Xuất nhập khẩu Singapore, tình hình thị trường cần nắm tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021

25845
  1. Tình hình XNK của Singapore trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021:

1.1 Tổng quan:

Trong tháng 5/2021, tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt gần 89 tỷ SGD, tăng 30,93%, trong đó XK đạt 47,3 tỷ SGD, tăng 29,8% và NK 41,6 tỷ SGD, tăng 32,23% so với cùng tháng năm 2020. Hàng hoá xuất xứ từ Singapore và hàng hoá trung gian từ nước thứ 3 tái xuất qua Singapore đầu tăng mạnh, lần lượt 27,9% và 31,44%.

Kim ngạch XNK của Singapore tháng 5 tiếp tục tăng cao, tiếp tục đà tăng trưởng mạnh ghi nhận được trong 2 tháng trước đó, trái ngược với đà tăng trưởng âm ghi nhận trong tháng 1 và tháng 2/2021 lần lượt là – 1,92% và – 3,27%.

Số liệu tích cực trong 3 tháng gần đây giúp kim ngạch XNK của Singapore trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng dương 13,4%, đạt 452,1 tỷ SGD; trong đó XK tăng 14,62%, đạt gần 241 tỷ SGD và NK tăng 12,04%, hơn 211 tỷ SGD. Sản xuất nội địa của Singapore trong 5 tháng đầu năm cũng tăng trưởng dương, xuất khẩu hàng nội địa của Singapore tăng khoảng 8,03%. Số liệu này cho thấy kinh tế Singapore có dấu hiệu phục hồi khá tốt bất chấp covid-19 đang tái bùng phát trở lại.

1.2 Với 15 đối tác thương mại lớn: Trong 5 tháng đầu năm 2021 (so với cùng kỳ 2020), trong 15 đối tác có kim ngạch thương mại lớn nhất (chiếm 80,6% kim ngạch XNK của Singapore với thế giới), có tới 12/15 đối tác có kim ngạch thương mại tăng trưởng dương, đa phần ở mức 2 con số như Trung Quốc (24,03%), Malaysia (30,96%), Đài Loan (30,09%), Hong Kong (24,7%), Ấn Độ (37,9%), Australia (38,13%), Philippines (21,22%) và Pháp (21,08%). Việt Nam có kim ngạch thương mại hai chiều với Singapore tăng trưởng dương 16,27%. 3/15 đối tác thương mại lớn nhất còn lại có kim ngạch thương mại 2 chiều với Singapore giảm gồm Thái Lan (-13,83%), Mỹ (-7,21%), Nhật Bản (-3,02%).

Về nhập khẩu: Các thị trường nhập khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Pháp, Đức… Việt Nam đứng thứ 19/20 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Singapore và nằm trong nhóm 6/20 thị trường nhập khẩu có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2020. Mức suy giảm nhập khẩu lớn nhất của Singapore trong 5 tháng đầu năm được ghi nhận tại các thị trường Vương Quốc Anh (-32,31%), Thái Lan (-31,6%), Qatar (-30,66%), Indonesia (-11,98%), Việt Nam (-11,36%), Mỹ (-3,9%). Các thị trường còn lại đều ghi nhận mức tăng trưởng tương đối tốt.

Về xuất khẩu: Các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Mỹ, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Úc, Campuchia… Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Singapore. Trong 5 tháng đầu năm 2021, có 14/20 thị trường xuất khẩu của Singapore tăng trưởng dương, một số thị trường xuất khẩu của Singapore có mức tăng trưởng khá cao, cá biệt có thị trường tăng 3 con số như Campuchia (tăng 473,83%), Ấn Độ (41,51%), Pháp (tăng 38,38%), Trung Quốc (34,43%), Việt Nam (27,69%), Malaysia (25,76%), Hong Kong (24,89%), Đài Loan (tăng 23,73%)… 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất gồm Trung Quốc, Hong Kong và Malaysia đều tăng khá cao, ở mức 2 con số. 6/20 thị trường xuất khẩu chủ lực còn lại tăng trưởng âm gồm Nhật Bản Bỉ (-13,34), (-11,74%), Hà Lan (-11,11%), Mỹ (-10,3%), Panama (-2,73%), Thái Lan (-0,16%).

1.3 Theo ngành hàng:

Về XK: Trong tháng 5, trong 21 nhóm ngành hàng XK chủ lực của Singapore, chỉ có 3 nhóm ngành hàng tăng trưởng âm, đó là ngọc trai, đá quý, sản phẩm kim hoàn (-36,39%), phương tiện tàu bay, tàu vũ trụ và bộ phận (-20,75%) và dược phẩm (-2,71%). Còn lại 18/21 nhóm ngành hàng tăng trưởng ở mức rất cao, hầu hết là ở 2 con số, không ít ngành hàng XK chủ lực tăng ở mức 3 con số như xăng dầu và sản phẩm xăng dầu (tăng 125,4%), sắt thép (tăng 117%), rượu và đồ uống (108,28%) và đồng hồ, đồng hồ cá nhân và bộ phận (tăng 103,39%). Hai nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch XK là máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện và lò phản, ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang bị phụ tùng, lần lượt đạt kim ngạch XK 17,6 và 7,4 tỷ SGD, tăng 30,28% và 34,42%. Đây là tín hiệu khá tích cực đối với nền kinh tế Singapore – quốc gia phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế.

