Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA: Cơ hội song hành thách thức

19500
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có những cam kết sâu hơn và bao trùm nhiều lĩnh vực; trong đó, nâng cao quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những nội dung mà các quốc gia thành viên phải thực thi.

Ông Vũ Xuân Trường – Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh – nhận định, EVFTA hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho EU cũng như Việt Nam. Trong số đó, có những cam kết lợi ích liên quan đến SHTT với những điểm nội bật. Cụ thể, phần SHTT trong EVFTA gồm các cam kết về bản quyền, sáng chế, dược phẩm và chỉ dẫn địa lý… với mức bảo hộ cao hơn so với WTO. Tuy nhiên, các mức này về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam cam kết bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan đến nông sản, thực phẩm – điều kiện để một số loại nông sản nổi bật của Việt Nam tiếp cận và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU.

Thách thức trong SHTT được các chuyên gia ví von “Hiệp định EVFTA là một cửa lớn rất sáng sủa nhưng không phải dễ vào”. Sản phẩm mang nhãn hiệu/sáng chế/kiểu dáng công nghiệp đến từ Việt Nam cần tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền tại EU với mức chi phí khá cao; thủ tục đăng ký phức tạp với điều kiện để được bảo hộ khắt khe. Vì vậy, các DN khá e dè tính toán để thực hiện công việc này. Trên thực tế, các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp đều ít quan tâm đến SHTT.

Nói rõ hơn về các cam kết trong EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) – cho hay, kiểu dáng công nghiệp bảo hộ không chỉ có sản phẩm hoàn chỉnh mà cả linh kiện/bộ phận nhìn thấy được trong quá trình thông thường. Các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền SHTT (TPMs) trong EVFTA mở rộng các hành vi sử dụng xâm phạm TPMs không chỉ sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê mà còn tàng trữ với mục đích thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy. Cách thức bảo hộ mở rộng phạm vi các thiết bị/công cụ có thể bị xử lý không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp vô hiệu hóa TPMs. Về thông tin quản lý quyền (RMI), cách thức bảo hộ không chỉ bảo vệ RMI trên bản gốc mà còn trên cả bản sao, bản công bố ra công chúng. Cơ hội sẽ biến thành thách thức nếu DN vẫn mơ hồ về pháp luật SHTT.

Nhận thức đúng vai trò quan trọng của SHTT, nhất là khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định EVFTA, các điều kiện ràng buộc về SHTT nâng cao và chặt chẽ, minh bạch hơn. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, các bộ, ngành, DN cần có những kiến nghị, đề xuất nhằm thực thi quyền SHTT ngày càng đầy đủ hơn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý, góp phần tích cực bảo vệ những DN kinh doanh chân chính, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm.

Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU, nhưng để khai thác được thị trường rộng lớn này, DN cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU. Điều đó đòi hỏi các DN phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực SHTT, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Vũ Xuân Trường – Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:Để tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại thị trường EU, DN nên tìm kiếm các đại diện sở hữu công nghiệp của Cục SHTT để được hỗ trợ tư vấn đăng ký tốt nhất.

Nguyễn Hạnh

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]