Xuất nhập khẩu Singapore, tình hình thị trường cần nắm tháng 6/2022

15570
  1. Tình hình XNK của Singapore trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022:

1.1 Tổng quan:

Trong tháng 6/2022, tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt gần 124 tỷ SGD, tăng 30,95%, trong đó XK đạt 64,3 tỷ SGD, tăng 29,51% và NK gần 60 tỷ SGD, tăng 32,54% so với tháng 6/2021.

Trong kim ngạch hàng XK, hàng hoá có xuất xứ từ Singapore đạt hơn 30,1 tỷ SGD (tăng 27,03%) và hàng hoá có xuất xứ từ nước thứ 3 đạt hơn 34,1 tỷ SGD (tăng 31,78%), chiếm lần lượt 46,93% và 70,37% tổng kim ngạch XK.

Bảng 1: Thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với Thế giới trong tháng 6 năm 2022
(Đơn vị: nghìn SGD, %)
Hạng mục T06/2021 T06/2022 Tăng, giảm (%)
1 Xuất nhập khẩu 94,658,839 123,957,065 30.95
2 Xuất khẩu 49,618,994 64,260,047 29.51
3 Nhập khẩu 45,039,845 59,697,018 32.54
4 + Hàng có xuất xứ từ Singapore 23,737,832 30,154,044 27.03
5  + Hàng tái xuất đi nước thứ ba 25,881,162 34,106,003 31.78

Tính cộng lũy tiến 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt gần 681 tỷ SGD, tăng 24,55%, trong đó XK 354,4 tỷ SGD (tăng 21,95%) và NK là 326,5 tỷ SGD (tăng 27,49%).

Bảng 2: Thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với Thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022
(Đơn vị: nghìn SGD, %)
Hạng mục 6T/2021 6T/2022 Tăng, giảm (%)
1 Xuất nhập khẩu 546,711,063 680,910,638 24.55
2 Xuất khẩu 290,601,257 354,398,067 21.95
3 Nhập khẩu 256,109,806 326,512,571 27.49
4 + Hàng có xuất xứ từ Singapore 133,093,975 166,141,290 24.83
5  + Hàng tái xuất đi nước thứ ba 157,507,282 188,256,777 19.52

 

Các số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch XNK của Singapore với thế giới trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì đà tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động như chuỗi cung ứng vẫn còn gián đoạn, bất ổn chính trị thế giới, đặc biệt là chiến tranh Nga và Ukraine, các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây nhắm vào Nga và Trung Quốc song kim ngạch XNK của Singapore không những ít bị ảnh hưởng mà còn tăng cao liên tục trong các tháng qua. Đáng chú ý hàng nội địa sản xuất tại Singapore duy trì mức tăng cao hơn hàng tạm nhập tái xuất trong cán cân thương mại xuất khẩu của nước này. Dấu hiệu suy giảm nhẹ trong xuất khẩu của Singapore mới công bố gần đây tuy nhỏ song rất đáng chú ý, có thể là chỉ dấu phản ánh chiều chững lại hoặc không tăng thêm trong kim ngạch XNK của nước này trong những tháng cuối năm xuất phát từ nhiều nguyên khách quan bên ngoài và nội tại bên trong Singapore, ví dụ như lạm phát ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh.

1.2 Với 15 đối tác thương mại lớn (xét trong 6 tháng đầu năm 2022):

Trong 6 tháng đầu năm 2022 (so với cùng kỳ 2021), kim ngạch NXK của Singapore với 15/15 đối tác có kim ngạch thương mại lớn nhất (chiếm khoảng 80,26% tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới) tăng trưởng dương, hầu hết ở mức 2 con số, một số đối tác có mức kim ngạch tương đối tốt như United Arab Emirates (tăng 67,22%), Hàn Quốc (tăng 38,55%), Thái Lan (tăng 35,82%), Indonesia (tăng 33,51%), Đài Loan (tăng 32,9%), Australia (tăng 32,31%), Mỹ (tăng 29,75%), Ấn Độ (tăng 25,14%)…Trung Quốc, Malaysia và Mỹ là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Singapore với tổng kim ngạch thương mại lần lượt: 84,3 tỷ SGD, 76 tỷ SGD và 65,5 tỷ SGD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12, với kim ngạch TM hai chiều 15,7 tỷ SGD, tăng 21,77%.