Về NK: Trong tháng 5, cán cân nhập khẩu từ thế giới của Singapore tăng mạnh trở lại, chỉ có 3/21 nhóm ngành hàng NK chủ lực suy giảm so với cùng kỳ năm 2021 như các sản phẩm sắt thép (-18,01%), dầu thực động vật, chất béo (-15,61%) và giấy và các sản phẩm từ giấy (-5,29%). 18/21 nhóm ngành hàng NK chủ lực còn lại đều tăng trưởng rất cao, một số nhóm ngành hàng NK tăng trưởng 3 con số như hàng khoá khác (560,05%), máy móc, thiết bị, điện thoại di động và linh kiện (420,55%), lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị (200,36%), và đồng hồ cá nhân và bộ phận (183,52%). Kim ngạch NK tăng cao trở lại tương đương mức tăng XK cho thấy sản xuất nội địa và lưu thông thương mại hàng hoá tại Singapore đang dần phục hồi khá tốt. Đồng thời, Singapore đã tìm ra được cách thích ứng với thời kỳ dịch bệnh covid-19 kéo dài.

  1. Phân tích cán cân XNK Việt Nam – Singapore:

Trong tháng 5, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt 2 tỷ SGD, tăng 30,5% so với cùng kỳ 2020, trong đó XK từ Việt Nam sang Singapore đạt 452,6 triệu SGD, tăng 34,09% và NK từ Singapore vào Việt Nam đạt 1,6 tỷ SGD, tăng 29,5%.

Trong hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá xuất xứ Singapore, đạt 459,5 triệu SGD, tăng 37,1% và hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam, đạt 1,1 tỷ SGD (chiếm 71%), tăng 26,63%.

Theo số liệu trên đây, cán cân XNK giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 5 tăng khá tốt, tiếp tục đà tăng trưởng được ghi nhận trong tháng 1 (25,92%), tháng 3 (18,81%) và tháng 4 (24,04%), sau khi giảm sâu -11,05% ở tháng 2/2021.

Do đó, xét trong cả 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore duy trì đà tăng trưởng dương, khoảng 16,27%. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Singapore vẫn ở mức lớn, đặc biệt xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore trong 5 tháng đầu năm giảm khá sâu, khoảng 11,36%.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore:

Cũng theo số liệu trên, trong tháng 5, kim ngạch XK hàng hoá từ VN sang Singapore tăng khá mạnh, chỉ có 3/21 nhóm ngành hàng XK chủ lực suy giảm như gạo và ngũ cốc (-6,35%), giấy và sản phẩm từ giấy (-22,4%) và thuốc lá, nguyên liệu thay thế (-61,85%). 19/21 nhóm ngành hàng XK chủ lực khác đều tăng cao; 3 nhóm ngành XK chiếm tỷ trọng lớn nhất như máy móc, thiết bị, điện thoại di động và linh kiện, thuỷ tinh và các sản phẩm thuỷ tinh, lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và thiết bị, tăng lần lượt 17,53%, 53,16% và 41,72%; một số nhóm ngành hàng tăng kỷ lục ở mức 3, 4 con số như xăng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ (1396,44%), các sản phẩm chế biến (590,31%), đồ nội thất và sản phẩm liên quan (220,7%), dầu mỡ động vật, chất béo (200,71%), thuốc nhuộm, sơn và mực màu các loại (211,07%), quần áo may mặc (107,31%)… Kết quả xuất khẩu hàng hoá sang Singapore trong tháng 5 và tháng 1 khởi sắc góp phần kéo giảm mức suy giảm XK trong 5 tháng đầu năm 2021.

Nhập khẩu hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam:

Tháng 5 vẫn chứng kiến đà tăng NK mạnh từ Singapore vào Việt Nam, sau khi thiết lập nhiều kỷ lục mới về mức tăng trưởng trong tháng liền kề trước đó. Chỉ có 4/20 nhóm ngành hàng NK chủ lực suy giảm như lò phản ứng, nồi hơi, má công cụ và phụ kiện (-20,91%), thức ăn và các sản phẩm chế biến (-21.62%), rượu và đồ uống (-29,38%) và thuốc lá, nguyên liệu thay thế (-61,26%). 16/20 nhóm ngành hàng NK chủ lực còn lại đều tăng mạnh như sắt thép (603,45%), bưu phẩm (162,92%), sữa và sản phẩm chế từ ngũ cốc (114,19%), xăng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ (95,06%), máy móc thiết bị, điện thoại di động và linh kiện (49,19%)…

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]