ, đơn thuần, thiếu tập trung, chưa đủ lớn để thu hút đầu tư phát triển. Sản phẩm đặc trưng sản xuất nhỏ lẻ, theo mùa vụ, chưa được tổ chức/cá nhân chú trọng đến bao bì, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu. Cơ cấu hàng hóa bất cập, thiếu bền vững, chủ yếu là thô sơ, không có giá trị cao.

Bên cạnh đó, bà Nga chỉ rõ, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thiếu và yếu về năng lực quản lý, tìm kiếm và phát triển thị trường, phát triển sản phẩm. Quy mô doanh nghiệp phần đa ở mức nhỏ lẻ, thị trường không ổn định, chưa quan tâm đến quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

“Hàng hóa chưa có tính ổn định, chưa có tính bền vững. Các cơ sở, doanh nghiệp còn thiếu tính chủ động, chưa tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động kết nối”, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025; bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương hàng năm để thực hiện Chương trình theo kế hoạch thực hiện hàng năm được Bộ Công Thương xây dựng.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Uyển Như

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]