Bảng 3: Thống kê thương mại hai chiều của Singapore với 15 đối tác lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2022
(Đơn vị: nghìn SGD, %)
TT Đối tác 6T/2021 6T/2022 Tăng, giảm (%)
1 Trung Quốc 75,797,572 84,267,437 11.17
2 Malaysia 61,891,194 76,018,709 22.83
3 Mỹ 50,501,230 65,523,757 29.75
4 Đài Loan 44,814,472 59,556,282 32.90
5 Hong Kong 40,939,233 44,039,407 7.57
6 Indonesia 28,316,530 37,805,182 33.51
7 Hàn Quốc 25,572,829 35,431,936 38.55
8 Nhật Bản 25,367,492 33,046,709 30.27
9 Thái Lan 15,924,274 21,628,523 35.82
10 Australia 12,955,862 17,141,404 32.31
11 Ấn Độ 12,592,099 15,757,927 25.14
12 Việt Nam 12,896,737 15,704,577 21.77
13 United Arab Emirates 9,046,394 15,127,172 67.22
14 Phillipines 11,025,091 13,672,519 24.01
15 Đức 11,241,274 11,772,717 4.73

Về nhập khẩu: Trong 6 tháng đầu năm 2022, các thị trường nhập khẩu chính của Singapore vẫn là Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, United Arab Emirates, Thái Lan, Pháp… Việt Nam hiện nằm trong nhóm 20 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Singapore (đứng thứ 19/20). Mức tăng trưởng nhập khẩu của Singapore trong nhóm 20 thị trường lớn này khá cao cao, 19/20 thị trường tăng trưởng dương với nhiều mức tăng kỷ lục như Brazil (tăng 101,55%), Saudi Arabia (tăng 71,06%), United Arab Emirates (tăng 77,75%), Hàn Quốc (tăng 72,69%), Thái Lan (tăng 72,63%), Saudi Arabia (tăng 71,06%)… Đài Loan soán ngôi Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 6 tháng đầu năm, với kim ngạch hơn 42 tỷ SGD, tăng 38,37%. Tiếp theo sau là Malaysia (thứ 2) và Trung Quốc (thứ 3). Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường có mức tăng nhập khẩu (tức là xuất khẩu vào thị trường Singapore) khá cao, khoảng 37,48%.

Bảng 4: Thống kê nhập khẩu của Singapore với

20 đối tác lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2022

(Đơn vị: nghìn SGD, %)
STT Đối tác 6T/2021 6T/2022 Tăng, giảm (%)
1 Đài Loan 30,360,103 42,008,621 38.37
2 Malaysia 34,845,890 40,551,081 16.37
3 Trung Quốc 35,729,744 39,432,515 10.36
4 Mỹ 25,366,245 34,436,877 35.76
5 Hàn Quốc 12,607,320 21,770,975 72.69
6 Nhật Bản 14,051,089 18,685,470 32.98
7 Indonesia 9,691,390 12,739,870 31.46
8 United Arab Emirates 6,421,165 11,413,721 77.75
9 Thái Lan 5,632,891 9,724,331 72.63
10 Pháp 7,758,418 8,243,956 6.26
11 Đức 6,666,419 6,859,573 2.90
12 Saudi Arabia 3,985,918 6,818,215 71.06
13 Phillipines 5,075,414 6,609,499 30.23
14 Thuỵ sỹ 5,844,455 6,583,047 12.64
15 Ấn Độ 4,682,664 6,210,670 32.63
18 Australia 5,239,244 5,640,070 7.65
16 Anh 4,594,035 5,392,608 17.38
17 Brazil 2,298,307 4,632,213 101.55
19 Việt Nam 2,874,949 3,952,517 37.48
20 Ý 3,333,695 3,266,481 -2.02

Về xuất khẩu: Trong 6 tháng đầu năm 2022, các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Mỹ, Indonesia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 10 của Singapore. Đáng chú ý, cả 20/20 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Singapore tăng trưởng dương, đa phần ở mức 2 con số, một số thị trường có mức tăng khá cao như Bangladesh (tăng 78,68%), Panama (tăng 49,73%), Australia (tăng 49,05%), United Arab Emirates (tăng 41,45%), Indonesia (tăng 34,58%)… Các thị trường xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc, Hong Kong và Malaysia tăng lần lượt là 11,9% (44,8 tỷ SGD), 7,93% (41,8 tỷ SGD) và 31,14% (35,5 tỷ SGD).

