Bàn giải pháp mở rộng thị trường ngoài nước cho hàng Việt

142773
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) với các thị trường ngoài nước, Quý I/2022, được Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/4, nhằm tìm kiếm các giải pháp mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu cho hàng hoá Việt.

10 hiệp hội ngành hàng, 26 Sở Công Thương, 51 Thương vụ và Chi nhánh thương vụ tại 46 thị trường nước ngoài và đông đảo doanh nghiệp trên cả nước đã tham dự và đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất để công tác xúc tiến thương mại tại thị trường ngoài nước “đúng” và “trúng” hơn nữa.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Những biện pháp kịp thời, linh hoạt của Chính phủ thời gian qua đã góp phần quan trọng khôi phục sản xuất và thúc đẩy phát triển thị trường xuất nhập khẩu, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột giữa Nga – Ukraine gây nên tác động kép. Hàng loạt hệ luỵ đã xảy ra như đứt gãy các chuỗi cung ứng, cước vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu tăng phi mã, giá vàng liên tục phá đỉnh, các nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, hiệu ứng domino diễn ra trên nhiều lĩnh vực, lan tới cả những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế các nước.

Bàn giải pháp mở rộng thị trường ngoài nước cho hàng Việt
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc hội nghị

Thứ trưởng cũng phân tích, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước và tác động cùng chiều tới chỉ số tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương, các ngành kinh tế và doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn, chủ động xây dựng chiến lược và thực hiện các biện pháp phát triển kinh doanh quốc tế phù hợp trong những điều kiện thị trường mới, Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng quý Hội nghị giao ban XTTM với các thị trường ngoài nước.

“Hội nghị sẽ tạo cơ hội cho các hiệp hội ngành hàng trao đổi về khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động XTTM, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng các địa phương, hiệp hội, và doanh nghiệp sẽ cùng tìm ra những biện pháp XTTM hiệu quả”, Thứ trưởng kỳ vọng.

Đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng đã nêu khó khăn, đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị nhằm đẩy mạnh các hoạt động XTTM phù hợp với bối cảnh thị trường và đạt hiệu quả cao. Trong đó, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), mong muốn: Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài truyền tải thông điệp Việt Nam là trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới; kiên quyết phát triển ngành công nghiệp gỗ bền vững với nguồn nguyên liệu sạch, hợp pháp.

Đại diện VIFORES cũng đề nghị: Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường này để doanh nghiệp trong nước chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và đối phó hiệu quả với các biện pháp điều tra.

Bàn giải pháp mở rộng thị trường ngoài nước cho hàng Việt
Bàn giải pháp mở rộng thị trường ngoài nước cho hàng Việt
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) với các thị trường nước ngoài quý I/2022 bàn giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng Việt

Tương tự, ông Đinh Quốc Thái- Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bày tỏ: Bộ Công Thương nghiên cứu và đưa ra cảnh báo sớm về việc nước nhập khẩu ra các quyết định điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép. Cung cấp thông tin để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể vận dụng hàng rào phi thuế quan như tận dụng ưu đãi từ quy tắc xuất xứ hàng hóa. Cập nhật thông tin về các hàng rào kỹ thuật…

Ngoài ra, đại diện các hiệp hội ngành hàng cũng thống nhất đề nghị Bộ Công Thương triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt Nam với đối tác tại thị trường nước ngoài; làm tốt công tác marketing; tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ chuyên ngành tại thị trường nước ngoài…

Trước đề xuất của đại diện các hiệp hội ngành hàng, ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng Cục XTTM, thông tin: Trong năm 2022, Cục XTTM đã và sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài cho hàng hoá Việt. Trong đó, Chương trình cấp quốc gia về XTTM dành 80,41% kinh phí cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Các hoạt động được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến chủ yếu tập trung vào việc tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế ở nước ngoài (25 đề án), tổ chức hội chợ, triển lãm quốc tế tại Việt Nam đối với sản phẩm xuất khẩu (6 đề án), tổ chức đoàn giao dịch thương mại ở nước ngoài (13 đề án)…

Bàn giải pháp mở rộng thị trường ngoài nước cho hàng Việt
Ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) (vị trí ngồi giữa) đề xuất sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài

Để công tác XTTM ngày càng hiệu quả, Cục XTTM mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa từ phía các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc cung cấp thông tin cập nhật về thị trường nước sở tại, các rào cản kỹ thuật, cảnh báo sớm nguy cơ bị áp đặt kiện chống bán phá giá, các chương trình ưu đãi về đầu tư, thương mại mà chính quyền sở tại có thể dành cho Việt Nam. Tăng cường trao đổi thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.

Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tổ chức tham gia hội chợ triển lãm thương mại tại nước ngoài. Hỗ trợ quảng bá các sự kiện XTTM tổ chức tại Việt Nam, các hội chợ chuyên ngành lớn, đặc biệt chương trình do Bộ Công Thương chủ trì như Vietnam Expo, Foodexpo, các chương trình quảng bá Thương hiệu quốc gia, thương hiệu thực phẩm. Tham dự các hội nghị trực tuyến và phát biểu, chia sẻ thông tin; phối hợp mời các doanh nghiệp sở tại có nhu cầu làm ăn, kinh doanh với Việt Nam tham dự các hoạt động kết nối giao thương trên môi trường số.

Congthuong

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]