Sức bật từ EVFTA giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới trên thế giới

20225
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được nhận định  là sức bật cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.

Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Ngô Chung Khanh- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) để bạn đọc có cái nhìn tổng quát hơn về hiệp định này     

Sau gần một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ, EVFTA đã đến giai đoạn “nước rút”, ông có thể phân tích thêm về ý nghĩa của hiệp định này đối với quan hệ kinh tế Việt Nam – EU và với nền kinh tế Việt Nam?

Bên cạnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ lợi ích từ hiệp định này. EU là đối tác thương mại hàng đầu và là một trong những nước Việt Nam xuất siêu nhiều nhất trên thế giới. Hiện nay hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU đang chịu mức thuế dao động trung bình từ 9-15%, tuy nhiên ngay khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế về 0% sau lộ trình 7 năm.

Về tác động đến kinh tế, EVFTA sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp Việt có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn nữa sang các thị trường lớn, tạo ra động lực tăng quy mô thương mại giữa hai bên. Người Việt Nam sẽ được sử dụng các hàng công nghiệp của với EU giá cạnh tranh hơn, ngược lại người dân EU cũng được sử dụng các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam với giá hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, một trong những tác động quan trọng nhất là giúp các doanh nghiệp chuyển hóa mô thức kinh doanh, chú trọng sản xuất các sản phẩm công nghệ có giá trị cao hơn. Như vậy, EVFTA không chỉ đem lại một thị trường mở cửa rộng lớn, hiệu quả kinh doanh cao từ quá trình thay đổi tư duy tạo ra hàng hóa chất lượng mà còn giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất mới trên thế giới. Chúng ta đã có hiệp định CPTPP, giờ có thêm EVFTA tạo mắt xích quan trọng, giúp các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng nếu muốn đầu tư vào Việt Nam.

Cùng với CPTPP, EVFTA là hiệp định có phạm vi và mức độ cam kết rộng, cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Xuyên suốt quá trình đàm phán khá dài, hai bên đã trải qua những khó khăn như thế nào để có được tiếng nói chung, thua ông?

Có thể nhấn mạnh, đến thời điểm hiện nay chúng ta đã trải qua rất nhiều khó khăn trong tiến trình chinh phục EVFTA. Trong quá trình đàm phán, khó khăn thì nhiều nhưng theo tôi có hai khó khăn lớn nhất. Một là, chúng ta gặp khó khăn lớn về cách tiếp cận của EU và Hoa Kỳ trái ngược nhau do EVFTA đàm phán cùng lúc với CPTPP. Nếu đạt kết quả đàm phán được với EU thì chúng ta sẽ rất khó tiếp cận được với Hoa Kỳ và ngược lại. Để tìm được điểm dung hòa, hợp tác với hai nước trong thời điểm đó là rất khó khăn với Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, nhờ tìm được cách tiếp cận sáng tạo, Việt Nam đã đáp ứng được cả phía Hoa Kỳ và cả EU.

Cái khó thứ hai và mấu chốt quan trọng sau quá trình thương thảo thành công, EVFTA bị tách làm đôi (Hiệp định EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu – IPA). Đây là bài toán cực kỳ khó nhưng không phải là không có lời giải. Việt Nam đang cùng với EU tìm cách để đạt kết quả đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình mới khi hiệp định bị tách ra. Trong đó, để đạt được kết quả mong muốn, Việt Nam cần tăng cường đàm phán, tích cực xây dựng mối quan hệ thân thiết, chặt chẽ, tin cậy lẫn nhau để tìm được sự đồng cảm, chia sẻ từ phía EU trong quá trình tìm tiếng nói chung.

Được biết, Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thành công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi, áp dụng phương thức tuyên truyền mới về hiệp định, xin ông thông tin rõ hơn và theo ông hành động quyết liệt của Bộ sẽ tác động như thế nào trong trường hợp EVFTA có hiệu lực?

Để đảm bảo hiệp định EVFTA đi vào thực thi một cách hiệu quả mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ Công Thương đang tập trung vào những vấn đề cơ bản sau. Về mặt pháp luật, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng văn bản pháp luật bảo đảm các văn bản này được ban hành ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.

Ngoài ra trong công tác tuyên truyền, phổ biến, Bộ Công Thương đã thực hiện đổi mới phương thức tuyên truyền đẩy mạnh qua kênh online, thực tế chỉ trong thời gian ngắn việc tuyên tuyền đã mang lại kết quả tích cực. Sức lan tỏa của kênh online giúp các hoạt động truyền thông được kết nối sâu rộng đến từng địa phương, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm tuyên truyền chung chung, dàn trải từ các hiệp định trước, Bộ Công Thương tập trung vào các văn bản hướng dẫn, giải thích cam kết về dịch vụ đầu tư, thủ tục cấp phép… giúp địa phương, doanh nghiệp tiếp cận thị trường EU từ quy trình đến phương thức. Ngoài ra, vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ cũng đang được Bộ gấp rút triển khai. Mong muốn của Bộ Công Thương là hiệu lực thực thi càng đi vào cuộc sống càng sớm càng tốt.

Bên cạnh những vấn đề pháp lý mà ông đề cập, Bộ Công Thương đã đồng hành cùng doanh nghiệp như thế nào để có thể khắc phục thách thức và có thể tận dụng những cơ hội?

Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp cũng rất được chú trọng, hiện Bộ Công Thương đang triển khai nhiều hoạt động trực tuyến, xúc tiến kết nối online giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường tốt hơn. Trong đó, vấn đề liên quan đến thủ tục cắt giảm hành chính đang được triển khai rất quyết liệt.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp cùng các bộ ngành địa phương xây dựng sẵn kế hoạch thực hiện với hy vọng khi EVFTA có hiệu lực thì các bộ, ngành cũng như 63 tỉnh, thành phố có thể triển khai ngay. Đặc biệt, kế hoạch thực hiện đã được Bộ lưu, chỉ chờ hiệp định có hiệu lực sẽ ban hành. Như vậy, chúng ta cần đẩy nhanh xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, thậm chí phải đi trước cả những cam kết. Xem EVFTA như động lực để thúc đẩy quá trình cải cách, tạo sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế sau đại dịch.

Xin cảm ơn ông!

Khi EVFTA có hiệu lực, 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay lập tức, số còn lại theo lộ trình sẽ giảm dần trong 10 năm. Về phía Việt Nam, 71% hàng xuất khẩu sang các nước EU cũng sẽ được miễn thuế ngay lập tức, phần còn lại sẽ giảm dần trong vòng 7 năm.

Đỗ Nga

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]