1. Mục đích ban hành Chiến lược
– Tiếp tục duy trì vị thế tiên phong, đi đầu của nền kinh tế Singapore trong giai đoạn tiếp theo. Xây dựng một nền kinh tế tạo nhiều giá trị gia tăng, mở, kết nối với thế giới, nơi người dân được khuyến khích học tập suốt đời, các doanh nghiệp đổi mới và năng động, đất nước kết nối và linh hoạt; chính phủ điều hoà, bao quát và nhanh nhạy.
– Duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức 2-3%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của phần lớn các nền kinh tế khác.
– Đem đến nhiều cơ hội việc làm lương tốt, nhiều cơ hội sự nghiệp ý nghĩa cho người dân Singapore.
2. Nội dung Chiến lược
2.1. Những thách thức mà Singapore đang và sẽ gặp phải
– Môi trường kinh tế thế giới đang có những thay đổi cấu trúc mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và được dự báo tiếp tục ở mức thấp trong thập kỷ tiếp theo. Dân số các nền kinh tế phát triển và một số nền kinh tế đang phát triển đã bắt đầu già hoá.
– Thay đổi công nghệ diễn ra nhanh chóng. Chu kỳ đổi mới đã được rút ngắn hơn. Các công nghệ mới có thể tạo ra cả 1 ngành công nghiệp mới. Các lĩnh vực như robot, trí thông minh nhân tạo, in 3D đang thay đổi cuộc sống, cách làm việc. Trong môi trường đó, người lao động phải liên tục học tập, nâng cấp chính mình để tồn tại.
– Đáng lo ngại hơn, thế giới đang chứng kiến xu hướng bảo hộ và phản toàn cầu hoá gia tăng. Xu hướng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại quốc tế và tất cả các nền kinh tế, trong đó những nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Singapore sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
2.2. Những cơ hội mà Singapore có thể tận dụng
– Mỹ và châu Âu tiếp tục có các công ty, con người mà Singapore có thể hợp tác. Các thị trường châu Á và các nền kinh tế mới nổi, nhất là Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ, hứa hẹn nhiều tiềm năng.
– Các công ty Singapore được định hướng tốt, có thể khai thác tốt các lĩnh vực tăng trưởng mới như: sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và đô thị hoá tại châu Á sẽ làm tăng nhu cầu về tài chính, dịch vụ trung chuyển, giao nhận, các giải pháp đô thị… Nền kinh tế kỹ thuật số cũng đem lại nhiều cơ hội. Trong nền sản xuất hiện đại, các công nghệ mới và sự gia tăng của dịch vụ hỗ trợ sẽ giúp nâng cao năng suất.
2.3. Các chiến lược Singapore sẽ triển khai để tiếp tục phát triển
2.3.1. Làm sâu sắc thêm và đa dạng hoá các kết nối quốc tế:
– Singapore nên gia tăng thương mại và đầu tư bằng cách đề xuất các sáng kiến song phương đặc biệt, hợp tác chặt chẽ với các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới và giúp đỡ người dân, các công ty hiểu sâu sắc hơn về các thị trường nước ngoài.
– Nước này nên thành lập Liên minh Đổi mới Toàn cầu để kết nối các công ty và định chế của Singapore với các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy đổi mới.
2.3.2. Thu thập và tối ưu hoá các kỹ năng chuyên sâu:
– Các công ty nên đóng vai trò lớn hơn trong việc phát triển lực lượng lao động của mình. Cả nhà nước và tư nhân cần phải thuê mướn và bổ nhiệm nhân lực dựa trên kỹ năng thay vì điểm số học tập.
– Ngân hàng Việc làm Quốc gia và các chương trình khác giúp kết nối công nhân với người tuyển dụng cần phải được cải tiến.
– Cần triển khai nhiều hơn nữa các chương trình đào tạo để giúp công nhân có được các kỹ năng mới, cần thiết trong tương lai.
2.3.3. Nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong đổi mới và phát triển:
– Cần phải phát triển hệ sinh thái sở hữu trí tuệ, hỗ trợ các doanh nhân đang trong giai đoạn khám phá các cơ hội mới và nâng cao năng lực của các công ty khởi nghiệp nội địa.
– Đơn giản hoá thủ tục và các chương trình hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhiều hơn cho khởi nghiệp.
– Tập trung hỗ trợ các công ty có tiềm năng phát triển.
2.3.4. Xây dựng năng lực số mạnh:
– Cần phải xây dựng năng lực an ninh mạng và phân tích dữ liệu – những ngành có tiềm năng phát triển cao trong tương lai. Chính phủ nên hợp tác với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này để đào tạo các nhà khoa học dữ liệu, sử dụng lực lượng vũ trang để xây dựng các kỹ năng về an ninh mạng cũng như thu hút và giữ chân các công ty công nghệ tiên phong trong các phân khúc nhỏ của ngành an ninh mạng.
– Chính phủ sẽ nới lỏng các quy định để có thể chấp nhận, tiếp thu các công nghệ mới và giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp thu các công nghệ số.
– Chính phủ cũng cần xây dựng cơ quan thu thập và hỗ trợ việc sử dụng dữ liệu. Dữ liệu cần được chia sẻ nhiều hơn với khu vực tư nhân để khai thác.
2.3.5. Xây dựng 1 thành phố năng động và kết nối với nhiều cơ hội:
– Singapore sẽ nâng cao hình ảnh là 1 trung tâm hàng hải và hàng không toàn cầu, tận dụng tuyến đường sắt tốc độ cao Kuala Lumpur-Singapore để tạo ra các hoạt động kinh tế trong cả khu vực và gia tăng kết nối số.
– Chính phủ nên tạo ra nhiều tổ hợp kinh tế đổi mới như Jurong Lake District và Punggol và tiến hành hợp tác với các công ty tư nhân. Đồng thời, hợp tác với khu vực tư nhân để chuyển đổi khu vực Orchard trở thành 1 điểm đến hàng đầu về mua sắm và phong cách sống.
2.3.6. Thiết kế và triển khai các lộ trình chuyển đổi ngành:
– Những lộ trình cho các ngành nghề cụ thể cần phải tiếp tục đựơc tuỳ biến, chỉnh sửa để phù hợp với nhu cầu của từng ngành. Hơn nữa, các ngành nghề này nên được nhóm vào thành các cụm ngành nghề để khi chuyển đổi 1 ngành nghề cụ thể sẽ có tác động tích cực đến tất cả các ngành khác.
– Chính phủ cũng nên chú ý đến những thay đổi trong các ngành nghề của nền kinh tế.
– Cần phải đề ra lộ trình cụ thể với các cơ hội trong những ngành có triển vọng tăng trưởng tốt; cung cấp các chiến lược để giúp các ngành nghề vốn đòi hỏi nhiều công nhân tay nghề thấp gia tăng năng suất và nâng cao trình độ.
2.3.7. Hợp tác vì tăng trưởng và đổi mới:
– Chính phủ cần xây dựng và nuôi dưỡng 1 môi trường hỗ trợ đổi mới, dám chấp nhận rủi ro trong khu vực tư nhân và nhà nước.
– Hệ thống thuế cần được xem xét lại dựa trên 02 nguyên tắc: thứ nhất, hệ thống thuế phải bao quát, luỹ tiến và công bằng, đồng thời phải đảm bảo số thu thuế được tăng lên theo thời gian để đáp ứng các nhu cầu trong nước. Thứ hai, hệ thống thuế phải tiếp tục cạnh tranh và hỗ trợ tăng trưởng.