Bảng 5: Thống kê xuất khẩu của Singapore với

20 đối tác lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2022

(Đơn vị: nghìn SGD, %)
STT Đối tác 6T/2021 6T/2022 Tăng, giảm (%)
1 Trung Quốc 40,067,828 44,834,922 11.90
2 Hong Kong 38,732,301 41,805,223 7.93
3 Malaysia 27,045,305 35,467,629 31.14
4 Mỹ 25,134,985 31,086,880 23.68
5 Indonesia 18,625,141 25,065,312 34.58
6 Đài Loan 14,454,370 17,547,661 21.40
7 Nhật Bản 11,316,403 14,361,239 26.91
8 Hàn Quốc 12,965,509 13,660,961 5.36
9 Thái Lan 10,291,384 11,904,192 15.67
10 Việt Nam 10,021,787 11,752,060 17.27
11 Australia 7,716,618 11,501,334 49.05
12 Ấn Độ 7,909,434 9,547,257 20.71
13 Hà Lan 6,358,149 7,530,887 18.44
14 Philippines 5,949,677 7,063,020 18.71
15 Campuchia 5,144,421 5,423,751 5.43
18 Bỉ 3,962,072 5,030,442 26.96
16 Đức 4,574,855 4,913,144 7.39
17 Panama 2,734,500 4,094,436 49.73
19 Bangladesh 2,190,759 3,914,367 78.68
20 United Arab Emirates 2,625,230 3,713,451 41.45

1.3 Theo ngành hàng (xét trong tháng 6/2022):

Về XK: Trong tháng 6/2022, 18/21 ngành hàng XK chủ lực của Singapore ra thế giới tăng, góp phần đưa cán cân thương mại XK tăng trưởng khá cao, khoảng 29,51%; 7/7 nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch trên 2 tỷ SGD, tăng trưởng rất tốt, cụ thể: máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện (23,1 tỷ SGD, tăng 33,62%); lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện (9,1 tỷ SGD, tăng 15,12%); xăng dầu và sản phẩm xăng dầu (8,6 tỷ SGD, tăng 56,93%); bưu phẩm (4,4 tỷ SGD, tăng 82,53%); máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ và nhạc cụ (3 tỷ SGD, tăng 13,81%); ngọc trai, đá quý và sản phẩm kim hoàn (2,6 tỷ SGD, tăng 62,38%) và nhựa và các sản phẩm từ nhựa (2,1 tỷ SGD, tăng 24,12%). Một số nhóm ngành hàng khác có tỷ trọng trung bình (dưới 1 tỷ SGD) song tăng trưởng cao như các sản phẩm từ sắt thép (tăng 61,85%), thức ăn và sản phẩm chế biến (tăng 50,23%)… Có 3/21 nhóm ngành hàng XK tăng trưởng âm gồm rượu và đồ uống (giảm 6,35%), giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 5,51%) và dược phẩm (giảm 4,05%).

Về NK: Trong tháng 6, cùng với đà tăng XK, kim ngạch nhập khẩu của Singapore cũng giữ tốc độ tăng trưởng cao, 20/21 nhóm ngành hàng NK lớn nhất tăng trưởng dương, đáng lưu ý 5/5 nhóm ngành hàng NK có tỷ trọng trên 2 tỷ SGD tăng ở mức 2 con số, trong đó cả 4/4 nhóm ngành có tỷ trọng trên 3 tỷ SGD đều tăng ở mức 2 con số, cụ thể: máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện (19,6 tỷ SGD, tăng 33,9%), xăng dầu và sản phẩm xăng dầu (14,1 tỷ SGD, tăng 60,48%), lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang bị phụ tùng (8 tỷ SGD, tăng 20,94%), ngọc trai, đá quá và sản phẩm kim hoàn (2,9 tỷ SGD, tăng 69,46%) và máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ và nhạc cụ (2,1 tỷ SGD, tăng 28,08%).… Chỉ có 1/21 nhóm ngành hàng NK tăng trưởng âm là các sản phẩm từ hóa chất (giảm 17,02%).

  1. Phân tích cán cân XNK Việt Nam – Singapore:

Về tổng quan, trong tháng 6, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt gần 2,86 tỷ SGD, tăng 27,83% so với cùng tháng của năm 2021, trong đó XK từ Việt Nam sang Singapore đạt 706,1 triệu SGD, tăng 42,99% và NK từ Singapore vào Việt Nam khoảng 2,2 tỷ SGD, tăng 23,53%. Tuy nhiên, so với tháng liền kề trước đó, tổng kim ngạch XNK, NK tăng lần lượt là 7,65% và 14,88% song kim ngạch XK giảm 9,69%.

Đây là tháng thứ 2 liên tiếp chứng kiến đà tăng cao của kim ngạch XK so với NK mặc dù mức thâm hụt giữa NK và XK ước đạt khoảng 1,5 tỷ SGD.

Trong hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá xuất xứ Singapore, đạt 581,7 triệu SGD, tăng 5,21% và hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam đạt 1,6 tỷ SGD (chiếm 73%), tăng khá cao khoảng 32,05%.

