Hà Nội đột phá vào những ngành công nghiệp hiện đại, tiên tiến

38867

Quan điểm đó được thống nhất giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trong cuộc làm việc giữa thường trực Thành ủy Hà Nội và Ban cán sự Đảng Bộ Công thương vào chiều 13-8.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, hiện nay quỹ đất của Hà Nội hết sức có hạn thì không ai làm công nghiệp mà chỉ kinh doanh bất động sản. Thứ trưởng Khánh cho rằng trước khi các huyện Thạch Thất, Quốc Oai biến thành khu đô thị thì cần làm ngay quy hoạch, cố gắng đảm bảo không gian công nghiệp và thương mại, dịch vụ nếu không nay mai chỉ toàn là nhà dân, không còn đất nữa.

“Làm sao trên mỗi mét vuông đất phải sinh ra giá trị gia tăng cao nhất. Cho nên Hà Nội không thể làm công nghiệp bình thường mà phải là công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghệ sạch như sản xuất chip, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới… tạo ra giá trị gia tăng lớn chứ không phải là sắt thép, dệt may, da giày…” – ông Khánh gợi ý thêm nếu Hà Nội muốn kim ngạch xuất khẩu tăng trở lại cần đón đầu tư công nghệ cao vào Hà Nội.

“Tôi tha thiết mong bí thư chỉ đạo UBND TP Hà Nội thiết lập hệ sinh thái cho thanh niên khởi nghiệp. Cái này Hà Nội hơi đi sau TP.HCM một chút. Hiện nay các bạn trẻ rất thông minh, có thể khởi nghiệp rất tốt nhưng không biết gì thủ tục thuế, thành lập doanh nghiệp, huy động tiền từ các quỹ đầu tư. Nếu Hà Nội lập ra bộ phận bao gồm những người rất tâm huyết giúp các cháu khởi nghiệp thì hệ sinh thái này sẽ đưa Hà Nội lên vị trí rất là khác” – ông Khánh đề xuất với Bí thư Vương Đình Huệ.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị Hà Nội tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp. Cần xây dựng được các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trên địa bàn Hà Nội thực sự phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh được.

“Hà Nội vẫn tiếp tục nhập siêu. Nhưng trước khi đã quá muộn cần xây dựng được không gian công nghiệp và hệ sinh thái công nghiệp. Nếu không, Hà Nội chỉ thuần túy là trung tâm về dịch vụ và thương mại. Hà Nội không cần sản xuất công cụ thiết bị của công nghiệp nặng nhưng còn dư địa để phát triển dựa trên nguồn lực của nhân lực và trí thức để phát triển các sản phẩm dịch vụ và ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp có giá trị cao. Đó là nền tảng tạo sự phát triển trong tương lai” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị.

Chốt lại cuộc làm việc, Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Hà Nội nhiều công việc. Trong đó, ông đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Hà Nội xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại.

Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành làm ra sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao, làm cơ sở phát triển kinh tế trí thức. Phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tỉ trọng ngành công nghiệp, thương mại và xây dựng chiếm khoảng 23% trong tổng sản phẩm (GRDP) của Hà Nội.

“Hôm trước, làm việc với quận Nam Từ Liêm, tôi đã phát biểu: trông nhà cửa thì hoành tráng nhưng GRDP đầu người chỉ 6 triệu đồng/người, còn thấp hơn bình quân chung của cả nước. Bởi vì, quận chỉ thu tiền sử dụng đất khi giao dự án, tính vào GRDP giá trị xây dựng các tòa nhà đó thôi, sau đó thành phố phải lo. Cho nên Hà Nội phải phát triển hạ tầng cơ sở sản xuất gồm các khu công nghiệp, các khu công nghệ cao, các làng nghề. Phát triển đô thị phải gắn với phát triển kinh tế đô thị là ở chỗ đó ” – ông Huệ dẫn chứng.

TUẤN PHÙNG
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]