Bảng 1: Thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 6 năm 2022
(Đơn vị tính: nghìn SGD, %)
STT Hạng mục T06/2021 T06/2022 Tăng, giảm (%)
1 Xuất nhập khẩu 2,235,631 2,857,813 27.83
2 Xuất khẩu 493,850 706,136 42.99
3 Nhập khẩu 1,741,781 2,151,677 23.53
4 + Hàng có xuất xứ từ Singapore 552,859 581,665 5.21
5  + Hàng tái xuất từ nước thứ ba 1,188,922 1,570,012 32.05

 

Nếu tính cả 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XNK 2 chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 15,7 tỷ SGD, tăng 21,77% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó XK đạt gần 4 tỷ SGD, tăng 37,48% và NK khoảng 11,8 tỷ, tăng 17,27%.

Phân tích sâu hơn về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thì hàng trung gian (tạm nhập tái xuất) qua Singapore vào Viêt Nam chiếm tới 69,08% tổng kim ngạch hàng XK từ Singapore vào Việt Nam, tương đương 8,1 tỷ SGD. Đây là khoản gần bằng mức thâm hụt thương mại giữa 2 nước trong khi hàng hóa có xuất xứ từ Singapore ở mức tương đối cân bằng, thậm chí thấp hơn cán cân XK từ Việt Nam sang Singapore. Điều này cho thấy, lợi thế rõ rệt của trung tâm thương mại khu vực của Singapore.

Bảng 6: Thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
giữa Việt Nam và Singapore trong 6 tháng đầu năm 2022
(Đơn vị tính: nghìn SGD, %)
STT Hạng mục 6T/2021 6T/2022 Tăng, giảm (%)
1 Xuất nhập khẩu 12,896,737 15,704,577 21.77
2 Xuất khẩu 2,874,949 3,952,517 37.48
3 Nhập khẩu 10,021,787 11,752,060 17.27
4 + Hàng có xuất xứ từ Singapore 2,712,276 3,633,358 33.96
5  + Hàng tái xuất từ nước thứ ba 7,309,511 8,118,702 11.07

 

Về nhóm ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore (tính trong tháng 6/2022):

Trong tháng 6/2022, cùng chiều với đà tăng khá tốt trong cán cân kim ngạch XNK hàng hoá giữa Singapore và Việt Nam, kim ngạch XK hàng hoá từ VN sang Singapore tăng cao, khoảng 42,99%. Đáng chú ý, xu hướng tăng này được ghi nhận trong nhiều tháng trước đó liền kề. Có tới 14/21 nhóm ngành hàng XK tăng trưởng dương, một số nhóm ngành hàng tăng trưởng với mức rất cao như sắt thép (tăng 3974,3%, khoảng gần 40 lần), ngọc trai, đá quý và sản phẩm kim hoàn (tăng 3684,36%, khoảng gần 37 lần), muối, lưu huỳnh, đất đá và thạch cao, vôi (tăng 186,34%)… Đáng lưu ý, 2 nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch XK đều tăng trưởng cao, cụ thể: máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ kiện (248,2 triệu SGD, tăng 64,05%) và lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện (78,7 triệu SGD, tăng 14,32%). Có 7/21 nhóm ngành hàng XK khác tăng trưởng âm, một số ngành hàng giảm khá sâu như gạo và ngũ cốc (giảm 45,39%), thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh (giảm 16,25%), đồng và sản phẩm từ đồng (giảm 11,16%)… Đây là tháng thứ 2 liên tiếp chứng kiến đà suy giảm XK của nhóm mặt hàng gạo và ngũ cốc.

Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam:

Tháng 6 cũng chứng kiến sự tăng trưởng lớn từ kim ngạch NK hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam (tuy có thấp hơn so với các tháng liền kề). Trong xu hướng này, hàng hóa trung gian qua Singapore nhập vào Việt Nam tăng hơn 6 lần mức tăng của hàng hóa xuất xứ Singapore xuất khẩu vào Việt Nam. Trong 21 nhóm ngành NK chủ lực, có 11/21 nhóm ngành hàng suy giảm, đáng chú ý như thuốc lá và nguyên liệu thay thế (giảm 49,51%), rượu và đồ uống (giảm 46,89%), hóa chất (giảm 32,89%)..… 10/21 nhóm ngành hàng còn lại tăng trưởng dương, một số tăng trưởng cao như sắt thép (tăng 182,98%), bưu phẩm (tăng 75,42%)… đáng chú  ý, 2 nhóm ngành hàng NK chiếm tỷ trọng lớn nhất là máy móc, điện thoại, thiết bị, linh kiện và lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện tăng cao, lần lượt là 37,47% và 83,13%.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]